Hàng loạt hồ chứa được xây dựng từ hàng chục năm trước
Địa bàn huyện Nghĩa Đàn hiện có khá nhiều hồ chứa bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, nguy cơ vỡ đập là rất lớn. Như hồ chứa nước Cây Bả ở xóm Trung Yên, xã Nghĩa Mỹ (Nghĩa Đàn), có dung tích khoảng 0,7 triệu m3 nước, được xây dựng từ những năm 1980 về trước, thân đập chủ yếu đắp bằng đất (đắp thủ công), qua quan sát cho thấy có nhiều đoạn mái thượng lưu bị sạt trượt, nứt nẻ gây rò rỉ nước.
Đặc biệt, tràn xả lũ hiện đã bị hư hỏng nặng, các mảng bê tông tại tràn bong tróc, lở từng mảng lớn. Cống lấy nước hồ chứa Cây Bả cũng bị hỏng, người vận hành cống phải đi cheo leo trên khúc gỗ nhỏ phía trên rất dễ bị rơi xuống hồ chứa, nguy hiểm đến tính mạng.
Ông Nguyễn Minh ở xã Nghĩa Mỹ lo lắng nói: “Vào mùa mưa, nước hồ chứa Cây Bả dâng cao, người dân chúng tôi sống dưới chân đập lo sợ, phải tính đến phương án di dời người và tài sản”. Được biết, vào mùa mưa lũ, thân đập yếu nên hồ chứa này đe dọa trực tiếp đến tính mạng hàng trăm hộ dân nằm sát phía chân đập.
Ông Nguyễn Thanh Tú – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Mỹ cho biết: Địa bàn xã Nghĩa Mỹ có 8 hồ chứa nước, tưới cho trên 300 ha lúa và hoa màu, tất cả đều được xây dựng từ những năm 1980 trở về trước. Sau nhiều năm khai thác, hầu hết các hồ chứa nước này đã xuống cấp. Như các hồ chứa Cây Bả, Khe Vịnh, Eo Trúm, Nước Giỗ… đều trong tình trạng sạt lở mái hạ lưu, nền và thân đập đất yếu, tràn xả lũ bị xói lở, cửa van bị hư hỏng, khó khăn cho vận hành, điều tiết nước.
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Nghĩa Đàn, hiện toàn huyện có trên 170 hồ, đập lớn, nhỏ, hầu hết những công trình hồ, đập trên địa bàn chủ yếu do các xã quản lý; Phần lớn các hồ chứa trên đều được xây dựng thủ công từ những năm 1980-1990 về trước, qua nhiều năm sử dụng, chịu tác động từ thiên tai, lại thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng, cho nên đến nay, nguy cơ mất an toàn cao.
Trước mùa mưa lũ, huyện Nghĩa Đàn đã kiểm tra, rà soát và chỉ đạo các xã chủ động “4 tại chỗ” tại các hồ chứa ách yếu, đặc biệt là lên kế hoạch di dời các hộ dân vùng ảnh hưởng hồ chứa ách yếu đến nơi an toàn.
Cũng nằm trong tình trạng trên, hiện nay, địa bàn huyện Tân Kỳ hiện có khá nhiều hồ chứa xuống cấp, hư hỏng nặng. Như hồ chứa Mai Tân ở xã Nghĩa Hoàn, huyện Tân Kỳ, có dung tích khoảng 0,9 triệu m3, phục vụ nước tưới cho gần 100 ha lúa. Đập được xây dựng từ những năm 1980, thân đập chủ yếu đắp thủ công, mái kè xuất hiện nhiều điểm sụt lún và hở hàm ếch, vào mùa mưa nguy cơ vỡ đập đe dọa 800 hộ dân phía dưới hạ lưu của các xóm Tiến Thành, Đồng Tâm, Mai Tân, Xuân Sơn.
Đại diện UBND xã Nghĩa Hoàn cho biết thêm: Địa bàn xã có 3 hồ chứa, gồm hồ Rú Mồ, hồ Mai Tân, hồ Tràn, cả 3 hồ chứa đều xuống cấp, hư hỏng. Trong đó, hồ Mai Tân mới đây đã bàn giao cho Công ty TNHH Thủy lợi Tân Kỳ, hiện nay, tỉnh đang ưu tiên bố trí nguồn vốn để nâng cấp hồ chứa này.
Địa bàn huyện Tân Kỳ có 110 hồ chứa lớn, nhỏ, khó khăn đặt ra hiện nay là hầu hết các hồ chứa do địa phương quản lý đều đã cũ. Trong đó, có một số hồ có hiện tượng rò rỉ mất an toàn trong mùa mưa lũ, như hồ chứa Khe Là ở xã Phú Sơn có dung tích 2,5 triệu m3 có hiện tượng thấm cục bộ dọc thân đập, trong năm 2022, tỉnh đã hỗ trợ Công ty TNHH Thủy lợi Tân Kỳ 500 triệu đồng, khoan phụt vữa chống thấm được trên 150/275 mét thân đập.
