Điều kiện đặc thù khó thực hiện
Xã Diễn Bích là địa phương vùng bãi ngang của huyện Diễn Châu, khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, có xuất phát điểm thấp, người dân tại đây vốn bươn chải với cuộc sống đói nghèo, 98% dân số sống bằng nghề đánh bắt hải sản, hậu cần nghề cá và làm muối, việc huy động sức dân xây dựng nông thôn mới còn hạn chế. Vượt qua nhiều khó khăn, đến năm 2022, xã Diễn Bích mới được đạt chuẩn nông thôn mới, nằm ở nhóm cuối của huyện Diễn Châu.
Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, xã Diễn Bích bắt tay vào công cuộc xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Mặc dù vậy, trong 19 tiêu chí nâng cao có một số tiêu chí địa phương rất trăn trở vì khó để thực hiện, nổi bật là tiêu chí giao thông và thu nhập của người dân.
Đặc thù là xã bãi ngang, đất chật người đông, về xã Diễn Bích hiện nay, không khó để nhận thấy sự chật hẹp tại các tuyến đường giao thông nội xóm, liên xóm, có những tuyến xe máy tránh nhau còn khó, chưa kể đến ô tô.
Do đó, vào những giờ tan tầm như học sinh đi học về hay giờ tàu cá cập cảng vẫn có sự ùn tắc cục bộ. Đối với tiêu chí về giao thông, khi yêu cầu đường xã, xóm được bảo trì hàng năm, đảm bảo sáng – xanh – sạch – đẹp và có các hạng mục cần thiết như biển báo, biển chỉ dẫn, chiếu sáng, gờ giảm tốc, cây xanh… nhằm đi lại thuận tiện, an toàn rất khó thực hiện, chưa kể chi phí đầu tư cho giao thông không hề thấp.
Ông Nguyễn Văn Năm – Xóm trưởng xóm Hải Nam, xã Diễn Bích cho biết: Xóm Hải Nam dù diện tích nhỏ nhưng lại có đến 420 hộ dân, gần 2.000 nhân khẩu, đất chật, người đông từ bao đời nay rồi, nên đường sá chật hẹp cũng là điều khó tránh khỏi. Hàng năm, khi có nguồn xi măng, xóm luôn chủ động nâng cấp đường, còn vấn đề hiến đất, mở đường rộng rãi, đảm bảo an toàn lưu thông rất khó thực hiện vì quỹ đất eo hẹp.
Ông Nguyễn Văn Liên – Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Bích cho biết: Với đặc thù về vị trí cũng như điều kiện tự nhiên, lịch sử để lại thì khi xây dựng nông thôn mới nâng cao, tiêu chí giao thông được xã xác định là khó khăn nhất.
Bên cạnh đó, đối với tiêu chí thu nhập của người dân, do những năm qua nghề biển khó khăn, sản lượng đánh bắt sụt giảm, nên việc duy trì thu nhập cho bà con cũng nan giải. Do đó, để về đích được nông thôn mới nâng cao sẽ còn nhiều gian nan hơn nữa, chính quyền và nhân dân sẽ phải tiếp tục đồng lòng, nỗ lực vượt qua.
Không chỉ xã Diễn Bích mà các xã vùng bãi ngang khác trên địa bàn tỉnh như: Diễn Vạn, Diễn Kim, Diễn Hải thuộc huyện Diễn Châu; Nghi Thiết, Nghi Tiến, Nghi Yên, Nghi Quang thuộc huyện Nghi Lộc cũng gặp khó ở tiêu chí này.
Ông Bùi Văn Thành – Chủ tịch UBND xã Nghi Thiết cho biết: Địa phương về đích nông thôn mới năm 2020, hiện nay đang tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao và tiêu chí giao thông cũng được xem là khó khăn nhất do điều kiện tự nhiên cũng như nguồn lực đầu tư cho giao thông còn hạn chế. Hiện xã đặt mục tiêu sẽ về đích nông thôn mới nâng cao cuối năm 2024, nếu không thực hiện được sẽ phải chuyển sang năm 2025.
Bên cạnh giao thông thì một số tiêu chí khác về: “Thủy lợi và phòng, chống thiên tai” hay “Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn” cũng khó khăn với các địa phương vùng đặc thù.
Đơn cử như tại tiêu chí số 3 về “Thủy lợi và phòng, chống thiên tai” có yêu cầu “Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động” đạt trên 90%. Mặc dù vậy, đối với các xã vùng màu, chủ yếu các cây trồng cạn như: Lạc, ngô, vừng… thì hệ thống tưới rất khó thực hiện, phần vì những cây trồng này không phải là loại cây ưa nước, phần vì nguồn nước cung ứng đảm bảo tưới rất thấp, thường xuyên khô hạn, xâm nhập mặn, đặc biệt là trong mùa hè.
