Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Văn bản số 724/TTg-ĐMDN ngày 4/8/2023 trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Đinh Ngọc Minh, trong đó nêu rõ: Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục điều chỉnh cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn để người dân, doanh nghiệp thuận lợi, yên tâm trong sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.
Các bộ, ngành, địa phương đang tích cực triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững
Đại biểu Quốc hội Đinh Ngọc Minh thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau chất vấn: “Chính phủ nhanh chóng dành một phần ngân sách chưa thể giải ngân cho các dự án đã giao để hỗ trợ cho doanh nghiệp theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, các dự án này của các doanh nghiệp đã hoàn thành đầu tư, nhu cầu này khoảng 5.000 tỷ đồng, để khi nền kinh tế phục hồi thì doanh nghiệp có sức sản xuất được ngay, hầu hết các doanh nghiệp đã thực hiện đầu tư theo Nghị định này nhưng chưa được hỗ trợ nhất là các doanh nghiệp ở vùng sâu vùng xa, đây cũng nhằm tăng giải ngân vốn đầu tư công đang còn dư hiện nay vào khu vực hiệu quả của nền kinh tế.
Về dài hạn, Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết phát triển lực lượng doanh nghiệp trong thời kỳ mới nhằm tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp về đất đai, thủ tục hành chính, về cơ chế áp dụng quy định chính sách khi các văn bản có sự chồng chéo, mâu thuẫn, cao hơn là khát vọng xây dựng Việt Nam hùng cường”.
Về vấn đề nêu trên, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trả lời như sau:
– Về hỗ trợ doanh nghiệp: Theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn là một chủ trương lớn của Đảng, đã được cụ thể tại Nghị quyết số 26/NQ-TW ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Triển khai chủ trương này, năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 04/6/2010, tiếp đó năm 2013 là Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 và năm 2018 ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018.
Nhằm đẩy mạnh việc triển khai Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, tạo nền tảng thu hút các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 57/2018/NĐ-CP. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các cơ quan rà soát, hoàn thiện đảm bảo Nghị định mới ban hành khả thi đi vào cuộc sống.
Về hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững cả về số lượng, chất lượng, thực sự trở thành lực lượng quan trọng đảm bảo tính tự chủ của nền kinh tế, ngày 21/4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.
Theo khoản 1 mục A phần III Nghị quyết số 58/NQ-CP, nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai trong ngắn hạn, đối với nội dung tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý nhằm khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất kinh doanh, Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương: (i) Khẩn trương thực hiện rà soát, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đầu tư đã được cấp phép, chưa triển khai hoặc đang triển khai nhằm khơi thông nguồn lực đầu tư cho sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế; đẩy mạnh công tác thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; (ii) Rà soát, tạo điều kiện xử lý nhanh các thủ tục đầu tư, xây dựng đối với các dự án bất động sản trên địa bàn đã đáp ứng đủ điều kiện để các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng sớm triển khai theo quyết định đầu tư được phê duyệt để sớm hoàn thành, đưa sản phẩm ra thị trường.
Đồng thời, tại điểm a, khoản 1, mục B, phần III, Nghị quyết số 58/NQ-CP, nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong trung và dài hạn, Chính phủ giao các bộ, ngành và địa phương tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, trong đó: (i) Tập trung giải quyết các bất cập do quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật còn chưa cụ thể, chồng chéo, mâu thuẫn trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng và tài nguyên, môi trường; thực hiện tích hợp các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, dễ tra cứu, dễ hiểu và dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật; chủ động hoặc đề xuất cấp thẩm quyền cắt giảm hoặc đơn giản hóa các quy định tạo ra rào cản mới gây khó khăn cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, trừ trường hợp cần thiết và phải đánh giá tác động tới doanh nghiệp; (ii) rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp theo hướng đơn giản hóa hoặc thay đổi phù hợp để có thể ứng dụng hiệu quả công nghệ số, triển khai dịch vụ công trực tuyến.
Hiện nay, các bộ, ngành, địa phương đang tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 58/NQ-CP.
