Sáng 1/8, Đoàn Giám sát Quốc hội về giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” làm việc với tỉnh Nghệ An.
Đoàn Giám sát do Thượng tướng Trần Quang Phương – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng đoàn. Đồng chí Nguyễn Thúy Anh – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội làm Phó đoàn và lãnh đạo một số ủy ban của Quốc hội, bộ, ngành và đoàn ĐBQH một số tỉnh.
Làm việc với đoàn về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Thái Thanh Quý – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nguyễn Nam Đình – Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Võ Thị Minh Sinh – Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Đệ – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.
QUAN TÂM ĐẾN TÍNH BỀN VỮNG, THỰC CHẤT
Nhìn chung quá trình triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được tỉnh Nghệ An tổ chức chỉ đạo thực hiện kịp thời, tạo sự xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã.
Đến nay, tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định.
Tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 của 3 chương trình mục tiêu quốc gia được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh tỉnh Nghệ An là 5.344,388 tỷ đồng.
Đến nay, HĐND tỉnh Nghệ An đã phân bổ số vốn 4.931,108 tỷ đồng để thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Cụ thể, Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là 1.379,680 tỷ đồng, triển khai tại 411 xã; Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 2.632,56 tỷ đồng, triển khai 9 dự án thành phần. Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững là 918,868 tỷ đồng, triển khai 2 dự án thành phần.
Trong đó, tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương năm 2022 và năm 2023 của 3 chương trình mục tiêu quốc gia được Thủ tướng Chính phủ giao là 2.476,294 tỷ đồng. Đến ngày 20/7/2023 lũy kế số đã giải ngân 883,438 tỷ đồng, đạt 35,68 % kế hoạch. Còn tổng kế hoạch vốn sự nghiệp năm 2022 và năm 2023 của 3 chương trình mục tiêu quốc gia được giao là 1.715,077 tỷ đồng. Đến ngày 20/7/2023 lũy kế đã giải ngân 187,519 tỷ đồng, đạt 10,93% kế hoạch.
Tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn Giám sát đã trao đổi đề nghị tỉnh làm rõ thêm về tính thực chất, bền vững khi thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; công tác ban hành văn bản, chỉ đạo, điều hành, lập kế hoạch và khả năng hoàn thành các kế hoạch.
Đoàn Giám sát cũng nêu các ý kiến liên quan đến việc xây dựng và thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu; lồng ghép các chương trình; công tác giải ngân nguồn vốn; mối quan hệ giữa việc thực hiện kế hoạch với việc đạt các chỉ tiêu đặt ra; việc thực hiện một số dự án, tiểu dự án; công tác kiểm tra, giám sát; thống kê và số liệu.
Ý kiến Đoàn giám sát cũng đề nghị cho biết giải pháp, kết quả, kinh nghiệm của tỉnh trong việc huy động các nguồn lực để lồng ghép thực hiện các chương trình, trong đó có vai trò của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ chức chính trị, người dân tham gia đóng góp.
Lãnh đạo các sở, ngành liên quan và UBND tỉnh Nghệ An đã giải trình làm rõ các nội dung được Đoàn Giám sát đặt ra. Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đã phân tích rõ hơn các nguyên nhân chủ quan, khách quan trong các hạn chế tồn tại thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia tại Nghệ An liên quan đến các nhóm vấn đề được Đoàn Giám sát chỉ ra.
Đặc biệt về ý kiến đánh giá tính thực chất, bền vững của việc thực hiện, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An phân tích: Các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững đã được triển khai từ giai đoạn trước, và giai đoạn 2021 – 2025 tiếp tục thực hiện. Qua thực tiễn đã chứng minh được hiệu quả, thực chất, tính bền vững, nhất là Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã mang lại nhiều thay đổi cho nông thôn cả nước, trong đó có nông thôn Nghệ An; còn đối với Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, mục đích, ý nghĩa, mục tiêu khi ban hành đã rất rõ, song do mới lần đầu triển khai nên cần có thời gian để có thể đánh giá.
Để đẩy nhanh hơn nữa tỷ lệ giải ngân vốn từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho biết, Nghệ An chỉ đạo rất quyết liệt. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo phải có sự tham gia của lãnh đạo cấp ủy; 10 ngày gửi báo cáo một lần về giải ngân vốn đầu tư công nói chung, trong đó có vốn từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia cho các đồng chí đứng đầu cấp ủy để cùng tham gia trong lãnh đạo, chỉ đạo.
