(MPI) – Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 182/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư. Nghị định gồm 6 chương, 45 điều và 07 biểu mẫu được áp dụng đối với Quỹ, các doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam đáp ứng tiêu chí và điều kiện tại Nghị định này và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ.
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Nghị định quy định nguyên tắc áp dụng chính sách hỗ trợ, gồm: Doanh nghiệp đáp ứng điều kiện của hạng mục hỗ trợ chi phí theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định này thì được hưởng hỗ trợ của hạng mục chi phí đó. Trường hợp doanh nghiệp đáp ứng đồng thời điều kiện của nhiều hạng mục hỗ trợ chi phí thì được hưởng hỗ trợ đồng thời các hạng mục chi phí đủ điều kiện đáp ứng.
Việc hỗ trợ chi phí được thực hiện bằng Đồng Việt Nam, theo các phương thức sau: a) Hỗ trợ theo hạng mục hỗ trợ chi phí hằng năm quy định tại mục 1 Chương III Nghị định này, theo năm tài chính đề nghị hỗ trợ. Doanh nghiệp được hưởng mức hỗ trợ tương ứng với mức đáp ứng điều kiện hưởng hỗ trợ; b) Hỗ trợ chi phí đầu tư ban đầu theo quy định tại mục 2 Chương III Nghị định này.
Doanh nghiệp tự kê khai và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác, trung thực của các số liệu, thông tin, nội dung trong Hồ sơ thực hiện thủ tục hỗ trợ chi phí. Mức hỗ trợ chi phí tại Chương III Nghị định này thực hiện theo mức đề nghị của doanh nghiệp đáp ứng điều kiện hỗ trợ, theo quyết định xét duyệt và theo nguyên tắc quy định tại Điều 27 Nghị định này.
Mỗi doanh nghiệp, dự án được chi hỗ trợ tối đa 5 năm, trừ trường hợp được kéo dài thêm thời gian áp dụng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp doanh nghiệp đồng thời thuộc đối tượng hưởng hỗ trợ từ Quỹ này và từ quỹ khác hoặc hình thức hỗ trợ khác của Chính phủ cho cùng một hạng mục hỗ trợ chi phí thì doanh nghiệp được lựa chọn loại hình hỗ trợ áp dụng theo nguyên tắc chỉ được áp dụng hỗ trợ cho hạng mục này từ một Quỹ hoặc một hình thức hỗ trợ, trừ trường hợp Chính phủ có quy định khác hoặc được Thủ tướng Chính phủ quyết định áp dụng khác.
Trường hợp doanh nghiệp đồng thời thuộc đối tượng hưởng hỗ trợ theo quy định tại mục 1 và mục 2 Chương III Nghị định này thì chỉ được lựa chọn hỗ trợ theo quy định tại một mục. Hỗ trợ được quy định tại Chương III Nghị định này áp dụng cho doanh nghiệp có dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ pháp lý có giá trị tương đương theo quy định của pháp luật về đầu tư được cấp trước và từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Hỗ trợ các hạng mục chi phí quy định tại mục 1 Chương III Nghị định này được áp dụng từ năm tài chính doanh nghiệp công nghệ cao có doanh thu hoặc dự án của doanh nghiệp được quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định này có doanh thu, đồng thời có phát sinh các khoản chi phí được hỗ trợ. Đối với năm đầu tiên được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao hoặc Giấy chứng nhận hoạt động ứng dụng công nghệ cao hoặc Giấy chứng nhận doanh nghiệp thành lập mới từ dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao hoặc Giấy chứng nhận dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao hoặc Giấy chứng nhận dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển, chi phí được hỗ trợ là chi phí phát sinh trong cả năm tài chính đó. Doanh nghiệp nộp Hồ sơ thực hiện thủ tục hỗ trợ chi phí sau khi đã kết thúc năm tài chính đề nghị hỗ trợ theo quy định tại Chương IV Nghị định này. Tiền hỗ trợ từ Quỹ không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp.
Nghị định cũng quy định chi tiết về quỹ hỗ trợ đầu tư, gồm: Địa vị pháp lý, tư cách pháp nhân của Quỹ; Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Quỹ; Cơ cấu tổ chức quản lý của Quỹ; Tổ chức và quyền hạn của Hội đồng quản lý Quỹ; Trách nhiệm và quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ; Trách nhiệm và quyền hạn của các thành viên Hội đồng quản lý Quỹ; Tổ chức và quyền hạn của Cơ quan điều hành Quỹ.