Bên cạnh đó, về tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực đất đai, Chính phủ đã đưa nội dung này vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Hiện nay, dự thảo Luật đã trình Quốc hội và được thảo luận tại kỳ họp thứ 4, 5, sẽ xem xét thông qua vào kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
– Đối với các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, thời gian qua để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các cơ chế, chính sách như: Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/1/2022) và Chiến lược phát triển các lĩnh vực: chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp…; Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/2/2021);….
Thủ tướng Chính phủ cũng đã trực tiếp làm việc với 2 Hiệp hội ngành hàng lớn trong ngành nông nghiệp là Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản để tháo gỡ, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thủy sản.
Căn cứ báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục điều chỉnh cơ chế, chính sách cho phù hợp với thực tiễn (trong đó có Nghị định số 57/2018/NĐ-CP như nêu trên) để người dân, doanh nghiệp thuận lợi, yên tâm trong sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.
Tiếp tục kéo giảm tỷ lệ chi phí logistics
Đại biểu Quốc hội Đinh Ngọc Minh cũng chất vấn: “Chính phủ có giải pháp giảm chi phí logistic cho doanh nghiệp bao gồm giảm về chi phí vận chuyển, giảm về chi phí thủ tục hành chính, giảm chi phí không chính thức. Hiện nay, chi phí của ta quá lớn (nguyên nhân chính là do chi phí vận tải lớn chiếm khoảng 60%) gấp đôi so với trung bình của thế giới, EU và Mỹ. Chi phí vận chuyển 1 công hàng từ Bắc vào Nam hết khoảng 2000 USD, trong khi chuyển 1 công hàng từ Việt Nam sang Mỹ chỉ hết 1000 USD.
Kinh nghiệm các nước phát triển làm đường sắt chở hàng kết hợp chở hành khách nhằm sinh lời (chở hàng có lãi, chở khách lỗ). Để giảm chi phí logistic cho doanh nghiệp, kết hợp chở khách đồng thời xây dựng được cơ sở hạ tầng quan trọng, đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội sớm triển khai 02 đoạn tuyến đường sắt (Lạch Huyện – Yên Viên – Lào Cai và Vũng Tàu – Đồng Nai) trong Quy hoạch đường sắt theo Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ; kiến nghị Quốc hội tăng đầu tư công để sớm đầu tư cho 2 tuyến đường sắt này”.
Về vấn đề nêu trên, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trả lời như sau:
– Về chi phí logistics của Việt Nam: Theo bảng xếp hạng thường niên của Agility năm 2023, Việt Nam lọt vào 10 thị trường logistics mới nổi trên thế giới và đứng thứ 4 Đông Nam Á. Tuy nhiên, chi phí logistics trung bình của Việt Nam hiện ở mức tương đương 16,8 – 17% GDP và vẫn còn ở mức khá cao so với mức bình quân chung của thế giới (hiện khoảng 10,6%). Chi phí này đã cơ bản tiệm cận mục tiêu của Chính phủ đề ra tại Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 với mục tiêu chi phí logistics giảm tương đương 16% – 20% GDP.
Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp liên quan tập trung phát triển cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ, đầu tư phát triển các trung tâm logistics, cảng cạn để đẩy mạnh vận tải đa phương thức; tiếp tục rà soát, điều chỉnh chính sách liên quan đến giá, phí vận tải (phí sử dụng đường bộ, hạ tầng cảng biển, lệ phí ra vào cảng biển…), phân cấp, phân quyền cho địa phương trong hoạt động đầu tư, khai thác hạ tầng nhằm tiếp tục kéo giảm tỷ lệ chi phí logistics.