Hồ chứa Khe Thần ở xã Nghĩa Bình bị rò rỉ nước nhiều vị trí tại thân đập có chiều dài 200 mét. Hiện nay, tỉnh đang bố trí nguồn vốn trên 700 triệu đồng để khoan phụt vữa chống thấm các điểm rò rỉ. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời.
Qua tìm hiểu được biết, ngoài việc các hồ chứa do địa phương quản lý, việc vận hành an toàn hồ, đập vẫn còn rất nhiều hạn chế, nhất là các hồ, đập hiện không có hồ sơ lưu trữ, thiếu các thông số về hồ chứa; cán bộ quản lý hồ không có trình độ chuyên môn phải kiêm nhiệm nhiều việc, nên việc thực hiện những nội dung theo Nghị định 114/2018/NĐ – CP về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước chưa đầy đủ.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị quản lý, quan trắc, thông tin liên lạc, vật tư, vật liệu tại chỗ chuẩn bị cho việc ứng cứu công trình của các hồ chứa do địa phương quản lý chưa đảm bảo…
Tập trung nâng cấp hồ chứa
Bằng việc lồng ghép từ các chương trình, dự án, hiện nay, địa bàn Nghệ An đang tập trung nâng cấp khá nhiều các hồ chứa ách yếu. Như tại huyện Yên Thành đang tiến hành nâng cấp 3 hồ chứa trị giá trên 45 tỷ đồng; hồ chứa Côn Côn ở xã Bảo Thành được đầu tư xây dựng trên 17 tỷ đồng, hiện đã thi công được trên 80% khối lượng, hoàn thành bờ đập với chiều dài trên 300 mét, hoàn thành lát đá hạ lưu và thượng lưu, thi công xong phần cống, nhà vận hành.
Các hồ chứa khác, như hồ Khe Cày ở xã Kim Thành, hồ chứa xã Lý Thành đã hoàn thành các công trình vượt lũ, dự kiến đến cuối năm 2023 sẽ đưa vào sử dụng. Huyện Yên Thành có trên 200 hồ chứa lớn, nhỏ, trong đó, có nhiều hồ chứa cũ. Theo kế hoạch thời gian tới, huyện Yên Thành tiếp tục rà soát để lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án và vốn Nhà nước triển khai nâng cấp các hồ chứa ách yếu khác, gồm đập Bàn Vàng và Nhân Tiến ở xã Tiến Thành trong mùa mưa lũ 2022 từng bị vỡ.
Cũng thời điểm này, địa bàn huyện Nghĩa Đàn đang triển khai nâng cấp các hồ chứa ách yếu. Đại diện Công ty TNHH MTV Thủy lợi Phủ Quỳ cho biết: Đơn vị quản lý 19 hồ chứa lớn, nhỏ, trong năm 2023, được tỉnh quan tâm, đơn vị đang triển khai nâng cấp 2 hồ chứa ách yếu, gồm hồ chứa Đồng Diệc ở xã Nghĩa Lộc trị giá 9 tỷ đồng và hồ chứa Lò Than ở xã Nghĩa Long trị giá 3,5 tỷ đồng. Đến nay, các hồ chứa này đạt trên 60% khối lượng, đặc biệt, đã cơ bản hoàn thành các công trình vượt lũ. Theo kế hoạch cuối năm 2023 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng.
Ngoài ra, các huyện Đô Lương, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Diễn Châu đang tiến hành nâng cấp các hồ chứa ách yếu.
Theo thông tin từ Chi cục Thủy lợi Nghệ An cho biết, Nghệ An là tỉnh có hệ thống hồ, đập khá lớn, gần 1.061 hồ chứa nước, trong đó, có 55 hồ, đập lớn; 220 hồ đập vừa và 786 hồ đập nhỏ. Hiện tại, đã có gần 400 hồ được nâng cấp, sửa chữa, còn trên 700 hồ chưa được sửa chữa, nâng cấp. Hồ chứa không chỉ phục vụ sản xuất nông nghiệp, mà còn đóng vai trò quan trọng, mang tính chiến lược lâu dài trong việc đảm bảo tưới, tiêu, cắt lũ vùng hạ du…
Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các công trình hồ chứa do địa phương quản lý đã xây dựng lâu năm nên không đồng bộ từ đầu mối đến hệ thống kênh mương. Kinh phí bố trí bảo trì, sửa chữa thường xuyên cho các công trình này còn nhiều hạn chế, vì thế, việc sửa chữa thiếu đồng bộ, nhiều hạng mục công trình từ đó bị hư hỏng, xuống cấp.