Sáng 4/8, tại TP. Vinh, Thường trực Tỉnh uỷ Nghệ An tổ chức Chương trình gặp mặt, đối thoại giữa Thường trực Tỉnh ủy với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2023.
Đại biểu Trung ương có đồng chí Đặng Hữu Ngọ – Vụ trưởng Vụ Dân vận các cơ quan Nhà nước, Ban Dân vận Trung ương.
Các đồng chí: Thái Thanh Quý – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Chương trình gặp mặt, đối thoại đồng chủ trì.
Dự chương trình có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị – xã hội tỉnh…
Đại biểu cấp huyện, xã có 1.121 đồng chí gồm 93 bí thư, phó bí thư thường trực cấp ủy, chủ tịch HĐND, UBND, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện, thành phố, thị xã và 1.028 đồng chí bí thư đảng ủy, chủ tịch HĐND, UBND 460 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
ĐÁNH GIÁ CAO VAI TRÒ, VỊ TRÍ; CHIA SẺ VẤT VẢ, ÁP LỰC VỚI CÁN BỘ CHỦ CHỐT CẤP XÃ
Phát biểu trước hơn 1.000 lãnh đạo chủ chốt đến từ 460 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, trước hết, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý đánh giá cao vị trí, vai trò đặc biệt, hết sức quan trọng của đội ngũ cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn; đồng thời bày tỏ sự chia sẻ của Thường trực Tỉnh ủy với những vất vả, áp lực mà các đồng chí bí thư đảng ủy, chủ tịch HĐND, UBND cấp xã đã và đang gánh vác.
Cấp xã là mắt xích cuối cùng của bộ máy Nhà nước ta: Trung ương, tỉnh, huyện, xã; là nơi cụ thể hóa, triển khai và thực thi các nhiệm vụ, chủ trương, chính sách của cấp trên; là cầu nối gắn kết giữa Nhà nước với Nhân dân; là cánh tay nối dài của Nhà nước Trung ương.
Trong bối cảnh đó, tỉnh ta là tỉnh có tính đặc thù cao về điều kiện tự nhiên và xã hội: diện tích rộng, dân số đông, biên giới dài, miền núi lớn, địa hình bị chia cắt, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai; đời sống, mức sống, điều kiện sống ở các khu vực khác nhau… Trong khi đó, tỉnh được Trung ương kỳ vọng xây dựng trở thành trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ, xây dựng thành phố Vinh thành trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ trên một số lĩnh vực quan trọng nên các đồng chí cán bộ chủ chốt cấp xã càng áp lực, vất vả.
Bí thư Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh: các đồng chí lãnh đạo chủ chốt cấp xã là những người tiếp xúc thường xuyên, trực tiếp với nhân dân; có điều kiện gần gũi, sâu sát, hiểu dân, nắm tâm tư, nguyện vọng của nhân dân nhất, từ đó tham mưu trở lại đối với chủ trương, chính sách của huyện, tỉnh; là người trực tiếp chịu trách nhiệm giải quyết những vấn đề cụ thể nhất, đa dạng, phức tạp trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương liên quan đến phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
“Mỗi cấp, mỗi ngành ra một chủ trương, ra một chính sách, về dưới các đồng chí bao nhiêu việc phải cụ thể hóa. Quán triệt thế nào, tổ chức thực hiện, làm việc gì trước, việc gì sau? Ai làm, khi nào xong, nguồn lực ở đâu là một bài toán đều phải tính toán, trong khi đó con người có hạn”, người đứng đầu Tỉnh ủy Nghệ An chia sẻ.
Lãnh đạo chủ chốt cấp xã còn là những người trực tiếp chỉ đạo để xây dựng và phát động các phong trào hành động cách mạng của quần chúng ở cơ sở; được nhân dân giám sát hàng ngày.
“Cho nên các đồng chí làm đúng, làm tốt, làm khoa học, bài bản, công tâm thì được nhân dân tín nhiệm và thông qua tín nhiệm, các đồng chí lại bồi đắp thêm niềm tin vào Đảng và Nhà nước; nhưng ngược lại các đồng chí làm chưa tốt, làm không bài bản, làm không công tâm, làm dở thì nhân dân lại thiếu niềm tin vào các đồng chí và thông qua đó lại giảm sút niềm tin đối với Đảng, Nhà nước”, Bí thư Tỉnh ủy nói.
Người đứng đầu Tỉnh ủy Nghệ An cũng ghi nhận trong thời gian qua, cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn của tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong rèn luyện, thực thi công vụ và có đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển của tỉnh; nắm chắc chủ trương, nghị quyết, chính sách và các quyết sách của Trung ương, của tỉnh, của cấp huyện để cụ thể hóa vào thực tiễn, trở thành những sản phẩm, kết tinh thành những giá trị cho quá trình phát triển và ổn định.
Ví dụ, gần đây nhất, Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2025. Sau hơn 5 tháng thì 460 xã đều đã thành lập ban chỉ đạo 3.796 tổ công tác xóm, khối, bản, tổ giúp việc hình thành với 34.847 thành viên tham gia và đến bây giờ phong trào đó rất tốt.