– Về chi phí vận chuyển 1 công hàng từ Bắc vào Nam hết khoảng 2000 USD, trong khi chuyển 1 công hàng từ ta sang Mỹ chỉ hết 1000 USD: Theo các số liệu điều tra, khảo sát hiện nay, chi phí vận chuyển 1 Container 20ft từ Bắc vào Nam như đại biểu đưa ra (2.000 USD) tương ứng với phương thức vận chuyển bằng đường bộ. Tuy nhiên, tùy theo mặt hàng chuyên chở, nhu cầu của chủ hàng về thời gian và điều kiện vận chuyển, các doanh nghiệp có thể lựa chọn các phương thức vận tải khác như đường sắt, đường biển với mức chi phí chỉ tương đương 50% – 70% của đường bộ (tùy thuộc vào điều kiện xếp dỡ). Ví dụ: Hiện nay giá cước vận tải biển chiều từ Thành phố Hải Phòng – Thành phố Hồ Chí Minh đang dao động khoảng 9,2 – 9,5 triệu đồng/container loại 20ft và khoảng 12 triệu đồng/container loại 40ft. Ở chiều ngược lại Thành phố Hồ Chí Minh – Thành phố Hải Phòng, mức cước khoảng 6 – 8 triệu đồng/container loại 20ft và 9 – 10 triệu đồng/container loại 40ft.
Đối với vận tải biển quốc tế, việc xác định giá cước phụ thuộc thời vụ, điều kiện vận chuyển. Hiện nay, giá cước vận tải đường biển 1 Container loại 40ft đi Mỹ khoảng 2.000 – 2.500 USD, trong khi vào giai đoạn dịch COVID-19, mức cước này có thể lên đến 20.000 USD. Như vậy, cho thấy việc so sánh chi phí vận tải giữa các cung – chặng, phương thức vận tải khác nhau là rất khó chính xác để quy đổi về cùng một mặt bằng tương ứng.
– Về việc đầu tư 02 tuyến đường sắt kết nối cảng biển (Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng và Biên Hòa – Vũng Tàu), theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hai tuyến đường sắt này dự kiến đầu tư trước 2030 để vận chuyển hành khách và hàng hóa. Quán triệt Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch triển khai quy hoạch mạng lưới đường sắt, trong đó tiếp tục triển khai công tác chuẩn bị đầu tư hai tuyến đường sắt này trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 để huy động nguồn lực, phấn đấu khởi công trước năm 2030, trong đó:
+ Tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu, đang triển khai lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, chiều dài khoảng 128 km, đường đôi, khổ đường 1435mm, vận tải hành khách và hàng hóa, tổng mức đầu tư khoảng 6,2 tỷ USD.
+ Tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, đã cơ bản hoàn thành quy hoạch chi tiết, chiều dài khoảng 380km, đường đôi, khổ đường 1435mm, vận tải hành khách và hàng hóa, tổng mức đầu tư khoảng 10 – 11 tỷ USD.
Phó Thủ tướng nhất trí với ý kiến của Đại biểu Quốc hội về việc cần sớm triển khai 02 dự án đường sắt. Do tổng mức đầu tư 02 tuyến đường sắt tương đối lớn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025 để huy động nguồn lực đầu tư, trong đó có tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu và Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng. Dự kiến cả 02 dự án sẽ hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trước năm 2025.
Hiện nay, 02 khu bến cảng biển Lạch Huyện và Cái Mép – Thị Vải đã và đang được đầu tư kết nối bằng đường bộ (cao tốc, quốc lộ), đường thủy nội địa. Trong đó, tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên, thị phần vận chuyển container bằng đường thủy nội địa kết nối với khu bến Cái Mép – Thị Vải, hiện nay lượng hàng qua cảng đạt trên 80%, đáp ứng nhu cầu vận tải của 2 cảng biển với chi phí hợp lý.
Về lâu dài, việc giảm thị phần vận tải đường bộ kết nối đến cảng biển là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giảm chi phí logistics, trong đó 02 tuyến đường sắt kết nối cảng biển là Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng (kết nối khu bến Lạch Huyện) và Biên Hòa – Vũng Tàu (kết nối khu bến Cái Mép – Thị Vải) cần sớm được đầu tư và phấn đấu khởi công trước năm 2030 theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1769/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) và Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái rất mong Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau và cá nhân Đại biểu Quốc hội Đinh Ngọc Minh tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến lĩnh vực này.