Đơn cử như tại xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, toàn xã có 662 ha đất sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do đặc thù là một xã vùng màu nên xã Nghi Phong không có hệ thống tưới chủ động, do đó, tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới chủ động là 0%. Các xã vùng màu khác tại huyện Nghi Lộc như Nghi Thạch, Nghi Thịnh, Nghi Long… cũng gặp khó ở tiêu chí này.
Ông Trần Nguyên Hoà – Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Nghi Lộc cho biết: Năm 2021, Nghi Lộc có quyết định huyện đạt chuẩn nông thôn mới, hiện nay các xã đang dồn lực xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đến nay, huyện có 4/28 xã đạt nông thôn mới nâng cao, năm 2023 sẽ phấn đấu có thêm từ 6 – 7 xã về đích nông thôn mới nâng cao.
Mặc dù vậy, theo khảo sát, đánh giá vẫn còn một số tiêu chí các xã trên địa bàn gặp khó khăn khi thực hiện như tiêu chí số 18 về Chất lượng môi trường sống (tỷ lệ nước sạch tập trung); tiêu chí số 3 về Thuỷ lợi và phòng chống thiên tai và tiêu chí số 13 về Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn…
Cần nỗ lực thích ứng
Với điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý không thuận lợi trong thực hiện các tiêu chí trong nông thôn mới nâng cao, một số địa phương đã chủ động thích ứng, tìm giải pháp để có thể đạt được tiêu chí, từng bước về đích.
Trong tiêu chí số 13 Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn có những yêu cầu về sản phẩm chủ lực tại địa phương như: Ứng dụng chuyển đổi số để thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực; Tỷ lệ sản phẩm chủ lực được bán qua kênh thương mại điện tử… Một số xã không có sản phẩm chủ lực cũng đã tự tìm sản phẩm cho riêng mình.
Tại xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc, đặc thù là vùng đất cằn cỗi, diện tích đất lúa chỉ 110ha, còn lại là đất màu, mỗi cây trồng một ít như lạc, ngô, vừng… Các sản phẩm này chủ yếu tự cung, tự cấp, không phải hàng hóa, không đạt yêu cầu sản phẩm chủ lực, do đó, tiêu chí số 13 sẽ khó thực hiện. Trước tình thế đó, địa phương đã vận động người dân tìm hiểu, nghiên cứu trồng cây dưa lưới, nho trên địa bàn.
Với sự hỗ trợ của huyện, chính quyền địa phương cùng nỗ lực của người dân, những mô hình dưa lưới và nho đã sinh trưởng và phát triển tốt từ năm 2020 đến nay, mỗi năm cho 3 vụ thu hoạch, mang lại nguồn thu nhập đảm bảo. Khi thực hiện nông thôn mới nâng cao, sản phẩm dưa lưới cũng đã được chọn lựa là sản phẩm chủ lực khi đã đạt các điều kiện về truy xuất nguồn gốc, bán hàng qua kênh thương mại điện tử và ngày càng được nhân rộng trên địa bàn.
Đối với các tiêu chí về giao thông, tại các xã bãi ngang, ven biển gặp nhiều khó khăn, các xã hiện cũng đang cân đối, tính toán các nguồn lực để nâng cấp hạ tầng giao thông, đồng thời đầu tư có giai đoạn, lộ trình và đăng ký thời gian về đích phù hợp với tiềm lực của xã, không nóng vội đăng ký về đích sớm khi địa phương gặp các tiêu chí khó.
Qua trao đổi, ông Nguyễn Văn Hằng – Phó Chánh Văn phòng Điều phối chương trình nông thôn mới tỉnh cho biết: Thực tế sau khi về đích nông thôn mới, một số địa phương trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn trong thực hiện tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Do đó, các xã cần chủ động nguồn lực, kết hợp với sự hỗ trợ của tỉnh, huyện để cân đối đầu tư, có định hướng thực hiện tiêu chí. Đối với các tiêu chí khó, quan điểm của Hội đồng thẩm định là sẽ xem xét cụ thể tại từng địa phương, có thể tạo điều kiện, tuy nhiên xã đó phải có cam kết hoàn thành trong tương lai gần, trình bày lộ trình, thời gian cụ thể hoàn thành tiêu chí mới được hội đồng thẩm định xem xét chấp thuận.
Đến nay, toàn tỉnh Nghệ An đã có 309/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 53 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 6 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, 7 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của HĐND tỉnh đã đề ra chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới đến năm 2025 có 82% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó, có 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu) và 11 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng, đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó, có 1 huyện đạt nông thôn mới kiểu mẫu).