Sáng 6/5, tại cánh đồng Bờ Rào, xóm Thạch Sơn, xã Văn Thành (Yên Thành), Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Thành phối hợp với Công ty cổ phần Đại Thành tổ chức trình diễn mô hình ứng dụng công nghệ Clobalcheck: Ứng dụng máy cấy không người lái, chăm sóc bằng máy bay nông nghiệp, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Tham dự hội thảo có đại diện một số hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn huyện.
Mô hình được thực hiện trên giống lúa lai GS999, với quy mô 1 ha, của 1 hộ sản xuất. Trong quá trình gieo cấy và chăm sóc, được áp dụng các thiết bị cấy, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật… không người lái, nên lúa phát triển đồng đều hơn, gia tăng năng suất.
Đặc tính nổi trội của mô hình là giống lúa kháng bệnh tốt; thời gian sinh trưởng từ 123 – 127 ngày, bông lúa dài, nhiều hạt, hạt gối nhau, tỷ lệ hạt chắc cao. Năng suất của mô hình trong điều kiện thời tiết có nhiều diễn biến bất lợi như năm nay thì có khả năng đạt 75 tạ/ha.
Mô hình sử dụng máy cấy tự động không người lái, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt so với trồng lúa bằng phương pháp truyền thống, lãi tăng hơn 10 triệu đồng/ ha so với ngoài mô hình.
Ông Nguyễn Văn Dương – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện có 6 mô hình sản xuất lúa ứng dụng máy cấy không người lái, chăm sóc bằng máy bay nông nghiệp, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, tại các xã: Văn Thành, Long Thành, Công Thành, Minh Thành, Liên Thành và Hồng Thành; với tổng diện tích gần 100 ha. Các mô hình đều mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, do đó, huyện đang chỉ đạo các địa phương tăng cường áp dụng ngày càng nhiều hơn.
Kết quả này góp phần tuyên truyền vận động nông dân thay đổi phương thức và tư duy sản xuất truyền thống sang “Ứng dụng công nghệ thông minh trong sản xuất lúa theo hướng hữu cơ”, nhằm giải phóng sức lao động, góp phần nâng cao giá trị thu nhập cho người trồng lúa, hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp hiện đại và bền vững.