Đồng chí Thái Thanh Quý – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh chủ trì cuộc làm việc.
Dự cuộc làm việc có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban; Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Lê Đức Cường – Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; Nguyễn Thị Thu Hường – Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Phan Đức Đồng – Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Vinh.
Cùng dự có đồng chí Nguyễn Văn Đệ – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Sở Nội vụ và các đồng chí lãnh đạo các huyện, thành, thị, Báo Nghệ An, Đài PTTH Nghệ An.
DỰ KIẾN SẮP XẾP 94 ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP XÃ
Theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 – 2025, sẽ có 94 đơn vị hành chính cấp xã phải sắp xếp (67 đơn vị thuộc diện bắt buộc và 27 đơn vị liền kề) thành 45 đơn vị (trong đó, 44 đơn vị thành lập mới và 1 đơn vị hành chính điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và dân số) sau sắp xếp toàn tỉnh giảm 49 đơn vị hành chính.
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo Sở Nội vụ – cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo tỉnh đã báo cáo kết quả thực hiện công tác sắp xếp đơn vị hành chính đến thời điểm hiện tại; các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất và các nhiệm vụ trong thời gian tới.
Lãnh đạo một số địa phương như: Thành phố Vinh, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Tân Kỳ, Yên Thành, Nghi Lộc… đã báo cáo tình hình thực hiện trên địa bàn, nhất là về căn cứ xây dựng phương án sắp xếp; tên gọi đơn vị hành chính mới sau sắp xếp; phương án xử lý tài sản công, sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư;… đồng thời, kiến nghị một số nội dung liên quan đến công tác tổ chức thực hiện như: Về sắp xếp tổ chức, bộ máy của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội; chính sách về cán bộ;…
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu đề nghị, về xác định tên gọi, bố trí cán bộ, sắp xếp cơ sở hành chính sau sáp nhập cần đưa ra nguyên tắc, tiêu chí chặt chẽ, song song với đó tập trung chỉ đạo sâu sát, cụ thể.
Đồng chí Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho rằng, các địa phương cần chủ động rà soát lại các quy trình, thủ tục đảm bảo đúng theo quy định. Riêng về đặt tên đơn vị hành chính mới cần tiếp cận dưới góc độ khoa học, xác định yếu tố văn hóa, truyền thống, lịch sử của các đơn vị liên quan; đồng thời, công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục phải hết sức thận trọng, bài bản.
TẬP TRUNG HUY ĐỘNG CẢ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ VÀO CUỘC
Kết luận cuộc làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý – Trưởng ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh chia sẻ những áp lực đối với các địa phương trong quá trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính vì đây là việc khó, trong khi tiến độ yêu cầu nhanh.
Đánh giá lại kết quả thời gian qua, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An nhìn nhận, các huyện, thành, thị đã tích cực chỉ đạo, triển khai; một số đơn vị thực hiện khá tốt, bài bản; tuy nhiên, ở một vài địa phương bước đầu xuất hiện một số vấn đề cần phải tập trung quan tâm chỉ đạo.
Sắp xếp đơn vị hành chính là chủ trương lớn, rất quan trọng của Đảng Nhà nước ta, những kết quả triển khai vừa qua mới chỉ là bước đầu, phía trước còn một chặng rất dài, với nhiều nhiệm vụ quan trọng phải thực hiện, do đó, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý đề nghị cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các huyện, thành, thị tập trung cao độ, đưa cả hệ thống chính trị vào cuộc thực chất, gắn trách nhiệm của các đồng chí ủy viên ban thường vụ cấp ủy là thành viên ban chỉ đạo và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã.
Người đứng đầu Tỉnh ủy Nghệ An đồng tình với ý kiến, các địa phương cần rà soát lại quy trình, thủ tục, phương pháp, cách làm, bảo đảm chặt chẽ, khoa học, logic, thuyết phục, nắm chắc tình hình ở cơ sở để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời.
Về vấn đề đặt tên cho đơn vị hành chính mới, cần bám sát hướng dẫn của cấp trên, đồng thời, tính đến đặc điểm lịch sử, truyền thống, văn hóa, địa danh để có phương án phù hợp, tránh máy móc.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý cũng yêu cầu tập trung ứng dụng công nghệ thông tin để tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính do sắp xếp đơn vị hành chính. Tập trung thực hiện công tác tuyên truyền để cán bộ và các tầng lớp nhân dân hiểu và đồng thuận, ủng hộ cao nhất chủ trương lớn, rất quan trọng của Đảng, Nhà nước.
Đối với các địa phương có đơn vị hành chính nông thôn sắp xếp với đơn vị hành chính đô thị, sau sắp xếp chất lượng đô thị chưa cao, một số đơn vị thuộc diện sắp xếp nhưng đề nghị không thực hiện do yếu tố đặc thù cần chuẩn bị đầy đủ các căn cứ, luận cứ giải trình thuyết phục khi thẩm định đề án.
Với tinh thần đó, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo tỉnh yêu cầu các địa phương bám sát các mốc thời gian trong kế hoạch, tập trung cao độ để hoàn thành các bước theo quy định.
Cụ thể, tổ chức lấy ý kiến cử tri đối với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trước ngày 10/5/2024. HĐND cấp xã thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã hoàn thành trước ngày 20/5/2024. HĐND cấp huyện thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã hoàn thành trước ngày 30/5/2024. HĐND tỉnh thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, hoàn thành trước ngày 10/6/2024. Trên cơ sở đó, tiến tới hoàn thiện Đề án trình Chính phủ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 – 2025 trước ngày 15/6/2024.
Về các đề xuất tại cuộc làm việc, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính nghiên cứu tham mưu hướng dẫn định mức chi phục vụ quá trình sắp xếp đơn vị hành chính. Ban Tổ chức Tỉnh ủy phối hợp Sở Nội vụ tham mưu cụ thể hóa hướng dẫn về công tác sắp xếp, bố trí cán bộ sau sắp xếp đơn vị hành chính…