P.V: Thưa đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh! Đồng chí có thể cho biết những nội dung chính của Kỳ họp thứ 17?
Đồng chí Nguyễn Nam Đình: Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Nghệ An, khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 sẽ thảo luận, cho ý kiến, xem xét và quyết định nhiều nội dung quan trọng; trong đó, xem xét thông qua 35 nghị quyết, đặc biệt là về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán thu – chi, phân bổ ngân sách địa phương, kế hoạch đầu tư công năm 2024.
Quyết định, điều chỉnh chủ trương đầu tư; giao số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã năm 2024; giao biên chế công chức năm 2024; quy định chức danh, mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, cấp thôn; hỗ trợ người hoạt động ở cấp thôn, phân bổ dự toán kinh phí hoạt động của các tổ chức, chính trị – xã hội cấp xã…
Kỳ họp cũng sẽ tiến hành miễn nhiệm; bầu bổ sung Ủy viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021 – 2026 và tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn 2 nhóm nội dung:
Nhóm 1, về công tác quản lý, hiệu quả sử dụng đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh và các Tổng đội Thanh niên xung phong. Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp tăng cường hiệu quả quản lý, hiệu quả sử dụng đất trong thời gian tới.
Nhóm 2, về giải pháp để phát triển du lịch Nghệ An thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
P.V: Năm 2024 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2025. Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ có những giải pháp gì để góp phần thực hiện các nhiệm vụ trên?
Đồng chí Nguyễn Nam Đình: Thời gian qua, HĐND tỉnh Nghệ An đã kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Trung ương, của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy thành các nghị quyết, kết luận, cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế – xã hội; làm tốt chức năng quyết định và giám sát thực hiện các vấn đề quan trọng của tỉnh; phối hợp với UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, đôn đốc, kiểm tra tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh tiếp tục đồng hành cùng hệ thống chính trị tỉnh tháo gỡ các khó khăn, thực hiện các mục tiêu đã đề ra.
Cụ thể, trước kỳ họp, Thường trực, các Ban HĐND tỉnh đã tăng cường khảo sát để thu thập thông tin, phát hiện và kiến nghị những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện chính sách pháp luật và nghị quyết của HĐND; tham gia các hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; trực tiếp tổ chức hoạt động giám sát chuyên đề có chất lượng, kiến nghị nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia tại Nghệ An.
Công tác chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 17 được tiến hành từ sớm, từ xa. Thường trực HĐND tỉnh phối hợp với UBND tỉnh rà soát các nghị quyết của HĐND tỉnh còn hiệu lực, kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành những cơ chế, chính sách mới phù hợp với thực tiễn.
Công tác thẩm tra các nội dung trình kỳ họp được thực hiện kỹ lưỡng, toàn diện, nhất là cơ sở chính trị, pháp lý; chất lượng thẩm tra được nâng lên, đảm bảo nghị quyết được ban hành hợp hiến, hợp pháp, khả thi; không trình kỳ họp những nội dung chậm tiến độ, không bảo đảm chất lượng.
Tại kỳ họp, HĐND sẽ thảo luận tại tổ và tại hội trường để xem xét các báo cáo, dự thảo nghị quyết; đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh để thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh; các chủ trương, chính sách của Trung ương; các giải pháp phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh một cách thực chất, khách quan, toàn diện; chỉ ra những hạn chế, yếu kém, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và bài học trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2023; đề ra giải pháp hiệu quả để thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội năm 2024, tập trung thảo luận về mục tiêu tổng thể và các chỉ tiêu cơ bản, quan trọng.
Từ đầu nhiệm kỳ 2021 – 2026 đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành 25 nghị quyết về các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế – xã hội. HĐND tỉnh sẽ thảo luận về kết quả thực hiện các cơ chế, chính sách nói trên, cho ý kiến vào Báo cáo giám sát chuyên đề về việc thực hiện các nghị quyết này (11/25 nghị quyết thuộc phạm vi giám sát); chỉ ra những bất cập, hạn chế, khó khăn, vướng mắc; kiến nghị các giải pháp để tháo gỡ; đề xuất bãi bỏ những cơ chế, chính sách kém hiệu quả, manh mún, thiếu tính khả thi và bổ sung các chính sách mới phù hợp.
P.V: Từ đầu nhiệm kỳ 2021 – 2026 đến nay, hoạt động của HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII có nhiều đổi mới, chuyên nghiệp và hiệu quả. Xin đồng chí cho biết công tác chuẩn bị, tổ chức, điều hành Kỳ họp thứ 17 và những nội dung chủ tọa kỳ họp muốn gửi đến các đại biểu tham dự?
