(Chinhphu.vn) – Với những giải pháp, sự hỗ trợ thiết thực từ Nghị quyết 143/NQ-CP, các doanh nghiệp có thể vượt qua khó khăn và nhanh chóng phục hồi sau bão lũ. Điều quan trọng là cần kịp thời đánh giá thiệt hại, nắm bắt cơ hội từ các chính sách ưu đãi và đặc biệt cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong quá trình khắc phục hậu quả bão lũ.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Nghị quyết số 143/NQ-CP quy định rõ phạm vi và đối tượng nhận hỗ trợ, bao gồm người dân, lao động, nhóm yếu thế, các hộ kinh doanh, hợp tác xã và doanh nghiệp tại các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3, lũ lụt và sạt lở đất. Hỗ trợ sẽ tập trung triển khai trong 2 tháng là tháng 9 và tháng 10/2024. Đối với một số chính sách dành riêng cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh, thời gian thực hiện có thể được kéo dài đến cuối năm 2025 nhằm đảm bảo quá trình phục hồi và thích ứng với chu kỳ sản xuất kinh doanh.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, chuyên gia kinh tế đánh giá, cơn bão số 3 đã gây ra những tổn thất nặng nề tại nhiều khu vực chịu ảnh hưởng. Mặc dù con số thiệt hại chính thức vẫn đang được các cơ quan chức năng thu thập và thống kê nhưng ông Đinh Trọng Thịnh dự đoán rằng hậu quả của bão có thể khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2024 giảm từ 0,18 đến 0,2% GDP.
“Chúng ta đã có một khởi đầu đầy lạc quan từ đầu năm đến tháng 9/2024 với kỳ vọng đạt mức tăng trưởng 7%. Tuy nhiên, sự tàn phá của cơn bão số 3 đã tác động nặng nề, làm đình trệ nghiêm trọng nhiều hoạt động kinh tế, cản trở quá trình sản xuất và phân phối hàng hóa tại nhiều địa phương, kéo giảm đà phục hồi và phát triển của nền kinh tế”, ông Đinh Trọng Thịnh nhận định.
Sự chỉ đạo kịp thời và quyết liệt từ Chính phủ
Với nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào các ngành như nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến…, hậu quả của thiên tai đối với các ngành này dễ dàng tác động tiêu cực đến các lĩnh vực khác như giao thông, thương mại và dịch vụ. Chính vì vậy, việc Chính phủ nhanh chóng ra Nghị quyết số 143/NQ-CP là điều rất cấp thiết rất “đúng” và “trúng” để giúp các doanh nghiệp sớm phục hồi, tái thiết sản xuất, thực hiện các mục tiêu kinh tế đã đề ra.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh: “Nghị quyết 143/NQ-CP của Chính phủ không chỉ là một biện pháp mang tính tình thế mà còn là nền tảng giúp các doanh nghiệp và địa phương khôi phục lại các hoạt động kinh tế sau bão. Nghị quyết đã đưa ra các định hướng bao gồm những giải pháp khôi phục sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tái thiết sau bão…”.
Một trong những điểm nổi bật của Nghị quyết này là sự chỉ đạo nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể cho từng bộ, ngành và các địa phương. Từ việc tái thiết cơ sở hạ tầng, khôi phục giao thông đến bảo đảm cung ứng lương thực, thực phẩm và các khía cạnh khác của đời sống xã hội và sản xuất đều được cân nhắc, chỉ đạo sát sao.
Theo ông Thịnh, đây là cơ sở quan trọng để các cấp chính quyền địa phương và doanh nghiệp có thể thực thi, triển khai thực hiện nhiệm vụ khôi phục hoạt động một cách hiệu quả và nhanh chóng sau bão lũ.
Doanh nghiệp và địa phương cần chủ động đánh giá thiệt hại và đề xuất hỗ trợ
Tuy nhiên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng chỉ ra rằng, sự thành công của Nghị quyết 143/NQ-CP không chỉ phụ thuộc vào sự chỉ đạo từ trên xuống mà còn dựa vào sự chủ động của các doanh nghiệp và địa phương.
“Doanh nghiệp cần tự mình đánh giá thiệt hại và đưa ra các yêu cầu cụ thể về hỗ trợ. Chính phủ đã có chỉ đạo giãn nợ, hoãn thuế và không chuyển nhóm nợ xấu cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nhưng việc này chỉ có thể thực hiện khi doanh nghiệp thống kê rõ ràng và yêu cầu hỗ trợ đúng mức”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.
