Cảng cạn Nghi Lộc (huyện Nghi Lộc) với diện tích quy hoạch 10 – 15 ha trong giai đoạn đến năm 2030, có năng lực thông qua đạt 100.000 – 150.000 TEU/năm và giai đoạn đến năm 2050, dự kiến được mở rộng lên 40 ha sẽ kết nối với hệ thống đường bộ như Quốc lộ 1A và các cảng biển Cửa Lò, Vũng Áng.
Cảng cạn Thanh Thủy (huyện Thanh Chương) có diện tích quy hoạch, định hướng đến năm 2050 có diện tích khoảng 20 ha; đây là cảng cạn được định hướng kết nối với đường bộ cao tốc Hà Nội – Viêng Chăn có hướng tuyến đi qua cửa khẩu Thanh Thủy sẽ hình thành trong tương lai, cũng như kết nối với các cảng biển Cửa Lò, Vũng Áng.
Hai cảng cạn tại Nghệ An, cùng với cảng cạn Cầu Treo, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) và cảng cạn Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) tạo nên hệ thống cảng cạn của Hành lang vận tải Quốc lộ 8 có phạm vi quy hoạch thuộc hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh với tổng diện tích quy hoạch đến năm 2030 từ 20 – 25 ha. Năng lực thông qua cảng cạn trên hành lang này đến năm 2030 khoảng 200.000 – 250.000 TEU/năm.
Cảng cạn là một bộ phận thuộc kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, là đầu mối tổ chức vận tải gắn liền với hoạt động của cảng biển, cảng hàng không, cảng thủy nội địa, ga đường sắt, cửa khẩu đường bộ.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: phát triển cảng cạn phải phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển, các quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông, đồng thời đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của các vùng và địa phương.
Phát triển hệ thống cảng cạn để tối ưu hóa vận tải hàng hóa xuất, nhập khẩu của từng khu vực và các hành lang kinh tế; kết hợp vừa phát triển cảng cạn gần cảng biển để hỗ trợ trực tiếp, vừa phát triển cảng cạn xa cảng biển gắn liền với các trung tâm phân phối tiêu thụ hàng hóa, các cửa khẩu đường bộ, đường sắt để tổ chức tốt mạng lưới vận tải, thúc đẩy vận tải đa phương thức, giảm chi phí dịch vụ vận tải và logistics.
Quy hoạch được xây dựng trên quan điểm ưu tiên hình thành và phát triển các cảng cạn gắn với phương thức vận tải khối lượng lớn (đường thủy nội địa, đường sắt); các cảng cạn gắn với khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm logistics và các cửa khẩu đường bộ, đường sắt quốc tế có nhu cầu vận tải với khối lượng lớn.
Theo quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, nước ta phát triển hệ thống cảng cạn có khả năng thông qua khoảng từ 25% đến 35% nhu cầu hàng hóa vận tải container xuất nhập khẩu theo các hành lang vận tải. Hình thành các cảng cạn, cụm cảng cạn với tổng công suất khoảng từ 11,9 triệu TEU/năm đến 17,1 triệu TEU/năm.
Trong đó, khu vực phía Bắc gồm các cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng từ 4,29 triệu TEU/năm đến 6,2 triệu Teu/năm; khu vực miền Trung – Tây Nguyên có các cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng từ 0,9 triệu TEU/năm đến 1,4 triệu TEU/năm; khu vực phía Nam có các cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng từ 6,8 triệu TEU/năm đến 9,5 triệu Teu/năm.
Định hướng đến năm 2050, sẽ phát triển hệ thống cảng cạn trở thành các đầu mối tổ chức vận tải, trung chuyển, phân phối hàng hóa, kết hợp với cung cấp các dịch vụ logistics, có khả năng thông qua khoảng 30% – 35% nhu cầu hàng hóa vận tải container xuất nhập khẩu theo các hành lang vận tải, đồng thời đáp ứng nhu cầu dịch vụ logistics tại các địa phương.
Thực hiện Quyết định số 979/QĐ-TTg ngày 22/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh Nghệ An ngày 24/8 đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh yêu cầu Sở Giao thông vận tải tổ chức thực hiện quản lý Nhà nước về cảng cạn theo đúng phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn.
Đồng thời giao các sở, ngành: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Ban Quản lý KKT Đông Nam và các địa phương liên quan rà soát, xây dựng, điều chỉnh các quy hoạch, các dự án trên địa bàn đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với quy hoạch.
Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư cập nhật nội dung quy hoạch tỉnh đảm bảo tuân thủ các định hướng phát triển giao thông địa phương theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.