Xã Nghĩa Yên nằm về phía Tây Bắc của huyện Nghĩa Đàn, tiếp giáp với huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa, có diện tích tự nhiên 3.466 ha, là vùng đất có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng – an ninh. Dân số toàn xã có 6.937 nhân khẩu, với 2 dân tộc chủ yếu là dân tộc Thổ và dân tộc Kinh, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 55,7%.
Vùng đất giàu truyền thống cách mạng
Ngược dòng lịch sử, năm 1885, Vua Đồng Khánh đổi tên huyện Nghĩa Đường thành huyện Nghĩa Đàn, vùng đất Nghĩa Yên bấy giờ thuộc xã Hòa Hợp, tổng Lâm La, cho đến giữa năm 1947, thực hiện chủ trương giảm cấp huyện và tăng cường cấp xã, huyện Nghĩa Đàn hợp nhất 61 làng cũ thành 16 xã lớn, vùng đất Nghĩa Yên lúc này thuộc xã Tân Lập (tổng Lâm La) – đây là tiền đề cho những bước phát triển mới trong phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng nơi đây. Có nhiều đồng chí đảng viên của Đảng bộ Tân Lập là tiền thân, nòng cốt của Chi bộ đảng Nghĩa Yên sau này, là lớp người tiêu biểu, kiên trung được rèn luyện, thử thách qua nhiều hoạt động thực tiễn.
Đến cuối năm 1953, theo chủ trương chia tách các xã lớn thành xã nhỏ, xã Tân Lập được chia thành 5 xã nhỏ và xã Nghĩa Yên ra đời từ đó, gồm các làng: Canh, Chong, Bé, Mốc, Mới, Nhâm, Dừa, dân cư hầu hết là đồng bào dân tộc Thổ. Trong các cuộc kháng chiến của dân tộc, xã Nghĩa Yên là căn cứ của các xưởng sửa chữa vũ khí, xe, pháo cho quân đội; là nơi đóng quân của đơn vị cải tạo ngụy quân (đơn vị K4), là nơi sơ tán của nhân dân các vùng trọng điểm bị địch đánh phá; con em Nghĩa Yên đã có 249 người vào bộ đội, 85 thanh niên xung phong, 165 người tham gia dân công hỏa tuyến, 72 thương, bệnh binh và 25 liệt sĩ.
Phát huy truyền thống cách mạng quê hương Nghĩa Yên trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ xã Nghĩa Yên đã vận dụng chủ trương của Trung ương, của tỉnh, huyện để ban hành nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội sát với thực tế của địa phương. Mặc dù xuất phát điểm thấp, cùng với những khó khăn của xã thuộc Chương trình 135, song trong bất cứ hoàn cảnh nào, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ xã qua các thời kỳ, nhân dân các dân tộc xã Nghĩa Yên luôn giữ vững truyền thống đoàn kết, một lòng theo Đảng, phấn đấu xây dựng xã Nghĩa Yên kinh tế ngày càng phát triển, vững mạnh về quốc phòng – an ninh.
Nỗ lực xây dựng NTM
Bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của BCH Đảng bộ, xã Nghĩa Yên đã đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đầu tư kết cấu hạ tầng; thúc đẩy kinh tế phát triển.
Một trong những nét nổi bật đó là trên lĩnh vực phát triển kinh tế, với xuất phát là một xã thuần nông, nên ngay từ đầu Đảng bộ xã Nghĩa Yên đã triển khai nhiều Nghị quyết chuyên đề, chương trình, đề án phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của địa phương như: Nghị quyết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa; xây dựng các mô hình điểm đưa các loại cây, con có giá trị kinh tế cao, áp dụng các các tiến bộ KHKT vào sản xuất, thâm canh tăng năng suất như cây mía, cây ổi… Cùng với việc đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, xã Nghĩa Yên cũng đã thực hiện có hiệu quả đề án phát triển cây lâm nghiệp. Chỉ đạo trồng mới và trồng lại được hơn 300 ha rừng nguyên liệu, trong đó, cây keo lai là chủ yếu, từ đó, góp phần làm thay đổi cuộc sống của bà con nông dân. Giá trị sản xuất bình quân đầu người đạt 42 triệu đồng/năm. Song song với phát triển kinh tế, kết cấu hạ tầng cơ sở nông thôn cũng được xã đặc biệt quan tâm đầu tư như: Dự án đường liên xã Nghĩa Yên đi Nghĩa Hồng, đường phát triển kinh tế khu vực miền Tây, đường liên xã Nghĩa Yên đi Nghĩa Minh, trụ sở làm việc của cơ quan xã và các dự án về giáo dục và y tế, đường giao thông nông thôn các làng.
Dấu ấn tạo nên thành công của Đảng bộ và Nhân dân xã Nghĩa Yên trong suốt chặng đường 70 năm qua đó chính là Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Nhờ có sự đột phá, sáng tạo, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, sự chung sức, đồng lòng của toàn dân, nên đã thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Sau 11 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, xã Nghĩa Yên đã huy động được hơn 123 tỷ đồng cho Chương trình xây dựng NTM, trong đó, nhân dân đóng góp hơn 18 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công, hiến hàng nghìn m2 đất, cây cối, tường rào; làm các công trình cổng chào, sân bóng chuyền ở các làng. Năm 2022, xã Nghĩa Yên được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Không chỉ tạo được bước chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, công tác văn hóa – xã hội của địa phương đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Xã luôn giữ vững phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS cả 3/3 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; 8/8 làng đạt danh hiệu Làng Văn hóa, tỷ lệ Gia đình Văn hóa đạt 85%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,44%. Công tác y tế luôn được quan tâm, đầu tư và giữ vững xã đạt bộ tiêu chí Quốc gia về y tế. Bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là văn hóa cồng chiêng của đồng bào dân tộc Thổ được giữ gìn và phát huy.
Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, với 22 kỳ đại hội, Đảng bộ xã Nghĩa Yên không ngừng được củng cố phát triển cả số lượng và chất lượng, vững về chính trị tư tưởng, mạnh về tổ chức. Đến nay, Đảng bộ đã có 255 đảng viên, sinh hoạt ở 13 chi bộ, hàng năm có trên 80% số chi bộ và đảng viên được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Đảng bộ có 85 lượt đảng viên được tặng Huy hiệu Đảng các loại. Nhiều năm Đảng bộ được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. “Xác định phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, trong những năm qua, Đảng bộ xã Nghĩa Yên luôn chú trọng công tác xây dựng Đảng, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy các cấp, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII, khóa XIII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch vững mạnh. Ban Chấp hành Đảng bộ xã chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã đẩy mạnh việc cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, cải cách và nâng cao năng lực quản lý, điều hành với tinh thần phục vụ nhân dân”.
Tự hào 70 năm hình thành và phát triển, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân xã Nghĩa Yên tiếp tục phát huy truyền thống, chung sức, đồng lòng, thống nhất ý chí và hành động, tích cực đẩy mạnh phong trào thi đua phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thật sự vững mạnh toàn diện, xây dựng quê hương Nghĩa Yên ngày càng phát triển bền vững./.