Nhọc nhằn đón xe
Tối 15/12, tại thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong, chúng tôi gặp anh Hà Văn Hùng, xã Tri Lễ đang đứng bên vỉa hè để chờ xe trung chuyển đón lên xe giường nằm đi Hà Nội làm việc. Dù 20 giờ tối xe mới khởi hành, nhưng lo sợ bị lỡ chuyến nên anh đã có mặt trước 2 tiếng, vừa tranh thủ ăn tối, vừa ngó nghiêng ra ngoài đường “ngóng xe”.
Anh Hùng tâm sự: Mấy năm nay, xe giường nằm 2 tầng không được phép lên huyện Quế Phong, do đó, chúng tôi phải bắt xe từ nhà đến thị trấn Kim Sơn, chờ xe trung chuyển của nhà xe (ghế ngồi), sau đó di chuyển xuống đến xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu mới có xe giường nằm chờ sẵn, bắt đầu khởi hành.
“Nếu xe giường nằm được lên thị trấn Kim Sơn thì người dân Quế Phong chúng tôi đã không phải đi nhiều chặng, thu xếp được thêm thời gian, công việc, riêng từ xã Tri Lễ đến thị trấn cũng đã gần 40km, tôi bắt xe ôm chi phí 200 nghìn đồng rồi. Chưa kể lúc về quê cũng vậy, xe chỉ dừng ở xã Châu Bình, chúng tôi lại thêm 1 lần lên xe trung chuyển đến thị trấn Kim Sơn rồi bắt xe ôm, taxi về nhà, phát sinh thêm nhiều tiền và nhiều chặng quá”, anh Hùng ngậm ngùi.
Không chỉ người dân huyện Quế Phong mà người dân huyện Quỳ Châu cũng gặp khó khăn tương tự. Do xe giường nằm 2 tầng chỉ được phép đi đến xã Châu Bình – xã đầu tiên của huyện Quỳ Châu trên Quốc lộ 48, do đó, bà con các địa phương còn lại như Châu Thắng, Châu Tiến, Châu Hoàn, thị trấn Tân Lạc… xuống đến đây cũng cách hàng chục cây số, nhiều người chọn đi xe trung chuyển của nhà xe, số còn lại thì phải nhờ người thân chở xe máy đến xã Châu Bình.
Theo quan sát của phóng viên, người dân các huyện Quỳ Châu, Quế Phong có nhu cầu bắt xe giường nằm đa số là đi vào TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương và ra Hà Nội… để làm ăn. Việc bắt xe gặp nhiều khó khăn, mất thêm thời gian, chi phí, chưa kể thời tiết giá lạnh những ngày cuối năm cùng đồ đạc, hàng hóa lỉnh kỉnh rất vất vả, trong khi đây là những người công nhân với thu nhập thấp.
Người dân vất vả là vậy, phía các đơn vị vận tải hành khách cũng không khá hơn. Đại diện nhà xe giường nằm Kha Sơn chuyên chạy các tuyến đi Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cho biết: Sau khi cơ quan chức năng cấm không cho xe khách giường nằm 2 tầng lên thị trấn Tân Lạc (Quỳ Châu) và thị trấn Kim Sơn (Quế Phong), bắt buộc nhà xe phải đậu tại bến tạm trên địa bàn xã Châu Bình. Để phục vụ khách, chúng tôi phải đầu tư thêm xe trung chuyển để vận chuyển khách từ huyện Quế Phong, Quỳ Châu xuống, tăng chi phí và hoạt động cũng nhiều bất cập, lượng khách sụt giảm do phải đi nhiều chặng, nhất là những người sức khoẻ yếu, say xe…
Việc cấm xe giường nằm cũng là trăn trở của chính quyền 2 huyện Quỳ Châu, Quế Phong, bởi ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế – xã hội cũng như du lịch của các địa phương này.
Ông Nguyễn Tiến Hùng – Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Quỳ Châu cho biết: Phía cơ quan chức năng cấm không cho xe khách giường nằm lên thị trấn Tân Lạc và huyện Quế Phong từ nhiều năm nay, bà con phải đi xe trung chuyển nhiều chặng rất vất vả. Nhất là thời điểm ốm đau, bệnh tật, hay người dân có việc gấp thì việc di chuyển này rất bất cập.
Ông Dương Hoàng Vũ – Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết thêm: Thực tế vấn đề cấm xe giường nằm 2 tầng hoạt động trên địa bàn huyện vừa ảnh hưởng đến giao thông, đi lại của người dân, vừa khiến việc phát triển kinh tế, du lịch tại huyện bị tác động, nhiều đoàn khách từ các tỉnh, thành xa muốn đến tham quan, khám phá huyện Quế Phong cũng phải di chuyển nhiều chặng, rất bất tiện và “mất điểm”. Huyện cũng đã có nhiều văn bản kiến nghị các cấp, ngành từ Trung ương đến tỉnh mong muốn tháo gỡ vướng mắc này, hỗ trợ nâng cấp đường để đủ điều kiện cho xe giường nằm hoạt động, đón khách, như vậy sẽ giúp kinh tế – xã hội tại địa phương có bước tiến mới, nhịp sống vùng biên sôi động hơn, kéo theo dịch vụ, thương mại phát triển.
Chờ kinh phí để nâng cấp đường
Phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông vận tải cho biết, xe giường nằm 2 tầng không được phép hoạt động tại huyện Quế Phong và Quỳ Châu (đoạn từ xã Châu Bình trở lên) được quy định tại Điểm B, khoản 3, điều 11, Nghị định 10/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Điểm này nêu rõ: “Không sử dụng xe ô tô khách có giường nằm hai tầng để hoạt động trên các tuyến đường cấp V và cấp VI miền núi”.
Ông Nguyễn Xuân Vinh – Phó phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông vận tải cho biết: Để xe giường nằm 2 tầng được phép hoạt động tại tuyến đường từ xã Châu Bình lên huyện Quế Phong chỉ có phương án là đầu tư, nâng cấp cấp đường, thực hiện đúng theo Nghị định số 10/2020 của Chính phủ. Mặc dù vậy, hiện nay, nguồn kinh phí để nâng cấp đường vẫn còn hạn hẹp, chưa thể triển khai được.
Thực tế trong những năm qua, tỉnh Nghệ An, các huyện Quỳ Châu, Quế Phong cũng đã có các văn bản, kiến nghị đến Bộ Giao thông vận tải, Tổng Cục đường bộ về vấn đề này. Tuy nhiên, việc triển khai nâng cấp đường vẫn gặp nhiều khó khăn.
Trước nhiều ý kiến của nhân dân, tại Công văn số 1733/BGTVT-KHĐT ngày 24/2/2022 của Bộ Giao thông vận tải gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An nêu rõ: Theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thì “Không sử dụng xe ô tô khách có giường nằm hai tầng để hoạt động trên các tuyến đường cấp V và cấp VI miền núi.” Do hiện trạng tuyến đường chưa đảm bảo đạt tiêu chuẩn nên chưa đủ điều kiện để xe giường nằm có thể hoạt động.
Đối với nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, do khó khăn trong cân đối nguồn lực nên chưa thể cân đối được nguồn vốn để thực hiện đầu tư nâng cấp mở rộng Quốc lộ 16, Quốc lộ 48 qua địa bàn tỉnh Nghệ An.
Hơn lúc nào hết, chính quyền và nhân dân các huyện Quế Phong, Quỳ Châu đang rất mong mỏi tuyến đường được nâng cấp, xe khách giường nằm có thể lưu thông thuận lợi để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân cũng như phát triển kinh tế tại những địa phương miền núi còn khó khăn.