Cụ thể, các doanh nghiệp cần phối hợp với cơ quan chức năng để đề xuất các biện pháp như giãn hoãn thuế, phí cũng như các khoản nợ vay từ ngân hàng. Đối với những trường hợp bị thiệt hại nặng trên 30%, việc giảm thuế sẽ được xem xét.
Nếu mức thiệt hại lên đến 70% thì có thể đề nghị miễn thuế. Đây là một quy trình đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và minh bạch từ phía doanh nghiệp để bảo đảm các chính sách hỗ trợ được triển khai chính xác và nhanh chóng, đúng đối tượng.
Ngoài ra, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng đề cao vai trò của các bộ, ngành liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước; cho rằng, các cơ quan này cần nhanh chóng triển khai các giải pháp khắc phục hậu quả bão lũ, từ việc đảm bảo lưu thông hàng hóa, sửa chữa và khôi phục hạ tầng giao thông đến cung cấp nguồn lực tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp theo đúng tinh thần của Nghị quyết 143/NQ-CP.
Bộ Công Thương thực hiện tốt nhiệm vụ được giao là quản lý nguồn cung lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm, bảo đảm không để tình trạng thiếu hụt hàng hóa hoặc tăng giá bất hợp lý xảy ra tại các vùng bị ảnh hưởng. Đồng thời, Tổng cục Quản lý thị trường và Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng phải giám sát và kiểm soát chặt chẽ giá cả, tránh tình trạng lợi dụng thiên tai để đẩy giá tăng cao.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải đóng vai trò chủ chốt trong việc khắc phục các hạ tầng giao thông bị hư hỏng, đảm bảo việc lưu thông hàng hóa không bị gián đoạn.
“Sự thông suốt của mạng lưới giao thông là yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp khôi phục sản xuất và hoạt động xuất nhập khẩu không bị ảnh hưởng”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Bộ Tài chính có những chỉ đạo quyết liệt về việc cung cấp nguồn lực tài chính hỗ trợ cho các địa phương và doanh nghiệp. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước triển khai hiệu quả các giải pháp, yêu cầu các ngân hàng thương mại thực hiện các chính sách giãn nợ, hoãn nợ và không chuyển nhóm nợ xấu đối với các doanh nghiệp bị thiệt hại do bão. Điều này giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính để khôi phục sản xuất mà không phải lo lắng về áp lực trả nợ ngay lập tức.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định, sự chỉ đạo từ Nghị quyết 143/NQ-CP là rất kịp thời và quyết liệt, nhưng để đạt hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.
Việc phục hồi, khắc phục hậu quả sau thiên tai đòi hỏi sự đồng lòng, đồng hành từ mọi cấp, mọi ngành, người dân, doanh nghiệp. Các địa phương, đặc biệt là Sở Công Thương tại các tỉnh thành chịu ảnh hưởng cần nắm bắt tình hình một cách chi tiết và báo cáo kịp thời để điều phối hàng hóa, đảm bảo đời sống người dân.
Các doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn trong việc đánh giá mức độ thiệt hại và đề xuất các biện pháp hỗ trợ phù hợp. Nếu cả hệ thống cùng hành động nhịp nhàng, đồng bộ, các thiệt hại từ bão sẽ sớm được khắc phục và nền kinh tế sẽ nhanh chóng trở lại đà tăng trưởng và phát triển.
Nghị quyết 143/NQ-CP của Chính phủ không chỉ đơn thuần là một giải pháp tạm thời mà là lực đẩy giúp doanh nghiệp và nền kinh tế vượt qua khó khăn sau cơn bão số 3. Với sự chỉ đạo kịp thời và sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào khả năng khắc phục hậu quả thiên tai và đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng bền vững.
“Nghị quyết 143 đã mở ra những hướng đi rõ ràng, cụ thể và có tính thực tiễn cao, giúp các doanh nghiệp và địa phương có thể nhanh chóng phục hồi và tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Điều quan trọng nhất lúc này là sự chủ động, trách nhiệm từ cả hệ thống để biến những giải pháp này thành hiện thực, đem lại hiệu quả cao nhất trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau thiên tai, bão lũ”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh bày tỏ.
Chinhphu.vn
Nguồn: https://baochinhphu.vn/nghi-quyet-143-nq-cp-luc-day-quan-trong-cho-doanh-nghiep-phuc-hoi-sau-bao-lu-102240919102435489.htm