Xác định rõ muốn xây dựng thương hiệu gạo phải bắt đầu từ việc nâng cao chất lượng, những năm gần đây, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Yên Thành đã triển khai một số dự án sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, tập trung đổi mới từ khâu sản xuất, thu hoạch lúa đến chế biến, tiêu thụ, bước đầu đã thu được những kết quả khả quan.
Cụ thể, lúa sản xuất theo hướng hữu cơ canh tác không sử dụng phân bón hóa học hay bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc trừ sâu… nào. Thay vào đó, người sản xuất sẽ sử dụng các loại phân bón hữu cơ, sử dụng các biện pháp sinh học, thân thiện với môi trường, các loại chế phẩm sinh học để hạn chế sâu bệnh.
Ông Nguyễn Văn Lĩnh, một dân nông dân trồng lúa theo mô hình này ở xã Công Thành, chia sẻ: Gia đình làm gần 5 sào lúa, vụ hè thu đầu tiên tham gia trồng lúa theo hướng hữu cơ, tôi ngần ngại vì lâu nay mình làm lúa theo cách truyền thống quen rồi. Nhưng được cán bộ nông nghiệp huyện tận tình hướng dẫn quy trình kỹ thuật, chăm sóc nên ngay từ vụ đầu tiên đã thuận lợi. Vụ lúa hè thu đạt trên 2,5 tạ/sào, bán lúa tươi tại ruộng trên 820.000 đồng/tạ, được Hợp tác xã nông nghiệp Quyết Tiến thu mua. Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tiết kiệm phân bón, lúa sạch ít bị sâu bệnh, giá bán lại cao nên chúng tôi rất phấn khởi.
Ông Nguyễn Văn Nhâm – Phó Chủ tịch UBND xã Công Thành cho biết: Vụ hè thu vừa qua xã Công Thành đã triển khai gieo cấy mô hình 15 ha giống J02, là giống lúa thuần dòng JAPONICA có nguồn gốc từ Nhật Bản theo hướng hữu cơ. Không sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, sản xuất theo hướng hữu cơ giúp giảm chi phí từ 25-30% và tăng giá trị kinh tế hơn 20% so với sản xuất đại trà. Vụ xuân 2024, xã Công Thành có kế hoạch mở rộng thêm 5 ha.
Ông Nguyễn Trọng Hương – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Thành cho biết thêm: Từ vụ xuân và vụ hè thu năm 2023, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Thành đã triển khai mô hình gieo cấy 44 ha giống lúa thuần JD2 (Nhật Bản) ở các xã Văn Thành, Liên Thành, Minh Thành và Văn Thành.
Tất cả quy trình đều khép kín, như gieo mạ khay, sử dụng máy cấy, đặc biệt là tất cả “nói không với hoá chất”, sử dụng chế phẩm sinh học, bón phân hữu cơ, tạo ra sản phẩm lúa, gạo an toàn. Qua thống kê, lúa trong mô hình đạt năng suất trên 6 tấn/ha, so với các giống lúa lai có giảm hơn nhưng giá trị kinh tế lại tăng hơn 20%.
Trên 44 ha lúa sản xuất theo hướng hữu cơ, đều được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Thành phối hợp với các hợp tác xã trên địa bàn thu mua sản phẩm cho nông dân để chế biến, xây dựng thương hiệu “gạo Yên Thành”.
Thuận lợi là ngay tại địa bàn huyện Yên Thành có nhà máy chế biến gạo của Tập đoàn TH, với dây chuyền công nghệ hiện đại. Số lượng lúa sản xuất theo hướng hữu cơ thu mua về được chế biến tại đây cho ra sản phẩm chất lượng, hạt gạo bóng, đều, đẹp. Trong năm 2023, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Yên Thành đã thu mua lúa và chế biến được trên 10 tấn gạo hữu cơ, được khách hàng rất ưa chuộng.
Gạo hữu cơ có nhiều lợi ích như chứa hàm lượng dinh dưỡng cao tốt cho sức khỏe người sử dụng, khi nấu thành cơm cho hương thơm tự nhiên, dẻo và vị đặc trưng. Về đầu ra, mặc dù sản phẩm gạo hữu cơ mới đưa ra thị trường nhưng cung ứng không đủ cho khách hàng.
Hiện nay Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Thành đang phối hợp với các ngành từng bước xây dựng thương hiệu gạo Yên Thành. Như đang tiến hành xin đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm gạo đặc sản Yên Thành, quét mã vạch QR…
Bà Lê Thị Hoài Chung – Bí thư Huyện ủy Yên Thành cho biết thêm: Về lâu dài, huyện Yên Thành sẽ quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn và khuyến khích người dân các xã mở rộng thêm, phát triển vùng lúa chất lượng cao. Qua đó, tạo tiền đề phát triển thương hiệu, nâng giá trị gạo đặc sản Yên Thành, tiến tới tham gia vào thị trường xuất khẩu, qua đó nâng giá trị gạo hữu cơ và góp phần nâng cao thu nhập của người nông dân.