Cuối năm ngoái, tại họp báo giới thiệu Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2023, ông Đỗ Đình Hồng – giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội – thông tin, sau hồ sơ ghi danh phở Hà Nội vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Hà Nội cũng sẽ phối hợp Nam Định và một số địa phương khác xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh nghề nấu phở Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Phở nào là phở “thứ thiệt”?
Cả hai vừa có tên trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vài ngày trước.
Song hỏi Sở VH-TT&DL tỉnh Nam Định về “sự hợp tác” để đưa phở đi xa hơn về mặt hình ảnh, đại diện sở cho Tuổi Trẻ biết hiện vẫn chưa có gì cụ thể.
Tỉnh không phủ nhận việc xem đó là mục tiêu hướng đến. Song điều này không hẳn nằm ở mong muốn của địa phương mà phụ thuộc rất lớn vào ý chí của các cấp lớn hơn trong việc xây dựng thương hiệu văn hóa quốc gia.
Lâu nay dễ nhận thấy phở Nam Định và phở Hà Nội vẫn tồn tại một cuộc “so kè” ngầm.
Đâu mới là quê hương của phở?
Phở nào ngon hơn?
Người ta tranh luận cả chuyện phở Bắc – phở Nam. Phở Sài Gòn cũng rơi vào vòng xoáy dư luận chỉ vì ăn kèm nhiều loại rau thơm và topping ú ụ, có cả bò viên và ăn cùng tương đen.
Một “cuộc chiến” chưa có hồi kết.
Hôm tri thức dân gian phở (gọi nôm na là nghề phở) Nam Định và Hà Nội có tên trong danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trên mạng dấy lên không ít tranh cãi phở nào mới là phở thứ thiệt.
Ồn ào, cục bộ và cũng thật “địa phương chủ nghĩa”. Chung quy cũng bởi suy nghĩ có phần đáng yêu và duy ý chí “quê mình là nhất”, “ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”.
Song phải nói đó là sự đáng yêu không mấy thân thiện.”Quê mình là nhất” nên xem nhẹ, thậm chí phủ nhận sự giàu có và đa dạng của phở Việt nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung. Chưa kể, tạo ra một bầu khí quyển có phần tiêu cực, tủn mủn, mang tính “ăn thua”.
Trong bối cảnh đó, việc hướng đến một mục tiêu chung, một ghi danh lớn hơn ngoài lãnh thổ có lẽ sẽ mở ra một sự kiện “vô tiền khoáng hậu”.
Khi đó lần đầu tiên phở Nam Định hay phở Hà Nội, phở Bắc hay phở Nam có thể tạm “mất tên” vì một cái tên chung: phở Việt.
Và trong phở Việt có phở Hà Nội, phở Nam Định, phở Sài Gòn, phở Cao Bằng… Nghĩ vậy để thấy con đường phở Việt đi là một con đường rộng, đa dạng, giàu có. Có mất gì mà không nghĩ xa hơn “hậu” ghi danh di sản văn hóa quốc gia?
Khi nào phở thành di sản nhân loại?
Tính đến nay, có hơn 600 di sản văn hóa phi vật thể của 140 quốc gia, vùng lãnh thổ được UNESCO ghi danh.
Việt Nam có 14 di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại và 1 di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp (ca trù) có tên trong danh sách. Tuy nhiên chưa có di sản nào liên quan đến ẩm thực được gọi tên, dù Việt Nam từ lâu được xem là “thiên đường” ẩm thực.
Phở Việt có lịch sử và truyền thống lâu đời, là món ăn “quốc dân” có mặt trên nhiều tỉnh thành, được du khách quốc tế yêu thích.
Mới đây, hai vùng phở trong rất nhiều vùng phở, cùng với tri thức dân gian kiến tạo nên nó, mới được ghi danh thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nhưng 17 năm trước, năm 2007, phở (pho) đã đi vào từ điển Oxford nổi tiếng thế giới như một danh từ riêng, một mã vạch nhận diện văn hóa, chỉ một món ăn chỉ có Việt Nam mới có.
Phở – “đại sứ ẩm thực” của Việt Nam, trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại? Nghệ nhân Lê Thị Thiết – chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Nam Định – nói với Tuổi Trẻ “tại sao không?” và “ta cũng nên nghĩ đến việc đó để hoàn thiện chính ngành của mình”.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nghi-lon-hon-cho-pho-viet-20240817100539453.htm