Khai thác tiềm năng phát triển du lịch
Tiên Kỳ là xã vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 78%, nằm cách cửa ngõ huyện Tân Kỳ gần 30 km. Mảnh đất này được thiên nhiên ban tặng hệ sinh thái đa dạng, núi non hùng vĩ Hang Mó và là nơi lưu giữ nhiều dấu tích lịch sử như đền thờ Lê Lợi, bãi tập Mã, tập quyền của nghĩa quân Lê Lợi, nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc nơi đây như lễ hội Bươn Xao, làng nghề dệt thổ cẩm Thái Minh…
Phát huy tiềm năng thế mạnh đó, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể xã Tiên Kỳ đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn một số gia đình trên địa bàn phát triển loại hình dịch vụ du lịch Homestay. Bước đầu đã có khởi sắc, giúp người dân có thêm công ăn việc làm và thu nhập.
Để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Tiên Kỳ lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ. Thời gian đầu triển khai thực hiện, công tác vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân phát triển kinh tế du lịch gặp rất nhiều khó khăn. Bởi nhân dân trên địa bàn chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ hiểu biết có hạn, cuộc sống quen với nếp tự cung tự cấp từ ngàn xưa để lại.
Nói đi đôi với làm, vừa vận động nhân dân, cấp ủy, chính quyền xã vừa cử 6 hộ gia đình (trong đó có 3 hộ là cán bộ, công chức cấp xã) của bản Chiềng và bản Phẩy – Thái Minh đi học tập kinh nghiệm ở tỉnh bạn để thực hiện thí điểm làm trước. Các tổ chức trong hệ thống chính trị xã thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn thường xuyên vệ sinh đường làng, ngõ xóm, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên xanh – sạch – đẹp – an toàn.
Đặc biệt, tăng cường công tác quảng bá hình ảnh mảnh đất, con người xã Tiên Kỳ, cũng như khai thác triệt để các điểm có thể làm du lịch hiện có trên địa bàn xã để thu hút du khách như: Khu hang động Hang Mó, làng nghề thổ cẩm Thái Minh, đền thờ Lê Lợi, Lễ hội Bươn Xao, xây dựng điểm check-in ở một số nơi có phong cảnh đẹp. Cùng với đó, xã khuyến khích người dân tiếp tục phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa về tiếng nói, trang phục, văn hóa của đồng bào dân tộc Thái.
Để đầu tư xây dựng mô hình làm dịch vụ Homestay, mỗi gia đình đầu tư cơ sở vật chất từ 500 đến 600 triệu đồng – quá sức đối với các hộ dân nơi đây. Do vậy, cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội xã Tiên Kỳ đã giúp các hộ dân từng bước tiếp cận với Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Chính sách để vay vốn.
Đến nay, mô hình dịch vụ Homestay tại 6 gia đình đã đi vào hoạt động ổn định, trung bình mỗi tháng thu nhập từ 30-40 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho 3-5 lao động. Từ chỗ chỉ biết làm và thu nhập từ mấy sào ruộng, đến nay người dân nơi đây đã biết kinh doanh các dịch vụ đi kèm như ăn uống, đồ dệt thổ cẩm, rượu cần Tiên – Đồng,… đem lại nguồn thu nhập, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt.
Điển hình như gia đình chị Lào Thị Hải là một trong 6 hộ trong thôn được xã Tiên Kỳ lựa chọn thực hiện thí điểm mô hình dịch vụ du lịch Homestay. Thời gian qua, chị Hải và 5 hộ dân của bản Chiềng và bản Phẩy – Thái Minh đã được xã tạo điều kiện cho đi thăm quan, học tập kinh nghiệm tại các mô hình dịch vụ Homestay ở tỉnh Hòa Bình và Lai Châu. Sau các đợt tham quan, học tập, chị đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và mạnh dạn đầu tư, chỉnh trang lại khuôn viên, nhà ở phù hợp, đồng thời sưu tầm lại một số đồ lưu niệm được ông, cha để lại làm trưng bày cho khách thăm quan, tìm hiểu.
Mặc dù mới đi vào hoạt động năm 2019 đến nay, đặc biệt trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng gia đình chị Hải cũng đã đón được trên 200 lượt khách du lịch đến từ nhiều nơi khác nhau. Đây là một tín hiệu đáng mừng đã thúc đẩy gia đình chị tiếp tục mở rộng loại hình du lịch này để phát triển kinh tế trong thời gian tới.
Chỉnh trang hạ tầng, mở rộng đường giao thông
Song song với phát triển dịch vụ Homestay, cấp ủy, chính quyền xã Tiên Kỳ đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất ở, tháo dỡ tường rào và các công trình trên đất để mở rộng tuyến đường vào trụ sở UBND xã và các khu du lịch. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, trong quá trình giải tỏa hành lang ATGT, 25 hộ dân của xã Tiên Kỳ đã tự nguyện chặt bỏ hàng trăm cây xanh, phá dỡ hàng trăm mét tường rào, công trình kiến trúc của gia đình để hiến 4.000 m2 đất làm tuyến đường giao thông.
Theo đó, nền đường sẽ được mở rộng 13m, trong đó lòng đường bê tông rộng 7m. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành trước ngày 20/8 âm lịch phục vụ cho Lễ hội Bươn Xao năm 2023. Cùng với việc giải tỏa hành lang an toàn giao thông trên tuyến đường từ trung tâm xã đi bản Chiềng, thời gian tới Tiên Kỳ sẽ tiếp tục triển khai việc giải tỏa hành lang ATGT để nâng cấp đoạn đường từ bản Phẩy – Thái Minh vào Hang Mó với chiều dài 600m, rộng 10m để phục vụ du khách tham quan, check-in cảnh đẹp.
Một thành công lớn trong công tác dân vận của xã năm 2023 là cấp ủy, chính quyền xã Tiên Kỳ đã vận động thành công các hộ đồng bào dân tộc Thái di dời nghĩa trang – giải phóng mặt bằng, xây dựng trụ sở mới khang trang, to đẹp ở vị trí trung tâm xã, tạo diện mạo mới cho địa phương trong kích cầu phát triển kinh tế.
Ông Hoàng Xuân Hạnh – Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Tân Kỳ chia sẻ: Với những chuyển biến tích cực trong cách nghĩ, cách làm của người dân, cộng với sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, diện mạo xã Tiên Kỳ ngày càng đổi mới, là điểm đến lý tưởng cho du khách tham quan, trải nghiệm du lịch cộng đồng tại bản Phẩy – Thái Minh và Hang Mó cũng như các lễ hội tại địa phương.
Thời gian tới, để du lịch Homestay ở xã Tiên Kỳ thực sự có bước phát triển, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm, cấp ủy, chính quyền xã cần phải khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ có lợi thế đầu tư, khai thác, quảng bá tiềm năng phát triển du lịch ở địa phương. Qua đó, góp phần cùng với cả huyện đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tân Kỳ lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra./.