Đồng chí Nguyễn Nam Đình: Công tác tổ chức kỳ họp của HĐND tỉnh tiếp tục có nhiều đổi mới, sáng tạo, bảo đảm hợp lý, khoa học cả về nội dung và thời gian tổ chức, nâng cao chất lượng theo hướng “thực chất và hiệu quả”, đúng pháp luật về quy trình, thủ tục và sự chỉ đạo của Đảng đoàn HĐND cấp tỉnh.
Các nội dung trình kỳ họp được chuẩn bị với tinh thần chủ động, tích cực, kỹ lưỡng để tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyết định kịp thời các vấn đề quan trọng của địa phương.
Các báo cáo trình kỳ họp được trình bày tóm tắt, rút ngắn thời gian, tăng thời gian cho hoạt động thảo luận, tranh luận, chất vấn và trả lời chất vấn. Chủ tọa kỳ họp gợi ý nội dung thảo luận có trọng tâm, trọng điểm, làm rõ những vấn đề còn ý kiến khác nhau, tạo sự đồng thuận cao, phát huy tối đa kinh nghiệm và trí tuệ của đại biểu, góp phần nâng cao cả về số lượng và chất lượng phát biểu của đại biểu HĐND.
Công tác bảo đảm về cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết khác được tăng cường; duy trì truy cập, sử dụng tài liệu kỳ họp và biểu quyết đều được thực hiện bằng phần mềm, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức thực hiện và nhanh chóng, thuận tiện, khoa học, chính xác.
Chủ tọa kỳ họp yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành tham dự đầy đủ phiên chất vấn và trả lời chất vấn để trả lời, giải trình, tiếp thu các câu hỏi của đại biểu HĐND tỉnh. Công tác tuyên truyền trước, trong và sau kỳ họp tiếp tục được HĐND đẩy mạnh, kịp thời cung cấp đầy đủ, chính xác, sâu rộng, thiết thực các hoạt động của kỳ họp HĐND tỉnh đến toàn thể cử tri và nhân dân theo dõi, giám sát, đưa quyết nghị của HĐND sớm đi vào cuộc sống, góp phần tích cực vào việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Để kỳ họp thành công như mong đợi, chủ tọa kỳ họp đề nghị các tổ đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực nghiên cứu, học tập, nâng cao năng lực, nỗ lực thực hiện vai trò, chức năng đại biểu dân cử; thường xuyên liên hệ chặt chẽ với cử tri, tham gia và trực tiếp thực hiện nhiệm vụ giám sát; xem xét các báo cáo, tích cực thảo luận, tranh luận, chất vấn, tham gia quyết định các chính sách, biện pháp bảo đảm phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh của tỉnh.
Các tổ đại biểu cần chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động; xác định các vấn đề của cử tri phản ánh chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa thỏa đáng để tiếp tục kiến nghị, giám sát hoặc đặt câu hỏi chất vấn.
Tổ đại biểu dành thời gian trao đổi những vấn đề liên quan đến địa phương, kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết; thực hiện hoạt động giám sát theo sự phân công của HĐND, Thường trực HĐND hoặc chủ động thực hiện quyền giám sát theo thẩm quyền và báo cáo kết quả giám sát với Thường trực HĐND.
Các đại biểu HĐND tỉnh cần tăng cường sự trao đổi, giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng trong các hoạt động; tiếp tục tìm hiểu các kiến thức về quản lý Nhà nước, pháp luật, kỹ năng nghiên cứu tài liệu, thu thập thông tin để tự tin, bản lĩnh trong tham gia giám sát, chất vấn.
Bản thân mỗi đại biểu cần tích cực nghiên cứu, nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của HĐND để phát hiện những bất cập, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ để kiến nghị biện pháp giải quyết, tháo gỡ kịp thời, giúp HĐND ban hành nghị quyết đúng đắn, phù hợp với thực tiễn địa phương.
Các đại biểu HĐND chuyên trách, các ban phân công cụ thể các nội dung tới từng đại biểu chuyên trách, đảm bảo mỗi đầu việc đều có người chủ trì chịu trách nhiệm, người phối hợp, thời gian và tiến độ thực hiện.
Là thành phần nòng cốt trong công tác thẩm tra trước kỳ họp, giám sát tại kỳ họp, các đại biểu chuyên trách nghiên cứu, thu thập thông tin để nhận định, đánh giá trong thẩm tra, giám sát cụ thể, khách quan, chỉ rõ được những hạn chế, tồn tại trong việc thực hiện nhiệm vụ của đối tượng thẩm tra, giám sát.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các đại biểu chuyên trách cần thể hiện rõ hơn năng lực, trách nhiệm, bản lĩnh của đại biểu HĐND trong việc nêu câu hỏi chất vấn và tranh luận, làm rõ những vấn đề còn bất cập, hạn chế.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!