Đôi chân khuyết tật không làm khó An đến giảng đường
Sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo thôn Phú Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, năm 6 tuổi Hồ Đắc An (tân sinh viên ngành Công nghệ thông tin, Trường đại học Khoa học, ĐH Huế) bị sốt siêu vi khiến đôi chân bị liệt. Điều kỳ diệu đã đến sau quá trình nỗ lực tập luyện, An vẫn có thể chập chững bước đi thay vì nằm một chỗ.
Kể từ đó, mỗi bước chân của An trở nên nặng nề, khập khiễng, mỗi ngày đến trường là một chặng đường đầy gian nan.
Gia đình An còn là nạn nhân của di chứng chất độc da cam. Mẹ của An – bà Lê Thị Vân đi lại không được như bình thường. Hai em trai của An cũng bị rút gân chân bẩm sinh, đi lại khó khăn, trí tuệ phát triển chậm và phải nghỉ học từ năm lớp 6.
Mọi chi tiêu trong nhà đều trông chờ vào công việc phụ thợ hồ bữa đực bữa cái của cha An là ông Hồ Đắc Thanh.
Số phận nghiệt ngã, gia đình khó khăn nhưng không vì thế An đầu hàng.
Không thể tự đi đến trường, An nhờ một người bạn hàng ngày ghé chở An đến lớp. Lắm lúc An cũng tự ti, mặc cảm về bản thân vì những bước đi chân cao chân thấp là đề tài trêu ghẹo của một số người.
An cùng buồn tủi và từng có suy nghĩ hay nghỉ học. Nhưng ngoái lại thấy sự vất vả của mẹ cha, An càng quyết tâm vượt qua nghịch cảnh.
“Nhờ sự hy sinh của ba, tình yêu của mẹ và tình thương dành cho các em đã tiếp thêm động lực cho mình. Tôi luôn tự nhủ phải cố gắng chăm học để sau này có nghề nghiệp ổn định còn lo cho ba mẹ và hai em nữa”- An nói với sự quyết tâm.
Giờ đây, khi đã trở thành sinh viên ngành Công nghệ thông tin Trường đại học Khoa học, ĐH Huế, An tâm sự “luôn muốn mình phải thật thành công để một ngày lỡ như ba mẹ rời đi thì tôi vẫn có thể chăm sóc được cho hai em nhỏ cũng bị di chứng chất độc da cam”, An nói.
Nhắc về cậu học trò Hồ Đắc An, cô giáo Lê Thị Thuỳ (giáo viên chủ nhiệm của An ở Trường THPT An Lương Đông, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) tấm tắc khen: “An luôn có một khát khao mãnh liệt được đến trường, suốt năm lớp 12, An không vắng một buổi nào.
Tuy nhiên hoàn cảnh gia đình em lại rất khó khăn. Tôi rất mong các nhà hảo tâm giúp đỡ em ấy để con đường học tập và tương lai tươi sáng hơn”.
Ánh Dương hướng về phía mặt trời, dù mồ côi, khốn khó
Tân sinh viên Nguyễn Ngọc Ánh Dương (sinh viên ngành Logistic và chuối cung ứng, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế), có gia đình gồm ba chị em và cô là chị cả. Năm Dương vừa tròn 12 tuổi, bố đã không may qua đời sau cơn đột quỵ.
Từ ngày chồng mất, bà Mười phải lo lắng mọi thứ trong nhà. Người mẹ nghèo trở thành trụ cột duy nhất.
Một ngày mới của bà Mười bắt đầu từ lúc 1h sáng phụ bán trứng tại chợ đầu mối Bãi Dâu cách nhà khoảng 10km.
Làm quần quật đến 6h sáng, bà Mười tiếp tục trở về nhà nhận làm gia công trầm hương nụ cho đến tận khuya với thù lao chỉ 20.000 đồng cho mỗi ký trầm nụ thành phẩm.
Thương mẹ vất vả, từ năm lớp 10 Ánh Dương đã xin đi làm thêm để phụ mẹ trang trải.
“Con bé cứ xin đi làm thêm để mẹ bớt khổ. Tui thì nhất quyết không cho nó đi nhưng nó cứ nằng nặc mãi. Vậy nên tui nói là nếu được học sinh giỏi, mẹ mới cho con đi làm thêm. Ai ngờ nó quyết tâm đạt học sinh giỏi để… được đi làm thêm phụ mẹ thiệt”, bà Mười kể.
Hằng ngày sau giờ học, Ánh Dương thường vào bếp nấu ăn cho các em, sau đó lại lên phụ mẹ gia công trầm hương. Tận dụng những ngày nghỉ, Dương xin đi bưng bê, dọn dẹp ở một quán cà phê gần nhà.
Mặc dù tranh thủ làm thêm nhưng suốt 12 năm đèn sách, cô bé luôn đạt học sinh giỏi và cô coi đó là món quà quý giá dành tặng cho mẹ.
Ngày hay tin con gái đậu đại học, bà Mười vừa mừng vừa lo. Lục hết túi sau túi trước, trong nhà chỉ còn vỏn vẹn vài triệu đồng, không đủ cho Dương đóng học phí đầu năm học.
“Tôi định bụng nói với Dương hay bảo lưu một năm học rồi đi làm công nhân để kiếm tiền. Chưa kịp mở lời thì Dương đã nói với tôi là con sẽ đi làm thêm để kiếm tiền đi học chứ nhất quyết không bỏ ngang. Tui nghe con nói mà quặn lòng”, bà Mười rơm rớm nói.
Nói là làm, sau khi nhận giấy báo trúng tuyển, Ánh Dương đã rong ruổi khắp phố Huế để tìm việc làm thêm. Nhờ có “kinh nghiệm” làm thêm ở quán cà phê từ khi còn là một cô bé học sinh, Dương được cô chủ quán nhận và đào tạo thêm nghề pha chế đồ uống tại một quán nước.
“Tôi rất thích cái tên của chính mình. Ánh Dương là tia nắng mặt trời, mang lại sự sống, niềm hi vọng. Vậy nên tôi sẽ cố gắng như loài hoa luôn khát khao hướng về phía mặt trời để nở những bông hoa đẹp nhất cho đời. Tôi tin bản thân mình chỉ cần nỗ lực hết sức thì cơ hội đổi đời sẽ đến”, Ánh Dương nói.
Thầy giáo Lê Thái Hoà (giáo viên chủ nhiệm của Ánh Dương ở Trường THPT Hai Bà Trưng, TP Huế), cho biết Dương có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng tràn đầy tự tin.
“Là cô bé có vẻ ngoài nhỏ khắn, khá mỏng manh nhưng bên trong em là một ý chí vượt khó học giỏi đáng khâm phục.
Khác với các bạn cùng trang lứa, sau giờ học Dương chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện trà sữa, xem phim mà quay về nhà phụ giúp mẹ việc nhà và cả đi làm thêm. Vừa làm vừa học như vậy mà Dương vẫn học rất giỏi, luôn đứng trong top đầu ở lớp”, thầy Hòa nói.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nghi-luc-cua-hai-tan-sinh-vien-dh-hue-con-manh-hon-so-phan-khong-may-20241005223244127.htm