Các đồng chí Trần Trọng Dũng – Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Đỗ Thị Thu Hằng – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Mạnh Tuấn – Phó trưởng Ban Kiểm tra chuyên trách Hội Nhà báo Việt Nam đồng chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Đức Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cùng các đại biểu đến từ các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Trần Trọng Dũng – Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Sau 6 năm thực hiện, Luật Báo chí 2016 gắn với 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp, quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nổi lên nhiều tồn tại cần phải sửa đổi toàn diện nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong giai đoạn tới như: Đối tượng thành lập cơ quan báo chí; nhiệm vụ, trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí; việc phân định báo và tạp chí; hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú; hoạt động tác nghiệp của đội ngũ phóng viên; quy định về xử lý vi phạm, thu hồi giấy phép; hoạt động liên kết báo chí…
Luật Báo chí 2016 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 5/4/2016, trong đó, Điều 8, giao cho Hội Nhà báo Việt Nam “Ban hành và tổ chức thực hiện Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo”. Thực hiện Điều 8 của Luật Báo chí 2016, Hội Nhà báo Việt Nam đã tiến hành xây dựng Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam phù hợp với Hiến pháp 2013, Luật Báo chí 2016, đáp ứng với tình hình mới của đời sống xã hội và đời sống báo chí.
Bên cạnh đó, trước những đòi hỏi cấp thiết của công tác bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của hội viên, để theo dõi, ngăn chặn và xử lý nghiêm những hành vi của hội viên vi phạm Điều lệ Hội và 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, ngày 30/3/2017, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã ký ban hành Quyết định số 533/QĐ-HNBVN thành lập Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Đến nay, trên toàn quốc có 260/301 tổ chức hội có Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức người làm báo.
Xuất phát từ tình hình thực tế với những diễn biến nhanh chóng trong việc sử dụng mạng xã hội thiếu chuẩn mực nghề nghiệp của hội viên, phóng viên, Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục xây dựng và tổ chức thực hiện Quy tắc sử dụng mạng xã hội, trong đó, có 4 điều quy định khuyến khích sử dụng mạng xã hội cho nghiệp vụ báo chí và 7 điều nghiêm cấm sử dụng mạng xã hội vào mục tiêu không đúng đắn, thiếu phù hợp…
Tại hội nghị, đại diện các địa phương đã trao đổi một số vấn đề: trách nhiệm, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong thực thi Hiến pháp, Luật Báo chí 2016 và 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp, quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo; công tác quản lý và phát triển các loại hình báo chí trên địa bàn; ý thức và trách nhiệm của người làm báo khi tham gia mạng xã hội; một số nội dung cần thiết cần sửa đổi Luật Báo chí 2016 nhằm phát triển báo chí số…
Trao đổi tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, phương thức tác nghiệp, tổ chức sản xuất các ấn phẩm báo chí hiện nay đã có nhiều thay đổi, vì vậy, nhiều nội dung trong Luật Báo chí 2016 chưa theo kịp với thực trạng hiện nay. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Báo chí 2016 ở thời điểm này là cần thiết. Bên cạnh đó, đồng chí cũng đề nghị các nhà báo cần chỉn chu trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.
Kết luận hội nghị, đồng chí Trần Trọng Dũng – Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam ghi nhận những kiến nghị tâm huyết của đại biểu; đồng thời, khẳng định thời gian tới sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan để hiện thực hóa những kiến nghị, đề xuất trên.