Cụ thể, nhiệm vụ, vai trò của Hội đồng tư vấn là gì, thưa ông?
Đây là lần đầu tiên TP.HCM được trao một nghị quyết quan trọng như vậy, thể hiện rõ nhất ở 2 vấn đề là mở rộng phân cấp phân quyền thành phố (TP) trong một số lĩnh vực và một số cơ chế, chính sách chưa có trong quy định hoặc trái các quy định. Do đó, việc chuẩn bị đặc biệt cần thiết và cấp bách để nghị quyết có thể sớm đi vào cuộc sống.
Trên tinh thần đó, TP đã lập 1 Hội đồng tư vấn gồm 25 chuyên gia, mục đích là tập hợp trí tuệ đóng góp, đề xuất những biện pháp, giải pháp theo từng đề án cụ thể khi TP triển khai nghị quyết; tham gia đóng góp những giải pháp, biện pháp mà trong quá trình thực thi còn vướng mắc. Đồng thời, nghiên cứu một số vấn đề rộng hơn, lớn hơn như: phát hành trái phiếu quốc tế hoặc thí điểm sandbox – thí điểm có kiểm soát đối với việc xây dựng thị trường tài chính quốc tế, tiếp tục hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị thế nào để nâng cao hiệu quả nền công vụ địa phương…
Ngoài ra, yếu tố quyết định thành công trong việc triển khai Nghị quyết 98 là nâng cao năng lực và hiệu quả của bộ máy hành chính ở các cấp. Các chuyên gia trong hội đồng sẽ có các hiến kế, tư vấn trong những vấn đề như vậy, ở mức độ rộng hơn từng điều khoản của nghị quyết.
Có thể hình dung hội đồng là “quân sư” của lãnh đạo thành phố trong việc triển khai Nghị quyết 98?
Tôi cho rằng việc thành lập hội đồng thể hiện sự cầu thị của chính quyền TP, lãnh đạo TP đối với lực lượng khoa học kỹ thuật, các trí thức trong và ngoài nước có nghiên cứu về VN, có tâm huyết với TP. Mục tiêu cuối cùng là thúc đẩy TP.HCM phát triển ngang tầm với vị trí, vai trò và theo hướng bền vững.
Nghị quyết có thể triển khai thành công hay không, phụ thuộc vào cả 2 chiều: mức độ đóng góp của tập thể hội đồng cũng như mức độ TP tiếp thu và vận dụng. Một điểm mừng là trong kỳ họp đầu tiên ngày 11.8, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đã đưa ra một số yêu cầu rất cụ thể đối với hội đồng, đồng thời có cam kết sẽ phản hồi với từng thành viên khi hội đồng có những ý kiến, kiến nghị để tạo động lực cho việc đóng góp ý kiến.
TS Trần Du Lịch
Công cụ pháp lý cần thiết để TP.HCM phát huy sự năng động, sáng tạo
Như ông vừa nói, chưa bao giờ TP.HCM được trao cơ chế, chính sách quan trọng, chưa có, thậm chí trái quy định như lần này. Với cơ chế, chính sách đặc biệt như vậy, những điểm nghẽn nào đã được tháo gỡ?
Như Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đã khẳng định, Nghị quyết 98 không phải “cây đũa thần” giải quyết tất cả mọi thứ. Tôi không nghĩ rằng Nghị quyết 98 giải quyết được tất cả các vấn đề vì thực sự, những điểm nghẽn, những vấn đề tồn tại của TP.HCM liên quan đến rất nhiều lĩnh vực. Cần nhìn nhận rằng, đây là lần đầu tiên Trung ương cho TP một nghị quyết liên quan đến phân cấp phân quyền và chính sách động lực mang tính hệ thống, đồng thời giao trách nhiệm lớn hơn để khai thác tính năng động, sáng tạo của hệ thống chính trị địa phương, trong đó có HĐND, UBND TP.
Nghĩa là nhiều đầu việc trước đây như điều chỉnh quy hoạch, quyết định chủ trương đầu tư, dự án đầu tư… thuộc thẩm quyền của Trung ương. TP.HCM muốn làm phải trình xin nhiều cấp. Giờ, giao về cho TP tự quyết, giúp TP chủ động, xử lý nhanh được các vấn đề quan trọng.
Bên cạnh đó, nghị quyết mở ra cho TP cơ chế để huy động vốn từ trái phiếu, từ khai thác quỹ đất dọc các tuyến đường sắt, cũng như từ nhiều nguồn lực dưới nhiều hình thức. Từ đó, bổ sung vào nguồn vốn đầu tư mà hiện nay nếu chỉ cân đối bằng nguồn thu địa phương được để lại thì không bao giờ đủ. Rồi chính sách khoa học công nghệ – lực lượng mà lâu nay rất khó khăn trong việc thu hút nhân lực, vật lực. HĐND TP sẽ sớm thông qua những chính sách để thu hút lực lượng khoa học công nghệ cao tham gia vào các chương trình của TP.
