Những kết quả bước đầu
Huyện Đô Lương vừa tổ chức đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2023 theo Quyết định 148/QĐ-TTg đối với 10 sản phẩm, trong đó 1 sản phẩm nâng cấp lên 4 sao, 9 sản phẩm đánh giá mới. Qua đánh giá của hội đồng, đợt này, toàn huyện có 8 sản phẩm đạt tiêu chí OCOP 3 sao.
Chị Nguyễn Thị Hằng (xóm 2, xã Lam Sơn, Đô Lương), chủ thể của 2 sản phẩm được đánh giá, phân hạng 3 sao OCOP cấp huyện đợt này cho biết: “Việc phân quyền cho huyện đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP giúp các chủ thể như chúng tôi tiết kiệm được chi phí, thời gian khi không phải xuống tỉnh để tham gia đánh giá; đồng thời về mặt tâm lý, khi tham gia thi phân hạng OCOP ở huyện thì thoải mái hơn. Năm nay, chúng tôi tham gia đánh giá 2 sản phẩm thì cả 2 sản phẩm đều đạt 3 sao”.
Cũng tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP lần này, anh Bùi Đình Hội (xã Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc) vừa được huyện cấp chứng nhận 3 sao OCOP cho sản phẩm dưa lưới Hưng Long, cho biết: “Những hộ mới tham gia đánh giá sản phẩm lần đầu như chúng tôi thấy rất thuận lợi. Thứ nhất là khâu hồ sơ, thủ tục huyện trực tiếp hướng dẫn, thẩm định nên khi sai hay thiếu thì kịp thời bổ sung, sửa chữa. Thứ hai là giảm được một bước chấm, không phải lên tỉnh nhiều lần đỡ chi phí, thời gian”.
Đến cuối 7/2023, huyện Nghi Lộc đã tổ chức thành công hội nghị xét chọn sản phẩm OCOP cấp huyện đợt 1. Căn cứ theo bộ tiêu chí chung được Trung ương quy định, hội đồng cấp huyện đã công nhận thêm 5 sản phẩm OCOP 3 sao gồm: hành tăm, dưa lưới Hoàng Gia, dưa lưới Hưng Long, lạc rang ông Lý, dưa lưới vàng Nghi Long.
Ông Trần Nguyên Hoà, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành viên Hội đồng Xét chọn sản phẩm OCOP huyện Nghi Lộc cho biết: “Được giao quyền, khi thực hiện xét chọn sản phẩm OCOP theo Quyết định 148/QĐ-TTg các thành viên trong hội đồng xét chọn sản phẩm OCOP cấp huyện có sự chủ động hơn về mọi mặt. Lãnh đạo huyện, các phòng, ban không phải nhiều lần lên tỉnh tham gia các vòng chấm. Chính các chủ thể cũng thấy thuận lợi hơn khi không phải đi lại nhiều, giảm được một vòng chấm…”.
Theo Quyết định 148/QĐ-TTg, việc đánh giá, phân hạng được triển khai ở 4 cấp: xã, huyện, tỉnh và Trung ương, với 6 nhóm sản phẩm. Tại cấp xã, UBND xã, phường, thị trấn (UBND cấp xã) tổ chức đánh giá một số nội dung của hồ sơ sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá sản phẩm OCOP, gồm các tiêu chí: Nguồn gốc sản phẩm/nguyên liệu địa phương; sử dụng lao động địa phương; nguồn gốc ý tưởng sản phẩm; bản sắc/trí tuệ địa phương.
Đối với cấp huyện, hội đồng cấp huyện tổ chức đánh giá, phân hạng các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP; ban hành quyết định phê duyệt kết quả đánh giá và giấy chứng nhận cho các sản phẩm đạt 3 sao, tổ chức công bố kết quả.
UBND cấp huyện chuyển hồ sơ các sản phẩm đạt từ 70 điểm đến 100 điểm (từ 4 sao trở lên) lên UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (UBND cấp tỉnh) đề nghị đánh giá, phân hạng, công nhận sản phẩm OCOP.
Những vướng mắc, bất cập
Tính đến hết tháng 10/2023, toàn tỉnh mới có 8 huyện thực hiện đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP theo Quyết định 148/QĐ-TTg gồm: Hưng Nguyên, Nam Đàn, Đô Lương, thành phố Vinh, Nghi Lộc, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu.