Hay trong quá trình phòng, chống dịch Covid-19, ngoài lực lượng tuyến đầu là y bác sỹ, công an, quân đội…, chính các đồng chí cán bộ ở xã, phường, thị trấn, khối, xóm, bản tham gia rất tích cực, trách nhiệm, hiệu quả với 172.000 lượt cán bộ tham gia chống dịch, trong đó các đồng chí có mặt hôm nay đều là Trưởng, Phó ban Chỉ đạo.
Xây dựng nông thôn mới trong điều kiện rất khó khăn, vùng miền núi diện tích rộng lớn chiếm 80%; điểm xuất phát ở nông thôn thấp, năm 2010, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của tỉnh 12 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo là 18,79%; bình quân tiêu chí nông thôn mới chỉ đạt 3,64 tiêu chí/xã, có 50 xã không đạt tiêu chí nào. Song đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 309/411 xã (75,18%) đạt chuẩn nông thôn mới, 53 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và đạt chuẩn nông thôn mới. Điều đó khẳng định, ngoài sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên, sự vào cuộc của nhân dân thì vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã hết sức quan trọng; nếu các đồng chí không vào cuộc thì không có kết quả đó.
Nhiều đồng chí đã có nhiều đổi mới trong lề lối, tác phong, phương pháp điều hành lãnh đạo ở cơ sở, có nhiều cách làm sáng tạo, nhiều mô hình hay, từ thực tiễn rất sinh động của địa phương.
Nhân diễn đàn này, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý đánh giá rất cao nỗ lực rèn luyện, đào tạo của lãnh đạo chủ chốt cấp xã, khi có 409 bí thư, 437 chủ tịch HĐND, 420 chủ tịch UBND trình độ đại học; 42 bí thư, 18 chủ tịch HĐND, 36 chủ tịch UBND trình độ trên đại học; 73 bí thư, 29 chủ tịch HĐND, 68 chủ tịch UBND có trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân. Nhiều đồng chí cán bộ cấp xã được tổ chức tín nhiệm, trưởng thành và giữ cương vị quan trọng ở cấp huyện.
“Thay mặt Thường trực Tỉnh ủy, tôi đánh giá, ghi nhận rất cao sự nỗ lực, đóng góp rất lớn của các đồng chí cho sự phát triển của tỉnh trong thời gian vừa qua”, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu.
NỖ LỰC, CỐ GẮNG CÙNG TỈNH ĐỂ NẮM BẮT CƠ HỘI PHÁT TRIỂN
Trò chuyện với lãnh đạo chủ chốt cấp xã trong toàn tỉnh, người đứng đầu Tỉnh ủy Nghệ An cho biết: Tỉnh ta đang ở vào thời điểm mà theo nhiều chuyên gia đánh giá là rất thuận lợi, có ý nghĩa để có cơ hội vượt lên. Theo đó, Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 39 ngày 18/7/2023 về xây dựng, phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 – đây là cơ sở chính trị đặc biệt quan trọng để cụ thể hóa bằng các cơ chế, chính sách để thực hiện được mục tiêu đặt ra.
Dự thảo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã hoàn thiện, trình Thủ tướng phê duyệt – đây là cơ sở pháp lý quan trọng, định hướng thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Thời điểm này, tỉnh ta đã đạt được một số kết quả toàn diện và tương đối vững chắc về quy mô kinh tế, tốc độ tăng trưởng, thu ngân sách và những điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới, văn hóa, y tế, giáo dục; quốc phòng, an ninh đảm bảo.
Không khí đoàn kết, thống nhất cơ bản thực chất, vì từ sự đoàn kết, thống nhất đó đã tạo sự đồng thuận, trở thành sản phẩm là các quyết sách, quyết tâm chính trị của tỉnh để giải quyết các điểm nghẽn, các vấn đề ách yếu trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh, chứ không phải là đoàn kết xuôi chiều.
Cùng với đó, đồng thuận xã hội tương đối tốt, đoàn kết trong nhân dân được phát huy, nhiều chủ trương, chính sách lớn của tỉnh tạo được đồng thuận trong xã hội.
“Đó là những việc rất thuận lợi cho chúng ta bứt phá vươn lên. Thường trực Tỉnh ủy đặt rất nhiều kỳ vọng vào các đồng chí cán bộ chủ chốt cấp xã; rất mong các đồng chí nỗ lực, cố gắng, vượt lên, cùng với tỉnh để chúng ta vận dụng tốt, tranh thủ tốt, phát huy tốt thời điểm thuận lợi này để bứt tốc đi lên”, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý chia sẻ.
Muốn vậy, thay mặt Thường trực Tỉnh ủy, đồng chí Thái Thanh Quý đề nghị các lãnh đạo chủ chốt cấp xã quan tâm, tập trung cao độ để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã xác định của nghị quyết đại hội Đảng các cấp; nhất là trong bối cảnh gặp khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, biến đổi thị trường bởi tác động của cạnh tranh chiến lược như hiện nay.
