Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An chỉ rõ: Trong quá trình xây dựng phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động rà soát, tham mưu UBND tỉnh xem xét tạm dừng phê duyệt, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp trụ sở tại những đơn vị hành chính dự kiến nhập, điều chỉnh vào đơn vị hành chính khác, bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Đồng thời đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc địa bàn sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 -2030, UBND tỉnh chỉ rõ: Căn cứ phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của địa phương, UBND các huyện, thành phố, thị xã lập danh sách và dự kiến phương án xử lý trụ sở, tài sản công của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý tại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp.
Việc lập danh sách và dự kiến phương án xử lý phải được thực hiện đồng thời với quá trình xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, được tổng hợp vào Đề án để báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Sở Tài chính có trách nhiệm giúp UBND tỉnh; Phòng Tài chính – Kế hoạch các huyện, thành phố, thị xã có trách nhiệm giúp UBND các huyện, thành phố, thị xã đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc địa bàn phải sắp xếp lại thực hiện kiểm kê, lập danh sách trụ sở, tài sản công để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền.
Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã nghe và cho ý kiến vào Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 trên địa bàn tỉnh.
Theo quy định, Nghệ An có 1 đơn vị cấp huyện chưa đạt 70% cả hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và dân số thuộc diện sắp xếp là thị xã Cửa Lò và sẽ sáp nhập toàn bộ địa giới hành chính và dân số vào thành phố Vinh theo Đề án điều chỉnh đơn vị hành chính và không gian đô thị thành phố Vinh.
Đối với cấp xã, có 89 đơn vị hành chính cấp xã không đủ tiêu chuẩn thuộc diện sắp xếp (có 79 xã, 4 phường, 6 thị trấn); trong đó có 66 đơn vị không đủ tiêu chuẩn đã được UBND các huyện, thành, thị xây dựng phương án sắp xếp, 23 đơn vị không đủ tiêu chuẩn nhưng địa phương đề nghị không thực hiện sắp xếp do yếu tố đặc thù.
Bên cạnh đó, có 29 đơn vị hành chính liền kề đủ tiêu chuẩn nhưng thực hiện sắp xếp với đơn vị hành chính không đủ tiêu chuẩn liền kề, trong đó có 26 đơn vị nhập toàn bộ, 3 đơn vị điều chỉnh một phần để phù hợp với địa giới hành chính.
Như vậy, theo phương án này, Nghệ An có 95 đơn vị hành chính cấp xã liên quan đến phương án sắp xếp đơn vị hành chính, trong đó 66 đơn vị hành chính không đủ tiêu chuẩn thuộc diện sắp xếp đã được UBND các huyện, thành, thị xây dựng phương án và 29 đơn vị hành chính thuộc liền kề đủ tiêu chuẩn nhưng thực hiện sắp xếp với đơn vị hành chính không đủ tiêu chuẩn liền kề.
Sau sắp xếp thành lập 44 đơn vị hành chính mới, gồm 34 đơn vị hành chính xã và 3 phường, 7 thị trấn; trong đó có 15 đơn vị hành chính đạt tiêu chuẩn; 29 đơn vị hành chính không đạt tiêu chuẩn và xin áp dụng yếu tố đặc thù. Sau sắp xếp, Nghệ An còn 20 đơn vị hành chính cấp huyện; 412 đơn vị hành chính cấp xã.
Đối với các đơn vị hành chính cấp xã thuộc địa bàn cấp huyện phải sắp xếp những đơn vị hành chính cấp xã đó không thuộc đối tượng chia tách, sáp nhập, hợp nhất thì việc quản lý, sử dụng và xử lý tài sản công thực hiện theo quy định của pháp luật về tài sản công, không thống kê vào danh mục tài sản phải sắp xếp lại, xử lý khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý đóng trên địa bàn đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp, UBND các huyện, thành phố, thị xã có trách nhiệm báo cáo UBND tỉnh để thông tin kịp thời phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã cho các bộ, cơ quan Trung ương để bộ, cơ quan Trung ương lập danh sách và dự kiến phương án sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công thuộc phạm vi quản lý.
Trên cơ sở danh sách trụ sở, tài sản công được rà soát, UBND các huyện, thành phố, thị xã xác định danh sách trụ sở, tài sản công giữ lại tiếp tục sử dụng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý sau khi sắp xếp đơn vị hành chính theo nguyên tắc là:
“Các đơn vị thực hiện sáp nhập, hợp nhất thì UBND các huyện, thành phố, thị xã căn cứ phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế, chức năng, nhiệm vụ của đơn vị hành chính khi thực hiện sắp xếp phải xác định cụ thể tiêu chuẩn, định mức sử dụng đối với trụ sở, tài sản công làm căn cứ để thực hiện tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí, đầu tư, xây dựng, nâng cấp đối với trụ sở làm việc được lựa chọn là nơi làm việc của đơn vị hành chính sau sắp xếp”, UBND tỉnh Nghệ An chỉ rõ.
Trong thời gian chờ cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, UBND tỉnh Nghệ An giao UBND các huyện, thành phố, thị xã chủ động chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai các bước trong quy trình sắp xếp nhà, đất (kê khai báo cáo, tổng hợp phương án) gửi Sở Tài chính để tổng hợp.
Sau khi có báo cáo kê khai của UBND các huyện, thành phố, thị xã, giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện kiểm tra hiện trạng sử dụng nhà, đất và lập phương án xử lý nhà, đất để ngay sau khi Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì trình UBND tỉnh phê duyệt phương án xử lý theo quy định.
UBND các huyện, thành phố, thị xã được yêu cầu phải chỉ đạo tổ chức thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công của các cơ quan, tổ chức tại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đúng thời hạn, đảm bảo công khai, minh bạch, tránh thất thoát, lãng phí.
Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc địa bàn sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 – 2021, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu rà soát lại tình hình phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất và tình hình thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc đối tượng phải sắp xếp lại.
Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch để hoàn thành việc phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trong năm 2023 và hoàn thành việc thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trong năm 2024. Kế hoạch phải xác định rõ thời hạn thực hiện và trách nhiệm thực hiện từng khâu trong quy trình sắp xếp lại, xử lý nhà, đất.
Đối với trường hợp đã phê duyệt phương án nhưng không còn phù hợp thực tế, cần thay đổi phương án xử lý thì thực hiện thay đổi phương án theo quy định.