Sáng 22/12, Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.
Tại điểm cầu tỉnh Nghệ An, đồng chí Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan.
CÔNG NGHIỆP VĂN HOÁ ĐANG TRỞ THÀNH XU HƯỚNG QUAN TRỌNG
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, đây là hội nghị đầu tiên, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Công nghiệp văn hóa là các ngành công nghiệp sản xuất ra các sản phẩm mang tính nghệ thuật và sáng tạo, có bản chất vật thể hoặc phi vật thể; thông qua khai thác những giá trị văn hóa cùng những sản phẩm và dịch vụ có tính trí tuệ, có ý nghĩa xã hội và văn hoá để thu về những nguồn lợi kinh tế.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa. Các ngành công nghiệp văn hóa dần trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, so với một số ngành khác, các ngành công nghiệp văn hóa vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế.
Báo cáo kết quả triển khai, thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước.
Qua số liệu ước tính, giá trị tăng thêm của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào nền kinh tế năm 2018 ước đạt 5,82%; năm 2019 ước đạt 6,02%; năm 2020 ước đạt 4,32%, năm 2021 ước đạt 3,92% và năm 2022 ước đạt 4,04%.
Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018-2022 đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng. Trong 5 năm qua, bình quân tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa đạt 7,21%/năm.
Nhận thức của toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công nghiệp văn hóa từng bước được nâng cao. Một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã đầu tư, nắm bắt cơ hội, triển khai hình thành các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hoá để kinh doanh, phát triển, mang lại những lợi ích nhất định về kinh tế, văn hóa, xã hội.
Xu hướng phát triển của các sản phẩm và dịch vụ trong các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam phải đáp ứng được các yếu tố sáng tạo, có bản sắc riêng, mang tính độc đáo và đáp ứng khả năng cạnh tranh ở thị trường trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, thể chế về quản lý nhà nước về công nghiệp văn hoá chưa đầy đủ; thiếu các cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp về thu hút nguồn vốn, phát triển nguồn lực để hỗ trợ, thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển toàn diện trên cả nước nói chung và ở từng địa phương nói riêng.
Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư còn dàn trải, chưa tập trung phát triển một số lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm có lợi thế, tiềm năng. Nội dung, hình thức sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa chưa tập trung khai thác các giá trị truyền thống, văn hoá bản địa để tạo sự độc đáo, riêng có, qua đó tôn vinh các giá trị văn hóa Việt Nam…
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá, phân tích, thảo luận những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa thời gian qua, nhận diện thời cơ, thách thức của công nghiệp văn hóa Việt Nam trong thời gian tới và đề xuất những giải pháp cụ thể về cơ chế, chính sách, quy hoạch, thị trường, khoa học công nghệ, huy động, thu hút nguồn lực hợp tác công tư, nguồn nhân lực…
XÂY DỰNG THỂ CHẾ, CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐỦ MẠNH CHO CÔNG NGHIỆP VĂN HOÁ PHÁT TRIỂN
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sau hội nghị này, cần phải thay đổi nhận thức, tư duy, hành động, cách tổ chức thực hiện để đưa các ngành công nghiệp văn hoá ngày càng phát huy hiệu quả, đáp ứng sự quan tâm của Đảng, Nhà nước.
Thủ tướng cho rằng, những kết quả phát triển các ngành công nghiệp văn hoá trong thời gian qua là đáng trân trọng. Song nhìn nhận thẳng thắn, công nghiệp văn hoá phát triển chưa tương xứng tiềm năng, thế mạnh của đất nước.
Chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, đơn vị, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, thể chế, cơ chế chính sách còn chưa theo kịp thực tiễn; quản lý nhà nước còn nhiều bất cập; nguồn lực đầu tư chưa tương xứng, còn dàn trải, huy động các nguồn lực chưa đạt yêu cầu; nội dung, hình thức trong sản phẩm công nghiệp văn hoá còn hạn chế, chưa có nhiều tác phẩm lớn…
Về phương hướng phát triển công nghiệp văn hoá trong thời gian tới, Thủ tướng cho biết, tiềm năng của phát triển công nghiệp văn hoá là đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, văn hoá nghệ thuật lành mạnh, bản sắc dân tộc, phù hợp xu thế thời đại, xu thế tiến bộ thế giới là không gian phát triển không có giới hạn.
Việt Nam là nước có truyền thống lịch sử văn hoá hào hùng, lâu đời, đa dạng, có bản sắc riêng, thiên nhiên hùng vĩ, người dân hiền hoà, mến khách, cần cù, linh hoạt, sáng tạo; nguồn nhân lực trẻ; vị trí địa lý thuận lợi, giao thông tương đối đồng bộ; hệ thống chính trị ổn định, an ninh được giữ vững, kinh tế – xã hội ngày càng phát triển.
Nhấn mạnh các quan điểm phát triển công nghiệp văn hoá, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần quan trọng xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; được tiếp cận bình đẳng như các công nghiệp khác; phát triển có trọng tâm, trọng điểm theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, năng động, sáng tạo, cạnh tranh cao, đa dạng sản phẩm, chuỗi cung ứng và thị trường.
Mặt khác, phát triển công nghiệp văn hoá phải gắn liền với quảng bá, lan toả hình ảnh, đất nước con người Việt Nam, gắn với phát triển du lịch; có các sản phẩm dịch vụ phải đáp ứng các yếu tố sáng tạo, bản sắc, độc đáo, chuyên nghiệp, lành mạnh, cạnh tranh, bền vững; triển khai các giải pháp phải đồng bộ, quyết liệt, kiên trì, có trọng tâm, trọng điểm, đột phá, chuyển hoá tài nguyên và tiềm năng thành sản phẩm, dịch vụ văn hoá có khả năng cạnh tranh cao.
Thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương và các chủ thể khác cần phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực hơn nữa; chủ động tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, khuyến khích mọi sự tìm tòi, sáng tạo, chú trọng ngành có nhiều tiềm năng, lợi thế. Mặt khác, tập trung cắt giảm thủ tục hành chính; tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế, chính sách có tính ưu đãi; tăng cường quản lý nhà nước nhiều hơn; tiếp cận phù hợp, bình đẳng các chính sách.
Cộng đồng doanh nghiệp cần phát huy tính năng động, sáng tạo, đẩy mạnh kết nối hợp tác cùng phát triển, đổi mới mô hình kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số. Chủ động nâng cao năng lực quản trị, chất lượng sản phẩm dịch vụ, đề cao ý thức trách nhiệm với xã hội, cộng đồng, bảo tồn phát huy bản sắc dân tộc.