Tôi nhắc lại là Nghị quyết 98 cho TP.HCM công cụ pháp lý cần thiết để TP có thể phát huy sự năng động, sáng tạo của mình, triển khai hướng theo tinh thần Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phát triển TP.HCM đề ra. Không có nghĩa rằng có nghị quyết là tất cả các vấn đề đều được giải quyết.
Cụ thể thì những dự án nào TP có thể vận dụng Nghị quyết 98 để tháo gỡ ngay được, thưa ông?
Nghị quyết tạo cơ chế để TP.HCM đẩy nhanh hơn dự án cảng biển Quốc tế Cần Giờ; xây dựng hệ thống 8 tuyến đường sắt đô thị… Hay trước đây, TP không thể làm BOT trên những tuyến đường hiện hữu, khiến nhiều dự án ách tắc suốt nhiều năm thì nay đã có cơ chế, làm ngay được. Mới đây, Sở GTVT TP cũng đã trình UBND TP các dự án cần cấp bách ưu tiên triển khai theo hình thức này. Các dự án bất động sản lâu nay tắc về điều chỉnh quy hoạch và định giá đất, hiện nay đã được thông qua cơ chế tháo gỡ.
Trước đây, TP cũng không thể bàn chuyện áp dụng mô hình đối tác công – tư (PPP) trong lĩnh vực thể thao, văn hóa, giờ thì TP đang chuẩn bị làm những dự án như vậy.
Đặc biệt là hệ thống 8 tuyến đường sắt đô thị. Chính phủ yêu cầu TP hoàn thành hệ thống này trước 2035 nhưng thực tế chúng ta làm 1 tuyến gần 20 năm chưa xong. Nếu không thay đổi hoàn toàn cách làm thì không cách gì thực hiện được mục tiêu này. Nghị quyết 98 mở đường cho mô hình kết hợp metro với dự án TOD để tận dụng khai thác giá trị từ quỹ đất. Khi có từng dự án như vậy thì TP có thể phát hành trái phiếu, thậm chí xin Trung ương cho phép phát hành trái phiếu quốc tế. Khi bài toán tài chính khả thi, chủ động thì các yếu tố khó khăn khác cũng đơn giản hơn.
Vừa rồi, hội đồng cũng đã kiến nghị trước mắt chọn 1 tuyến để xây dựng đề án kết hợp giữa TOD với xây dựng tuyến đường. Như vậy mới đánh giá được khả năng khai thác quỹ đất ở 1 tuyến mẫu. Nếu thành công, có thể tiến hành đồng loạt triển khai đại trà cho nhiều dự án.
3 năm sau khi nghị quyết được ban hành, TP sẽ phải có đánh giá, báo cáo kết quả triển khai cho Quốc hội. Để tháo những nút thắt đã kéo dài hàng thập niên, liệu có làm kịp không?
Thành quả thế nào, không thể nói trước được. Song, với tinh thần chuẩn bị, triển khai một cách quyết liệt như hiện nay thì tôi tin rằng ít nhất sau 3 năm sẽ đạt được một số thành quả cụ thể.
Đơn cử như vấn đề quy hoạch lâu nay tắc, hiện đã được gỡ để làm rồi. Từ 1.8, TP đã ký nhiều quyết định thông qua từng dự án cụ thể liên quan đến điều chỉnh quy hoạch mà lâu nay tắc. Cũng từ 1.8, TP.Thủ Đức sẽ tiếp nhận các nội dung thuộc thẩm quyền và xử lý theo quy định. TP.HCM đã tiến hành một số nội dung về tổ chức bộ máy của TP.Thủ Đức như tổ chức HĐND TP.Thủ Đức, các ban của HĐND TP.Thủ Đức; công bố quyết định thành lập 3 trung tâm đơn vị sự nghiệp công của TP.Thủ Đức (Trung tâm an sinh, Trung tâm xúc tiến thương mại – đầu tư, Trung tâm quản lý khai thác hạ tầng)…
Có thể khẳng định, đây là cơ hội để TP.HCM lấy lại vị trí, vai trò của mình, khai thác được lợi thế của đầu tàu kinh tế.
Ông kỳ vọng nhất điều gì từ Nghị quyết 98 đối với sự phát triển của TP.HCM?
Mong muốn lớn nhất của tôi là từ Nghị quyết 98, TP sẽ sơ kết đánh giá để hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị, đặc biệt là mô hình chính quyền TP trong TP đối với TP.Thủ Đức. Từ đó, nâng cao hiệu quả quản trị, quản lý của chính quyền TP.HCM. Hướng tới lâu dài, từ mô hình thành công của TP.HCM có thể xây dựng được luật về các đô thị đặc biệt phổ biến hơn.
Trước mắt, tôi kỳ vọng một số cơ chế có thể mở rộng cho vùng Đông Nam bộ, đơn cử như hình thức TOD. Qua thực hiện 3 năm, sẽ xem xét cơ chế cho địa phương tăng bội chi ngân sách bằng phát hành trái phiếu, nếu nó an toàn, hiệu quả.