Lãnh đạo tỉnh Nghệ An làm việc với đoàn có các đồng chí: Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Thị Thu Hường – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy và một số sở, ngành; lãnh đạo Hội Nhà báo tỉnh Nghệ An và các cơ quan báo chí tỉnh.
PHÁT HUY SỨC MẠNH CỦA CÁC LOẠI HÌNH THÔNG TIN, TRUYỀN THÔNG
Tại cuộc làm việc, Đoàn công tác Hội Nhà báo Việt Nam đã nghe thông tin về tình hình hoạt động báo chí trên địa bàn Nghệ An; cũng như kết quả hoạt động nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam và Nghị quyết Đại hội Hội Nhà báo Nghệ An, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Hiện nay, Nghệ An có 82 cơ quan báo chí hoạt động trên địa bàn, trong đó có 3 cơ quan báo chí địa phương (với 160 phóng viên); 39 văn phòng đại diện, 40 phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí Trung ương (với hơn 200 phóng viên), đứng thứ 4 cả nước.
Hội Nhà báo Nghệ An là tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp của những người làm báo trên địa bàn tỉnh hiện có 14 chi hội, với 396 hội viên.
Những năm qua, công tác chỉ đạo, định hướng đối với báo chí luôn được Tỉnh ủy Nghệ An, mà trực tiếp là Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và được triển khai, quán triệt theo phương châm: “Chủ động, kịp thời, thuyết phục, hiệu quả”.
Nhiều văn bản đã được ban hành nhằm tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền tỉnh đối với công tác chỉ đạo định hướng chính trị, tư tưởng trong hoạt động báo chí.
Đặc biệt, năm 2021, Nghệ An là tỉnh đầu tiên trong cả nước ban hành Đề án số 11 ngày 22/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Nâng cao hiệu quả chỉ đạo, định hướng và xử lý thông tin báo chí trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025”.
Thông qua việc cụ thể hóa nhiều nội dung, đã tạo được sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ, thống nhất, phát huy được sức mạnh tổng hợp của các loại hình thông tin, truyền thông; tạo sự đồng thuận xã hội trong triển khai, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và của tỉnh.
Bên cạnh đó, công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội luôn được tỉnh chú trọng.
Trong thời gian qua, cơ quan chức năng đã tiến hành 9 cuộc thanh tra báo chí, xử phạt hơn 140 triệu đồng; 9 cuộc thanh tra trang thông tin điện tử, xử phạt hơn 50 triệu đồng; xử phạt 12 đối tượng với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự của cá nhân với số tiền 95 triệu đồng.
Tại cuộc làm việc, các thành viên đoàn công tác của Hội Nhà báo và lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã trao đổi các nội dung về chuyển đổi số; phát triển, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xây dựng định mức kinh tế – kỹ thuật trong hoạt động báo chí; công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội; công tác hỗ trợ báo chí chất lượng cao;…
GÓP PHẦN XÂY DỰNG NỀN BÁO CHÍ TIÊN TIẾN, NHÂN VĂN, HIỆN ĐẠI
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu đánh giá cao những đóng góp của báo chí đối với sự phát triển của tỉnh.
Thời gian tới, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu đề nghị, Hội Nhà báo Nghệ An tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Hội Nhà báo tỉnh cũng cần tiếp tục bám sát mục tiêu, định hướng tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra; để xây dựng nền báo chí, truyền thông tiên tiến, nhân văn, hiện đại.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu đồng thời đề nghị rà soát lại quy chế, tôn chỉ, mục đích trong tình hình mới phù hợp; tiếp tục giáo dục tư tưởng, đạo đức người làm báo gắn với đào tạo, bồi dưỡng.
Cùng với đó, Hội Nhà báo tỉnh Nghệ An cần tiếp tục theo dõi, gắn với kiểm tra, kết luận, xử lý hoặc đề xuất cấp trên xử lý đối với những việc làm vi phạm đạo đức nghề nghiệp; đồng thời làm tốt công tác thi đua khen thưởng.
Đối với những kiến nghị, đề xuất của Hội Nhà báo tỉnh về việc quan tâm thêm cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động, biên chế, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An đã phân tích, trả lời cụ thể. Tỉnh ủy sẽ trực tiếp nghe lại cụ thể để có điều chỉnh phù hợp cho hoạt động của Hội trong giai đoạn tới tốt hơn.
Đối với Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cũng đề nghị quan tâm thêm đối với công tác, hoạt động của Hội Nhà báo tỉnh Nghệ An; kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người làm báo, cũng như xử lý nghiêm vi phạm.
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu cũng đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam quan tâm, hỗ trợ, cổ vũ, động viên và tiếp tục tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát biểu tại cuộc làm việc, nhà báo Nguyễn Đức Lợi – nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá cao kết quả cuộc làm việc, với các nội dung vừa có tính bao quát, vừa có tác động cụ thể đối với hoạt động Hội Nhà báo tỉnh Nghệ An thời gian tới.
Trao đổi về tình hình hoạt động, đời sống báo chí nói chung, thách thức đặt ra hiện nay, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị Tỉnh ủy Nghệ An tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 43-CT/TW ngày 8/4/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới” trên địa bàn tỉnh.
Nhà báo Nguyễn Đức Lợi đồng thời đề nghị tỉnh quan tâm nghiên cứu, có sự vận dụng một cách linh hoạt trong giải quyết các vấn đề đặt ra như về xây dựng định mức kinh tế – kỹ thuật, tổ chức bộ máy, biên chế… đối với đối tượng có tính đặc thù cao như hoạt động báo chí; cũng như tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh Nghệ An tiếp tục phát triển.