Về chính sách hỗ trợ đầu tư, Nghị định quy định về hỗ trợ chi phí và hỗ trợ chi phí đầu tư ban đầu. Trong đó, hạng mục hỗ trợ chi phí của Quỹ bao gồm: Chi phí đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; Chi phí nghiên cứu và phát triển; Chi phí đầu tư tạo tài sản cố định; Chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao; Chi phí đầu tư công trình hạ tầng xã hội; Các trường hợp khác do Chính phủ quyết định.
Đối tượng được hưởng hỗ trợ chi phí bao gồm: Doanh nghiệp công nghệ cao; Doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao; Doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao; Doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển.
Hỗ trợ chi phí dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao; Hỗ trợ chi phí đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; Hỗ trợ chi phí nghiên cứu và phát triển; Hỗ trợ chi phí đầu tư tạo tài sản cố định; Hỗ trợ chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao; Hỗ trợ chi phí đầu tư công trình hạ tầng xã hội.
Về hỗ trợ chi phí đầu tư ban đầu, Nghị định quy định đối tượng là doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Tiêu chí và điều kiện hỗ trợ chi phí đầu tư ban đầu: Doanh nghiệp quy định tại Điều 24 Nghị định này không có các khoản nợ thuế, nợ ngân sách nhà nước quá hạn tại thời điểm nộp hồ sơ và đáp ứng các điều kiện tại các điểm a, b và c khoản 6 Điều 18 Nghị định này; Dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển có tác động tích cực đến hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và phát triển các công nghệ mới, sản phẩm mới mang tính đột phá của đất nước.
Tại Nghị định, Chính phủ cũng quy định chi tiết hồ sơ, thủ tục và nội dung đánh giá hỗ trợ chi phí, gồm: Nguyên tắc xét duyệt đề nghị hỗ trợ chi phí; Hồ sơ thực hiện thủ tục hỗ trợ chi phí; Nội dung đánh giá đề nghị hỗ trợ chi phí; Trình tự và thủ tục đánh giá đề nghị hỗ trợ chi phí; Nội dung quyết định hỗ trợ đầu tư; Lựa chọn tư vấn hỗ trợ đánh giá Hồ sơ thực hiện thủ tục hỗ trợ chi phí; Hồ sơ, trình tự, thủ tục đánh giá đề nghị hỗ trợ chi phí đầu tư ban đầu; Tiến độ giải ngân tiền hỗ trợ chi phí đầu tư ban đầu và thực hiện cam kết của doanh nghiệp được hỗ trợ.
Nghị định cũng dành 01 chương quy định về quản lý tài chính và giám sát. Theo đó, các nội dung được quy định như nguồn tài chính của Quỹ; Nhiệm vụ chi của Quỹ; Lập kế hoạch tài chính của Quỹ; Lập, giao dự toán ngân sách nhà nước hằng năm của Quỹ; Nguyên tắc quản lý ngân sách nhà nước phân bổ và Quy trình thực hiện chi hỗ trợ; Quản lý tài khoản của Quỹ mở tại ngân hàng thương mại; Hạch toán, kế toán, quyết toán và chế độ báo cáo tài chính Quỹ; Kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và giám sát hoạt động.
Tại Nghị định, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổng hợp, bố trí dự toán chi hỗ trợ trong dự toán chi đầu tư phát triển của ngân sách trung ương hằng năm; tổng hợp dự toán chi quản lý Quỹ trong dự toán chi thường xuyên của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Bộ Tài chính để tổng hợp trong phương án phân bổ ngân sách trung ương hằng năm trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định; Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành và cơ quan có liên quan đánh giá các tỷ lệ hỗ trợ quy định tại Nghị định này, báo cáo đề xuất Chính phủ quyết định điều chỉnh nếu cần thiết.
Đồng thời, hướng dẫn việc tiếp nhận các nguồn đóng góp, viện trợ và tài trợ của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác của Quỹ; Có ý kiến đối với kế hoạch hoạt động hằng năm; các báo cáo định kỳ, báo cáo quyết toán của Quỹ; Đánh giá kết quả hoạt động, hiệu quả hoạt động của Quỹ; đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong quản lý, điều hành của người quản lý; Hướng dẫn chi tiết hồ sơ và thực hiện thủ tục quy định tại Chương IV Nghị định này./.
Nguồn: https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2025-1-2/Nghi-dinh-ve-thanh-lap-quan-ly-va-su-dung-Quy-Ho-tb3t66y.aspx