Đền Thanh Liệt tọa lạc bên bờ sông Lam được xây dựng vào thời hậu Lê, để thờ các vị thần có công bảo quốc, hộ dân, đặc biệt là những vị thần gắn liền với miền sông nước: Long Vương, Hà Bá, Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn, Nguyễn Biểu, Sơn Liêu Độc Cước…
Đền gồm những công trình kiến trúc đẹp, điêu khắc chạm trổ công phu, lưu giữ nhiều đồ tế khí, hiện vật cổ kính, độc đáo. Đền đã được công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa – Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1997.
Sau dự án trùng tu, tôn tạo gần đây (năm 2022 -2023), đền Thanh Liệt đã có diện mạo mới khang trang, thuận lợi cho việc sinh hoạt văn hóa và tổ chức các hoạt động lễ hội.
Lễ hội đền Thanh Liệt được tổ chức hàng năm vào các ngày 5 và 6 tháng 2 âm lịch nhằm bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc, tưởng nhớ công đức các vị phúc thần, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân và du khách thập phương.
Lễ hội đền Thanh Liệt là sinh hoạt văn hóa dân gian cổ truyền mang đậm dấu ấn của ngư dân miền sông nước khu vực hạ nguồn sông Lam.
Nét đặc sắc của lễ hội là lễ rước thần và cầu ngư trên sông. Sáng sớm, đoàn rước bộ di chuyển từ đền ra bãi sông Lam. Sau đó, tiến hành rước thủy trên 1 đoàn thuyền lớn, được trang trí cờ hoa rực rỡ, trong đó có thuyền chủ lập án thờ thủy thần, những thuyền khác chở kiệu, chở người…
Lễ tế thần trên sông Lam nhằm cầu mong cho mưa thuận gió hòa, thủy sản sinh sôi phát triển, ngư dân đánh bắt thuận lợi. Lễ rước và cầu ngư trên sông Lam kéo dài hơn 5 – 6 giờ đồng hồ, từ sáng sớm đến quá trưa mới kết thúc.
Lễ hội đền Thanh Liệt đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2018.
Chương trình lễ hội năm nay diễn ra trong 2 ngày 14-15/3 với nhiều hoạt động linh thiêng, hấp dẫn như lễ dâng hương, lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ rước thần, lễ đại tế, thi đấu thể thao, trò chơi dân gian…
Giải thể thao có 3 môn thi đấu: bóng chuyền hơi, kéo co, cờ tướng với sự tham gia gần 200 vận động viên đến từ 9 xóm trên địa bàn xã Xuân Lam.
Lễ hội Đền Thanh Liệt mang đậm bản sắc văn hóa tín ngưỡng vùng sông nước, là nơi bảo lưu, gìn giữ tín ngưỡng thờ thủy thần và phản ánh tư duy nghề nghiệp của những người dân vùng hạ lưu sông Lam.
Lễ hội không chỉ đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân, hun đúc tinh thần cộng đồng, mà còn góp phần quảng bá hình ảnh địa phương, phát huy giá trị di sản của dân tộc./.