Khẳng định quan điểm của tỉnh là tập trung nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, người đứng đầu UBND tỉnh Nghệ An cho biết, ngay trong tháng 8 này, tỉnh sẽ tổ chức cuộc họp về giải ngân vốn đầu tư công nói chung, trong đó có nguồn vốn từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia, để có những chỉ đạo cụ thể.
XÁC ĐỊNH RÕ TRỌNG TÂM, TRỌNG ĐIỂM, KHÂU ĐỘT PHÁ
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thượng tướng Trần Quang Phương – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát ghi nhận các kết quả Nghệ An đạt được, đặc biệt nổi bật là sự vào cuộc quyết liệt, với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có nhiều sáng tạo trong tổ chức thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, nên kết quả đạt khá tốt, đặc biệt là Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Đoàn Giám sát cũng chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của Nghệ An, nhất là điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội mang lại; những bất cập từ số lượng văn bản hướng dẫn triển khai chương trình còn nhiều; nguồn vốn từ Trung ương phân bổ chậm;…
Thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị tỉnh tiếp tục nghiên cứu, rà soát đánh giá thực chất kết quả thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia đến nay, đặc biệt là tập trung làm rõ các nguyên nhân chủ quan, khách quan, dự báo được khả năng thực hiện đến năm 2025 để đưa ra chủ trương, giải pháp phù hợp cho thời gian tới.
Thượng tướng Trần Quang Phương cũng nêu bật yêu cầu cần “bám trên, sát dưới”, để chủ động, đón đầu chuẩn bị triển khai “từ sớm, từ xa” trong quá trình tổ chức thực hiện; xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, khâu đột phá để tập trung thực hiện nhằm làm chất xúc tác thúc đẩy các lĩnh vực khác, ví dụ như xác định trọng tâm, trọng điểm xây dựng hạ tầng tại 4 huyện nghèo của tỉnh thuộc danh sách 74 hộ nghèo của cả nước; nhà ở, sinh kế gắn với nâng thu nhập cho người dân;…
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng gợi mở, đối với những vấn đề còn khác với luật, chỉ đạo của cấp trên nhưng phù hợp với thực tiễn hoặc có nội dung chưa chín, chưa rõ, tỉnh nên mạnh dạn chỉ đạo thực hiện làm thí điểm trong phạm vi thẩm quyền của tỉnh, từ đó rút kinh nghiệm, nhân rộng.
Nghệ An cũng cần thành lập các tổ công tác của tỉnh, cấp huyện với tinh thần “tỉnh sẵn sàng làm thay huyện, huyện sẵn sàng làm thay xã, cầm tay chỉ việc, qua đó bồi dưỡng cán bộ”; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát và khắc phục tâm lý sợ sai, né tránh, không dám làm, không dám chịu trách nhiệm trong quá trình thực hiện.
“Trên tinh thần đó, tôi tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Nghệ An tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử cách mạng, đoàn kết, chủ động, sáng tạo triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 36/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; qua đó sẽ có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh, của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước”, Thượng tướng Trần Quang Phương nhấn mạnh.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý trên cơ sở phân tích thêm đặc điểm địa lý, kinh tế, xã hội của tỉnh đã khẳng định: Nghệ An xác định triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn mới có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an sinh, giảm nghèo bền vững, giữ vững quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh; đây là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu, quan trọng.
Qua giám sát của đoàn giúp cho tỉnh nhận diện rõ hơn những tồn tại, hạn chế và sau cuộc làm việc, tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành chuyên môn rà soát, đánh giá lại đúng thực chất, khách quan hiệu quả, kết quả bước đầu việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Đồng thời, Nghệ An tiếp thu đầy đủ ý kiến các thành viên Đoàn Giám sát, đặc biệt là ý kiến Trưởng đoàn Giám sát để hoàn chỉnh toàn bộ nội dung báo cáo với đoàn; cũng như mong Đoàn Giám sát quan tâm có ý kiến với các cơ quan liên quan để giúp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn vượt qua trong quá trình thực hiện thuộc thẩm quyền của cấp tỉnh, trong đó có Nghệ An.
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý cũng khẳng định: Tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương khắc phục khó khăn, vướng mắc trong khâu tổ chức thực hiện thuộc thẩm quyền của tỉnh với phương châm “nỗ lực lớn hơn, quyết tâm cao hơn, hành động quyết liệt hơn; sâu sát, hướng mạnh về cơ sở, để hướng dẫn, giúp đỡ cơ sở triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia; phấn đấu đảm bảo tiến độ đặt ra, hoàn thành hiệu quả các mục tiêu.