Sáng 23/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị, địa phương về phương án bảo đảm cung ứng đủ điện; kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tham dự cuộc họp. Tại điểm cầu tỉnh Nghệ An, đồng chí Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
CUNG CẤP ĐIỆN NĂM 2024 CƠ BẢN ĐƯỢC ĐẢM BẢO
Bộ Công Thương cho biết, tình hình cung ứng điện 5 tháng đầu năm 2024, sản lượng điện lũy kế ước thực tế 5 tháng đầu năm 2024 khoảng 124,1 tỷ kW giờ, tăng 12,1% so với cùng kỳ.
Cuối tháng 4, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài ở cả 3 miền đã làm cho việc tiêu thụ điện toàn quốc tăng cao kỷ lục (công suất cực đại toàn quốc đạt tới 47.670MW, tăng 13,2%, sản lượng trong ngày đạt 987,39 triệu kW giờ cao hơn 6,87% so với cùng kỳ năm 2023).
Trong bối cảnh diễn biến thủy văn các tháng đầu năm không thuận lợi, để tiết kiệm tối đa nước hồ thủy điện, nguồn nhiệt điện, đặc biệt là nhiệt điện than khu vực miền Bắc đã được huy động cao để đáp ứng nhu cầu phụ tải điện tăng cao.
Kết hợp giải pháp tăng cường truyền tải điện từ miền Nam, miền Trung hỗ trợ cho miền Bắc, cung ứng điện toàn hệ thống trong các tháng đầu năm 2024 đã được thực hiện tốt, bảo đảm đủ nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt của cả nước.
Về tình hình cung ứng điện trong các tháng còn lại của năm 2024, về cân đối sản lượng điện, với định hướng sử dụng tiết kiệm nước các hồ thủy điện ngay từ cuối năm 2023 và quý I/2024, tổng lượng nước hiện có trong các hồ thủy điện tại thời điểm báo cáo quy đổi ra sản lượng điện là khoảng 11,3 tỷ kW giờ. Đây là nguồn dự phòng về điện năng cho thời gian cao điểm sắp tới.
Cùng với việc chủ động trong chuẩn bị cung ứng nhiên liệu cho sản xuất điện, đặc biệt là nhiên liệu than đã được các đơn vị thực hiện tốt, hệ thống điện quốc gia về cơ bản sẽ đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế – xã hội và nhu cầu của nhân dân trong hầu hết thời gian trong năm 2024.
Với các giải pháp nêu trên, Bộ Công Thương khẳng định, việc cung cấp điện năm 2024 cơ bản được bảo đảm. Đối với các năm tiếp theo, sau khi đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối đi vào vận hành, hệ thống điện miền Bắc sẽ được bổ sung tăng cường công suất/điện năng từ miền Trung và miền Nam.
Về kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đã đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát Quy hoạch tỉnh để phù hợp với quy hoạch ngành Quốc gia; khẩn trương lựa chọn các chủ đầu tư để triển khai các dự án điện lớn.
DỨT KHOÁT KHÔNG ĐỂ THIẾU ĐIỆN
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, tình hình sản xuất, kinh doanh và phục hồi kinh tế của đất nước đang tiến triển tích cực, đi đôi với đó là nhu cầu nguyên, nhiên liệu, vật liệu trong đó có điện năng.
Chúng ta dự báo cả năm sản lượng điện tăng chỉ 9%, nhưng mấy tháng vừa qua tăng 13%, có lúc cao điểm miền Bắc tăng 17% so cùng kỳ, đó là dự báo chưa sát tình hình, thấp hơn diễn biến thực tế, cần rút kinh nghiệm và làm tốt hơn thời gian tới.
Rút kinh nghiệm từ năm 2023, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, dứt khoát không để thiếu điện trong năm 2024 và các năm tiếp theo; cần phải chuẩn bị các phương án, không để bị động, bất ngờ. Phải thông báo lại thông tin không chính xác về nhu cầu điện, phải thông tin lại về khả năng đáp ứng điện để doanh nghiệp, người dân yên tâm.
Bên cạnh đó, phải điều phối thật tốt các nguồn điện, xử lý linh hoạt, kịp thời, hiệu quả các vấn đề phát sinh. Nguồn điện phải đa dạng và chuẩn bị các khả năng để mua, nhập khẩu điện, nhưng trước hết phải tận dụng tối đa khả năng trong nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu tăng cường khai thác tối đa than trong nước, hạn chế tối đa nhập khẩu. Kiểm soát tốt, chống tiêu cực, ngăn chặn, đẩy lùi nhập khẩu, khai thác lậu than.
Mặt khác, rút kinh nghiệm của năm 2023, trong năm 2024 phải điều phối nguồn nước hợp lý hơn, tránh lãng phí nước, khai thác tối đa lợi thế của thuỷ điện. Ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện khí, điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.
Về truyền tải điện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu xây dựng chính sách mua, bán điện trực tiếp; tự sản tự tiêu; hoàn thành các đường dây tải điện 500kV và 200kV; khuyến khích tư nhân đầu tư vào tải điện với quan điểm: Lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ. Phân phối phù hợp, hiệu quả; tăng cường sử dụng tiết kiệm điện, trong đó giải pháp quan trọng là công tác tuyên truyền. Khuyến khích huy động nguồn lực của xã hội, giá điện phải hợp lý với khả năng chi trả của người dân, phù hợp với nền kinh tế của nước ta.