Tràn lan hàng nhái thương hiệu
Những ngày cận Tết Nguyên đán, trên thị trường thành phố Vinh, các cửa hàng quần áo khá nhộn nhịp. Quan sát tại một cửa hàng, chúng tôi thấy áo quần ở đây hầu hết đều được bày bán hàng nhái thương hiệu nổi tiếng thế giới như hãng Adidas, Gucci, Louis Vuitton với giá siêu rẻ chỉ 200.000-250.000 đồng/áo, trong khi hàng xịn trên 20 triệu đồng/áo.
Điều đáng ngạc nhiên, biết là hàng “rởm” nhưng có khá nhiều người vẫn mua mặt hàng này, họ cho rằng, để sở hữu 1 chiếc áo hàng hiệu quá nhiều tiền, trong khi chỉ mấy trăm ngàn là đã thỏa mãn được niềm đam mê “hàng hiệu”.
Tìm về chợ Hiếu, thị xã Thái Hòa, tại đây có nhiều mặt hàng như ví da, phụ kiện thời trang, thắt lưng, mũ, dép, đều giả mạo các nhãn hiệu Burrbery, Lacost, Fendi, Gucci, Chanel, LV, Hermes, Dior, Valentino, Ferragamo, LV, Salvatore Ferragamo, Goyard, Louboutin, Polo, Calvin Klein.
Người bán hàng lý giải: Túi xách hàng nhái thương hiệu Chanel giá 700.000 đồng/chiếc, chủ yếu nhập hàng Quảng Đông (Trung Quốc) chất lượng cao, trong khi hàng “xịn” 10-11 triệu đồng/chiếc.
Ở dòng sản phẩm khác như vali kéo ở khu vực chợ thị trấn Quỳ Hợp, huyện Quỳ Hợp được bày bán khá nhiều, nhưng hầu hết là hàng kém chất lượng được bán với giá rẻ, chỉ từ 300.000-400.000 đồng/chiếc, hầu hết đều không có nguồn gốc xuất xứ, trong khi hàng hiệu 3,2-5 triệu đồng/chiếc. Theo người mua hàng, vali giá rẻ bề mặt ngoài dễ bị trầy xước hoặc hỏng khóa trong một vài lần sử dụng.
Ngoài ra, tại địa bàn thị trấn Đô Lương có không ít đồ điện gia dụng giả, nhái, kém chất lượng bày bán trôi nổi trên thị trường. Những mặt hàng này hầu hết không có nguồn gốc xuất xứ, song nhiều người vẫn chọn mua vì giá rẻ. Như nồi cơm điện Sharp, Cuckoo chỉ có giá 500.000-600.000 đồng/chiếc, trong khi hàng “xịn” giá gần 2 triệu đồng/chiếc, điều khiển ti vi Sam sung giá chỉ có 100.000 đồng/chiếc, trong khi hàng của hãng 500.000 đồng/chiếc.
Xử lý nhiều vụ vi phạm
Tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường kinh doanh chung và niềm tin của người tiêu dùng. Từ đầu tháng 1/2024 đến nay, ngành chức năng liên tiếp kiểm tra, xử lý được các vụ vi phạm.
Điển hình, mới đây, ngày 16/01/2024, Đội Quản lý thị trường số 11 đã phối hợp với Công an thành phố Vinh, kiểm tra cơ sở kinh doanh mỹ phẩm do ông L.Q.T có địa chỉ tại đường Lê Hồng Phong, thành phố Vinh, Nghệ An làm chủ. Cơ sở kinh doanh của ông L.Q.T đang vận hành một Website thương mại điện tử bán hàng có giỏ hàng trực tuyến để đăng bán các sản phẩm mỹ phẩm chưa thực hiện nghĩa vụ thông báo với Bộ Công Thương theo quy định. Ngành chức năng đã xử phạt hành chính 15 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng vi phạm.
Trước đó, vào ngày 11/01/2024, Đội Quản lý thị trường số 11 cũng đã tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính 30.000.000 đồng đối với 1 tổ chức kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn thành phố Vinh với hành vi thiết lập website bán hàng mà không thông báo với Bộ Công Thương theo quy định.
Ngày 9/1/2024, Đội Quản lý thị trường số 4 phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra xe ô tô tải mang biển kiểm soát 36C-092.58 do ông Phan Thanh Sơn có địa chỉ tại xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu điều khiển đã phát hiện phương tiện đang vận chuyển 70 kg chân gà rút xương đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ, ngành chức năng đã xử phạt 8,2 triệu đồng.
Ngày 08/01/2024, Đội Quản lý thị trường số 6 kiểm tra cửa hàng kinh doanh do ông Nguyễn Văn Hùng có địa chỉ phường Hòa Hiếu, thị xã Thái Hòa làm chủ, phát hiện tại cửa hàng đang bày bán 12 đôi giày thể thao mang nhãn hiệu NIKE có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu NIKE đang được bảo hộ.
Ông Nguyễn Hồng Phong – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Nghệ An cho biết: Dịp giáp Tết hàng hóa cung cấp từ các nơi về Nghệ An khá nhiều, đây cũng là thời điểm các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái phức tạp.
Các hành vi vi phạm chủ yếu vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm. Đáng chú ý là các hoạt động lợi dụng thương mại điện tử, các trang mạng xã hội Facebook, Zalo để kinh doanh các loại hàng hóa nhập lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Vi phạm các quy định về thủ tục pháp lý trong hoạt động kinh doanh, không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, vi phạm các quy định về giá, không niêm yết giá bán hàng hóa. Vi phạm về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, các quy định về nhãn hàng hóa.
Tăng cường các giải pháp phòng, chống hàng giả, gian lận thương mại
Để tăng cường các giải pháp phòng, chống hàng giả, gian lận thương mại trên địa bàn Nghệ An, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 10/KH-UBND ngày 8/1/2024 về việc “Tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024”.
Trong đó, yêu cầu các ngành liên quan tập trung các giải pháp: Tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về đầu cơ găm hàng, niêm yết giá, thương mại điện tử, kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng…
Kiểm tra các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh như vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại.
Kiểm tra các loại hàng hóa vi phạm về hàng cấm nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm về an toàn thực phẩm và các loại hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm tiêu dùng hàng ngày có nhu cầu tăng trong dịp Tết.
Lực lượng quản lý thị trường phối hợp, trao đổi thông tin với các lực lượng chức năng như Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Thanh tra chuyên ngành để tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại tại các khu vực biên giới, cảng biển, cảng hàng không, kho hàng, điểm tập kết hàng hóa và thị trường nội địa.
Yêu cầu Sở Công Thương tập trung theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hoá, nhất là các mặt hàng thiết yếu, hàng hóa có nhu cầu cao hoặc có biến động nhiều về giá trên địa bàn, để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng về biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường.
Để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, cơ quan chức năng đã có nhiều khuyến cáo và hướng dẫn người tiêu nên chọn các cửa hàng có địa chỉ rõ ràng, hoặc sử dụng phần mềm kiểm tra xuất xứ từ mã vạch để xác định có phải hàng chính hãng hay không.
Cục Quản lý thị trường Nghệ An khuyến cáo người dân nếu phát hiện các cửa hàng, bán hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, kém chất lượng, cần báo ngay cho lực lượng quản lý thị trường để ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.