Nhưng trong cái khó phải ló cái khôn, phải càng đoàn kết, thống nhất, quyết tâm chính trị cao hơn, kiên trì, linh động, sáng tạo hơn để thực hiện được các mục tiêu nhiệm kỳ đã xác định.
Đồng thời, từ bây giờ đến năm 2024, thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn II, dự kiến 88 đơn vị cấp xã sẽ thực hiện sáp nhập, số lượng cán bộ dôi dư khoảng trên 1.600 người, nên cần xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch sát, đi liền với sắp xếp đội ngũ cán bộ hợp lý, đảm bảo tư tưởng; cơ sở, vật chất được xử lý đồng bộ. Khi sắp xếp xong, bộ máy phải hoạt động đều, có hiệu quả; tránh rơi vào mất đoàn kết, không thống nhất, trì trệ.
Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các đồng chí lãnh đạo chủ chốt cấp xã bổ sung nhận thức mới về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của tỉnh đến năm 2030 và những năm tiếp theo mà Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra; dự thảo quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định, để cùng tỉnh thực hiện.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Nghệ An là tỉnh khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Nghệ; là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, y tế, giáo dục, khoa học, công nghệ, logistic. Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đến năm 2030 cố gắng hoàn thành cảng biển nước sâu, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Vinh.
Còn mục tiêu đến năm 2045, Nghệ An là tỉnh phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, văn minh và hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Nghệ; là một trong những động lực phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ.
Tỉnh thống nhất 3 quan điểm phát triển là: phát triển nhanh, đột phá nhưng không đánh đổi bằng mọi giá; tập trung phát triển nhanh ở miền Đông để kéo miền Tây, phát triển phía Đông là động lực, phía Tây là bền vững. Lãnh đạo có trọng tâm, trọng điểm, chủ động, quyết liệt, phát huy mạnh mẽ sức dân.
Về động lực, không gian phát triển, tỉnh xác định 2 khu vực động lực tăng trưởng là Thành phố Vinh mở rộng và Khu Kinh tế Đông Nam mở rộng; 4 hành lang kinh tế là: hành lang kinh tế ven biển phía Đông; hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh, hành lang kinh tế Quốc lộ 7, hành lang kinh tế Quốc lộ 48A; 6 trung tâm đô thị là: Thành phố Vinh mở rộng, Thành phố Hoàng Mai (phát triển gắn với Quỳnh Lưu), Thành phố Thái Hòa (phát triển gắn với Nghĩa Đàn), Thị xã Diễn Châu, Thị xã Đô Lương, Đô thị sinh thái Con Cuông.
Cùng với đó, hơn 1.000 cán bộ chủ chốt của 460 xã, phường, thị trấn cần nêu cao tinh thần quyết tâm đổi mới, tiếp tục hoàn thiện năng lực, kỹ năng, phương pháp, lề lối, tác phong lãnh đạo, quản lý; cũng như năng lực dự báo, dự đoán, phân tích và nắm bắt các vấn đề nhạy cảm, phát sinh từ cơ sở để chủ động tham mưu xử lý vấn đề thuộc thẩm quyền, hoặc kịp thời báo cáo, tranh thủ sự lãnh đạo của cấp trên.
Đồng thời, bám sát thực tiễn để phát hiện ra những mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo; từ đó tham mưu nhân rộng trên địa bàn cấp xã, cấp huyện; kịp thời góp ý những chủ trương, quyết sách của Trung ương, tỉnh, huyện không phù hợp, không hợp lý để điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn trong quá trình hoạt động; tăng cường vận động, đối thoại với nhân dân thực tâm, thực chất; lựa chọn vấn đề đối thoại càng sớm thì càng giải quyết nhanh vấn đề; gắn với đó là tuyên truyền, vận động nhân dân.
Bí thư Tỉnh ủy cũng lưu ý, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt cấp xã trên địa bàn tỉnh cần giữ vững nguyên tắc và đề cao trách nhiệm nêu gương; cố gắng phát huy tối đa để phát huy nguồn lực, đồng thời năng động sáng tạo, khơi gợi, phát huy được sức dân đóng góp vào quá trình phát triển.
Người đứng đầu Tỉnh ủy cũng cho biết, tới đây, Thường trực Tỉnh ủy sẽ đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghiên cứu, xem xét đưa cán bộ trẻ được đào tạo bài bản mới về công tác tại các sở, ngành cấp tỉnh về công tác tại xã trong thời gian nhất định, để vừa rèn luyện, thử thách, vừa đóng góp thêm cho xã và sau khi trở lại sở, ngành công tác thì tham mưu cho tỉnh sát, phù hợp với thực tiễn hơn.
Trước khi kết thúc bài nói chuyện tâm huyết với cán bộ chủ chốt cấp xã, thay mặt Thường trực Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý một lần nữa đặt kỳ vọng, tin tưởng rất lớn đến đội ngũ bí thư đảng ủy, chủ tịch HĐND, UBND cấp xã; và mong muốn sau Chương trình gặp mặt, đối thoại sẽ có quyết tâm mới, nghị lực mới để cùng thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, nhất là nắm bắt tốt thời cơ, cơ hội phát triển tỉnh nhà.