Lão nông Đậu Tiến Sỹ ở xóm Thanh Bình, xã Tân An, huyện Tân Kỳ trước đây từng được nhiều người biết đến với mô hình nuôi chạch, trồng cam, quýt… thì nay là chủ mô hình giống bưởi đường Tân Lạc (Hoà Bình) đầu tiên trên vùng đất này.
“Trăm nghe không bằng một thấy”, chúng tôi tìm đường đến với vườn bưởi của anh Sỹ, đã mắt khi bước chân dưới tán cây bưởi khép kín, xanh tốt, quả treo lúc lỉu trên cành. Anh Sỹ cho biết, 120 cây bưởi, cây nào ít thì cũng 150 quả, nhiều thì 250 quả. Do chăm sóc tốt, nên không hề có hiện tượng rụng quả, cũng như sâu bệnh.
Lão nông Đậu Tiến Sỹ thổ lộ, trước đây là vườn bưởi với giống bưởi hồng Quang Tiến (thị xã Thái Hoà) nhưng do chất lượng không đảm bảo, múi không đều, nên hiệu quả kinh tế thấp. Năm 2020, tìm hiểu giống bưởi đường Tân Lạc chất lượng tốt, có giá trị kinh tế cao, anh quyết định thay thế toàn bộ vườn bưởi thành bưởi đường Tân Lạc.
Tuy nhiên, trong khi cây bưởi hồng Quang Tiến đang sức sống mà chặt bỏ thì tiếc, bạn bè khuyên anh không nên làm liều, vì chi phí để thuê kỹ sư nông nghiệp về ghép giống bưởi khác rất cao. Với sự đam mê làm vườn, anh quyết định thuê 2 kỹ sư nông nghiệp về ghép giống bưởi đường Tân Lạc.
Cả vườn bưởi hồng Quang Tiến được chặt hết phần cành, ghép xong giống bưởi đường Tân Lạc vào chỉ trong thời gian 2 ngày và sau đó có tới 2/3 cành ghép thành công, nảy mầm tốt. Trong quá trình kỹ sư thực hiện các khâu ghép cành, anh Sỹ chịu khó quan sát, học hỏi kỹ thuật, do đó, những cành ghép không nảy mầm, anh tiến hành ghép lại đều thành công.
Đến nay, sau hơn 2 năm chăm sóc bằng bón phân hữu cơ vi sinh, vừa cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, vừa tạo độ ẩm cho đất, nên vườn bưởi 120 cây nay đã cho quả năm đầu. Đặc điểm của giống bưởi này ra quả muộn hơn các giống bưởi khác, nên dự kiến đến cuối năm sẽ thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán.
Anh Sỹ cho hay, đặc điểm của giống bưởi này là vỏ mỏng, múi đều, dễ tách, tép to bó chặt, ăn giòn có vị ngọt thanh và không bị the đắng, không có vị chua, phù hợp với người trung tuổi trở lên. Thời gian tới, anh sẽ mở rộng diện tích giống bưởi này, nhằm thay thế các loại cây trồng khác.
Ông Cao Tiến Thìn – Chủ tịch UBND xã Tân An cho biết: Anh Đậu Tiến Sỹ là một nông dân không chỉ siêng năng, chịu khó mà còn có nhiều kinh nghiệm trong làm vườn. Từ nhiều năm trước, anh từng thực hiện nhiều mô hình trồng cây ăn quả mới, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Nay anh ghép thành công giống bưởi đường Tân Lạc lên cây bưởi hồng Quang Tiến là mô hình đầu tiên trên địa bàn xã. Tuy nhiên, không phải nông dân nào cũng làm được, bởi cần có kỹ thuật và cách chăm sóc tốt.
Theo ông Nguyễn Thế Thắng – Chủ tịch Hội Làm vườn Nghệ An, lâu nay nông dân trên địa bàn tỉnh chủ yếu trồng các giống bưởi da xanh, bưởi Diễn, bưởi hồng Quang Tiến… Với giống bưởi đường Tân Lạc có chất lượng tốt, là đặc sản của tỉnh Hoà Bình, thì hiện nay, ngoài hộ ông Đậu Tiến Sỹ ở huyện Tân Kỳ, mới có vài hộ ở Nghĩa Đàn và Thanh Chương trồng, nhưng diện tích không nhiều. Qua nghiên cứu cho thấy, giống bưởi đường Tân Lạc phù hợp với chất đất pha sỏi, do vậy, khi được đem về trồng ở vùng miền núi Nghệ An sẽ phù hợp và cho chất lượng tốt.
Theo ông Thắng, việc trồng cây ghép cành nhằm tận dụng những gốc cây cũ có sẵn, thay đổi loại giống khác, rút ngắn thời gian trồng, vẫn giữ được đặc tính của giống muốn nhân. Trồng cây này phải biết chăm sóc và nuôi dưỡng cành thường xuyên, để luôn đảm bảo năng suất và chất lượng của quả./.