Điều này, chứng tỏ sự chậm trễ trong thực hiện do ở cơ sở gặp nhiều vướng mắc. Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Đô Lương, cho biết: “Đô Lương vừa hoàn thành việc chấm, phân hạng sản phẩm OCOP vào giữa tháng 10/2023. Quá trình thực hiện phân cấp đánh giá sản phẩm OCOP, là cán bộ chuyên trách, tôi nhận thấy còn có những vướng mắc như: Thứ nhất, là do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về cách thức thực hiện nên các thành viên hội đồng còn lúng túng; thứ hai, lãnh đạo huyện là thành viên hội đồng đều kiêm nhiệm nên không sâu sát được như là thành viên cấp tỉnh là các sở, ngành chuyên môn.
Bên cạnh đó, theo quy định, thành phần hội đồng đánh giá cấp huyện bắt buộc phải có đại diện của các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ; Tài nguyên và Môi trường và sở quản lý chuyên ngành nên huyện phụ thuộc thời gian, lịch công tác của các cán bộ chuyên môn thuộc các sở, ngành”.
Đứng từ góc độ của các chủ thể tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thì họ vẫn có tâm lý thích được tỉnh công nhận hơn là huyện. “Cũng là 3 sao OCOP cả nhưng bản thân tôi cho rằng, 3 sao OCOP tỉnh công nhận đương nhiên là “có uy” hơn là huyện công nhận. Thị hiếu người tiêu dùng cũng vậy, sản phẩm cùng loại nhưng 3 sao OCOP cấp tỉnh sẽ được nhiều người đón nhận hơn là 3 sao OCOP cấp huyện công nhận dù mọi tiêu chí, thang điểm để đánh giá là như nhau”, một chủ thể OCOP chia sẻ.
Ngoài ra, theo Quyết định 148 thì hiện tại, việc đánh giá, phân hạng đối với sản phẩm đạt từ 3 sao trở xuống được giao cho cấp huyện phụ trách. Trong khi đó tại khoản 4, điều 3 Nghị quyết 25/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 quy định một số chính sách hỗ trợ thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025 thì chỉ có sản phẩm OCOP đạt chứng nhận cấp tỉnh mới được hỗ trợ, điều này cũng gây nhiều băn khoăn cho các địa phương, bởi có cần sửa đổi thêm vào nội dung đạt chứng nhận cấp huyện không?
Về góc độ của cơ quan quản lý, ông Nguyễn Hồ Lâm – Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho rằng, phân quyền đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP theo Quyết định 148 /QĐ-TTg là chủ trương đúng, giảm bớt những phiền hà cho các chủ thể; Việc phân cấp sẽ nâng cao vai trò, trách nhiệm và sự chủ động của cấp huyện, cấp xã trong việc hỗ trợ phát triển sản phẩm và tổ chức kiểm tra, giám sát sản phẩm OCOP.
Đồng thời, giúp nâng cao năng lực hỗ trợ các chủ thể của cán bộ quản lý OCOP cấp huyện, xã; tạo động lực để các chủ thể tiếp tục phát triển và nâng sao cho sản phẩm sau đạt chuẩn.
Tuy nhiên, theo như ông Nguyễn Hồ Lâm phân tích thì việc thực hiện Quyết định 148 vẫn có những băn khoăn nhất định. Đó là: Đội ngũ cán bộ phụ trách OCOP ở huyện thiếu tính chuyên sâu nên khi xét duyệt hồ sơ, khi chấm có những hạn chế nhất định. Mặc dù trong cơ cấu hội đồng chấm có mời đại diện các sở: Nông nghiệp và PTNT, Y tế, Khoa học và công nghệ và Công thương song các sở chỉ là thành viên hội đồng, sự phản biện cũng có những hạn chế nhất định.
Cấp huyện đánh giá, nếu làm không nghiêm túc, không đúng theo quy chuẩn dễ nảy sinh tư duy thành tích, tư duy nhiệm kỳ, tính cục bộ khi công nhận các sản phẩm OCOP ở các địa phương.
Bên cạnh đó, khi đánh giá, phân hạng cấp huyện, số lượng sản phẩm ít, chỉ nội huyện nên không phải cạnh tranh nhiều với các sản phẩm cùng loại nên nếu không thực sự sâu sát, công tâm thì sẽ để lọt những sản phẩm không đảm bảo chất lượng, không có tính đặc trưng, khác biệt, không có tính cạnh tranh được “gắn sao” OCOP.