Sáng 3/3, cùng với diễn biến thị trường vàng trong nước, giá vàng tại Nghệ An được các doanh nghiệp vàng bạc điều chỉnh tăng. Theo đó, giá vàng miếng SJC được niêm yết quanh mức 77,50 triệu đồng/lượng (mua vào) và 82 triệu đồng/lượng (bán ra); vàng 9999 nhẫn tròn trơn là 65,0 triệu đồng/lượng (mua vào), 68,50 triệu đồng/lượng (bán ra).
So với chốt phiên giao dịch tuần trước, giá vàng miếng tăng 1,2 -1,3 triệu đồng/lượng chiều mua vào và tăng 1,5-1,7 triệu đồng/lượng bán ra (tuỳ thương hiệu). Điều đáng chú ý là chênh lệch giá mua – bán vàng SJC tăng từ 2,2 triệu đồng/lượng lên mức 2,5 triệu đồng/lượng.
Giá vàng liên tục điều chỉnh tăng thêm và đã có lập đỉnh khi vượt mốc 81 triệu đồng/lượng, tuy nhiên, theo xác nhận của các chủ tiệm vàng, ở Nghệ An, giao dịch vàng khá trầm lắng. Khi vàng biến động, rất nhiều người dân, nhiều nhà đầu tư đến khảo sát, xem giá, nắm diễn biến, tình hình thị trường nhưng chỉ có giao dịch nhỏ lẻ, không có mua-bán lớn nên thị trường không có nhiều biến động.
Chị Ngọc Ánh, nhân viên doanh nghiệp vàng bạc tư nhân ở đường Cao Thắng cho biết: “Lượng khách ghé cửa tiệm tăng mạnh, nhất là hai ngày cuối tuần. Song, lượng khách thực hiện mua-bán lại giảm so với tuần trước. Nguyên nhân chủ yếu là tâm lý do dự của người dân khi thấy giá vàng tăng mạnh. Người có ý định mua đầu tư thì thấy giá vàng quá cao nên chần chừ, người có ý định bán thì sợ vàng sẽ tăng thêm nên chờ giá”.
Mặc dù giá vàng tăng mạnh, vượt mốc giá cao chưa từng có, song chỉ những người mua đầu tư dài hạn từ trước đó mới có lãi. Ông Trịnh Hùng Cường, một người đầu tư vàng ở thị trấn Sa Nam (Nam Đàn) cho biết: “Khi bất động sản lắng xuống, lãi suất ngân hàng thấp thì tôi dốc toàn bộ vốn liếng vào mua vàng tích trữ. Tôi không phải là dân đầu tư vàng chuyên nghiệp, chỉ mua vàng để giữ đồng tiền khỏi trượt giá. Tôi mua vàng từ giữa năm 2022, khi đó, vàng miếng SJC với giá 67 triệu đồng/lượng.
Sau gần 2 năm, giá vàng tăng vọt lên 82 triệu đồng/lượng, nếu bán thời điểm này, tôi có lãi 15 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, theo dự báo giá vàng còn tăng nên tôi cũng chỉ bán một nửa số vàng đầu tư lấy vốn xoay vòng kinh doanh, còn một nửa vẫn cất trữ chờ vàng lập mốc mới sẽ quyết định bán hay không”.
Trong khi đó, những người đầu tư ngắn hạn, mới mua vàng từ sau Tết đến nay, dù vàng tăng thì vẫn chỉ bán hoà vốn, thậm chí lỗ. Nguyên nhân là biên độ chênh lệch giữa mua vào – bán ra quá lớn, lên tới 2,5-3,5 triệu đồng/lượng.
Bà Trần Quỳnh Hoa, một khách hàng cho biết: “Sau rằm tháng Giêng, tôi gom tiền mua 4 lượng vàng, trong đó 2 lượng vàng miếng và 2 lượng nhẫn tròn trơn 9999. So với thời điểm đó thì nay, giá vàng đã tăng thêm gần 4 triệu đồng/lượng với mức giá mua.
Tuy nhiên, nếu đem bán thì tôi vẫn lỗ 800 – 1,3 triệu đồng/lượng do sự chênh lệch giữa mua vào – bán ra khá cao. Lúc đó, vàng miếng SJC tôi mua với giá 78,8 triệu đồng/lượng thì nay nếu đem bán cũng chỉ được mức giá 77,5 triệu đồng/lượng. Tính ra là lỗ nên dù giá vàng tăng cao thì chưa cần tiền tôi cũng chưa vội bán”.
Theo dự báo, từ nay đến cuối năm, giá vàng thế giới sẽ tăng. Do đó, giá vàng nhẫn sẽ dao động mức giá trên dưới 70 triệu đồng/lượng; giá vàng SJC, nếu không có biện pháp nào từ Ngân hàng Nhà nước, mức giá có thể tăng lên mức 85 triệu đồng/lượng; thậm chí 87 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia thì vào thời điểm này, những nhà đầu tư đã mua vàng trước Tết, nay, nếu tỷ suất sinh lãi là 2 triệu đồng/lượng thì nên bán chốt lời. Và theo phân tích, do giá vàng miếng SJC đang có mức chênh lệch cao với giá vàng thế giới, chưa biết Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp lúc nào, nên mức rủi ro khá lớn.
Do đó, theo lời khuyên của các chuyên gia, người dân có nhu cầu mua tích trữ, đầu tư thì chọn vàng 9999 sẽ an toàn hơn song cần chọn thời điểm “xuống tiền” thích hợp.