Nhiều phụ huynh có con đang ôn thi vào các trường THCS bày tỏ sự thất vọng và bất ngờ trước quy định cấm thi vào lớp 6 đối với các trường THCS chất lượng cao. Chị Nguyễn Hồng Điệp ở Thanh Trì (Hà Nội), phụ huynh có con học lớp 5, đang ôn thi vào trường chất lượng cao cho biết: “Ngoài việc lãng phí một số tiền lớn đầu tư cho con học thêm, tham gia các lớp luyện thi thì điều khiến tôi hoang mang, lo lắng hơn cả vẫn là việc xét tuyển học bạ sẽ không công bằng, có thể sinh ra những tiêu cực như “chạy chọt”, làm đẹp học bạ. Đó là chưa kể, việc đánh giá, xếp loại học sinh giữa các trường cũng có độ “vênh” khác nhau nên sẽ rất khó đảm bảo công bằng. Trong khi đó, việc thi đánh giá năng lực như hiện nay sẽ phân loại học sinh tốt hơn”.
Anh Hoàng Văn Nam ở Cầu Giấy (Hà Nội) cũng cho rằng, việc Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư về quy chế tuyển sinh THCS, trong đó có quy định cấm thi vào lớp 6 dưới mọi hình thức, áp dụng với tất cả các trường công lập và tư thục là khá đột ngột, khiến kế hoạch của nhiều gia đình và nhà trường bị đảo lộn.
“Các trường chất lượng cao thường có số lượng thí sinh đăng ký vượt xa chỉ tiêu mà không cho thi tuyển thì quá “làm khó” các trường. Biết chọn ai giữa hàng loạt học bạ toàn điểm 10 đây. Việc xét tuyển sẽ gây áp lực lên học bạ. Thay vì ôn thi từ lớp 4, lớp 5, giờ đây phụ huynh sẽ phải chạy đua “làm đẹp” học bạ từ lớp 1, rồi phải đầu tư cho con tham gia các cuộc thi để được cộng điểm ưu tiên. Điều này sẽ tăng áp lực cho phụ huynh, học sinh so với việc cho phép các trường kết hợp xét tuyển với tổ chức thi như hiện nay”, anh Nam chia sẻ.
Chị Nguyễn Ngọc Dung ở Hoàng Mai (Hà Nội) cũng cho rằng, năm 2015, Bộ GD&ĐT có Thông tư 11 ban hành quy chế tuyển sinh THCS và THPT, quy định một phương thức tuyển sinh duy nhất cho THCS là xét tuyển. Tuy nhiên sau 3 năm triển khai phát sinh nhiều bất cập, đến năm 2018, Bộ GD&ĐT ra Thông tư 05 sửa đổi quy định này. Theo đó, các trường có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn chỉ tiêu tuyển sinh, Sở GD&ĐT hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh. Nhờ vậy, các trường THCS chất lượng cao mới được phép tổ chức thi đầu vào lớp 6. Tuy nhiên, Thông tư 30 có hiệu lực từ ngày 14/2 tới đây sẽ quay lại quy định cũ từ 10 năm trước, rồi liệu quy định mới có khả thi?
Đại diện lãnh đạo một trường THCS chất lượng cao trên địa bàn Hà Nội cũng thừa nhận, việc không cho phép các trường chất lượng cao ngoài công lập tổ chức thi tuyển sẽ khó khăn trong tuyển sinh, nảy sinh nhiều hệ lụy, tiêu cực. Lý do là với hàng nghìn học bạ giống nhau, các trường có số lượng hồ sơ “khổng lồ” sẽ phải xét tiêu chí phụ bằng các chứng chỉ. Điều này khiến phụ huynh lại phải chạy đua bằng cách cho con tham gia các cuộc thi chứng chỉ ngoại ngữ, các cuộc thi kiến thức nhằm lấy giải thưởng với chi phí tốn kém. Hệ quả là các kỳ thi trăm hoa đua nở hoặc tình trạng “chạy” để làm đẹp học bạ lại nhức nhối.
Mặc dù vậy, cũng có những ý kiến ủng hộ việc bỏ thi tuyển vào lớp 6 để giảm bớt áp lực không cần thiết cho học sinh và đảm bảo sự đồng bộ trong việc thực thi chính sách.
Thực tế cho thấy, trong năm học 2024-2025, Bộ GD&ĐT đã có văn bản yêu cầu các địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh dừng tuyển sinh hệ THCS trong trường THPT chuyên vì Luật Giáo dục không cho phép tồn tại trường THCS chuyên. Theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, khối THCS của Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam (Hà Nội) và khối THCS của Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) đã phải dừng tuyển sinh từ năm 2024. Đây đều là những trường có thương hiệu lớn, đồng thời nhiều năm tổ chức thi tuyển vào lớp 6 rất căng thẳng với mức độ cạnh tranh gay gắt.
Từ câu chuyện xóa hệ chuyên THCS, nhiều ý kiến cho rằng, không có lý do gì để cho tồn tại các trường THCS chất lượng cao. Và việc cấm thi vào lớp 6, kể cả đối với các trường THCS chất lượng cao có thể là bước đi tiếp theo của Bộ GD&ĐT nhằm thực hiện chủ trương này.
Thầy Đinh Văn Thanh, giáo viên một trường THCS ở TP Vinh (Nghệ An) cho rằng, việc cấm thi vào lớp 6 là một chủ trương đúng và đáng hoan nghênh của Bộ GD&ĐT tiếp theo quy định cấm dạy thêm trong nhà trường vừa được ban hành.
Tuy nhiên, theo thầy Thanh, cái đúng này chỉ thực sự phát huy giá trị khi làm đồng bộ, đảm bảo tính hệ thống, đó là xóa kỳ thi lên lớp 6 phải được thực hiện đồng thời với việc phải xóa bỏ lớp chọn, xóa bỏ trường THCS chất lượng cao. Bằng không, việc bỏ kỳ thi này và thay bằng xét tuyển sẽ có nguy cơ trở thành “ổ bệnh” và là nguồn nuôi dưỡng cho đủ các loại tiêu cực khác.