Chiều 2/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước năm 2024.
Đồng chủ trì tại điểm cầu Chính phủ có đồng chí Trần Lưu Quang – Phó Thủ tướng Chính phủ. Tham dự hội nghị lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng và 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Tại điểm cầu tỉnh Nghệ An, đồng chí Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Tham dự hội nghị có đồng chí Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
TRIỂN KHAI ĐỒNG BỘ, TOÀN DIỆN, HIỆU QUẢ
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, từ năm 2023 đến nay, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, công tác ngoại giao kinh tế đã được triển khai đồng bộ, toàn diện, từng bước trở thành nhiệm vụ cơ bản, trung tâm, đóng góp tích cực vào các kết quả phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Thể chế hoá, tổ chức thực hiện ngoại giao kinh tế được thực hiện kịp thời, bài bản hơn. Công tác phối hợp, triển khai ngoại giao kinh tế được tăng cường, đổi mới; tích cực tham mưu thiết lập các cơ chế phối hợp liên ngành.
Ngoại giao kinh tế tiếp tục đóng góp quan trọng trong duy trì cục diện đối ngoại thuận lợi cho sự phát triển đất nước. Nội dung kinh tế tiếp tục là trọng tâm trong 60 hoạt động đối ngoại cấp cao từ đầu năm 2023 đến nay, với nhiều cam kết thoả thuận hợp tác kinh tế được ký kết. Quan hệ đối ngoại và hợp tác kinh tế được mở rộng, nâng tầm, nâng cấp.
Ngoại giao kinh tế đã hỗ trợ tích cực xúc tiến, quảng bá, tháo gỡ rào cản thương mại; thúc đẩy các hướng đi mới phát triển ngành công nghiệp Halal, qua đó mở rộng thị trường cho các ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp. Tích cực tham mưu thúc đẩy đầu tư và thu hút nguồn lực để phát triển các ngành có thể tạo đột phá như công nghệ cao bán dẫn và đào tạo nguồn nhân lực, trí tuệ nhân tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng.
Tham gia và đóng góp tích cực, có trách nhiệm tại các khuôn khổ hợp tác đa phương, bảo đảm ứng xử cân bằng trước những sáng kiến của các nước, góp phần duy trì chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất; đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam, gắn với thu hút các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế.
Các hoạt động ngoại giao kinh tế đã góp phần đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta cả năm 2023 đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất siêu khoảng 28 tỷ USD, nhiều nhất từ trước tới nay; thu hút FDI đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% trong bối cảnh thương mại, đầu tư toàn cầu bị thu hẹp; vốn FDI thực hiện đạt gần 23,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng, việc cụ thể hoá, tận dụng các mối quan hệ còn hạn chế, còn có độ trễ; việc giải quyết các vướng mắc, tồn đọng với một số đối tác còn kéo dài, chưa dứt điểm; chưa có hoặc đang trong quá trình nghiên cứu xây dựng các chính sách, cơ chế ưu đãi đặc thù thu hút đầu tư, phát triển một số ngành chiến lược…
Tại hội nghị, lãnh đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, lãnh đạo các hiệp hội, hội doanh nghiệp, địa phương đã báo cáo tình hình hợp tác kinh tế với các đối tác nước ngoài; đồng thời kiến nghị nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn, qua đó đẩy mạnh hoạt động ngoại giao kinh tế ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả.
4 TRỌNG TÂM LỚN TRONG NGOẠI GIAO KINH TẾ NĂM 2024
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong công tác ngoại giao kinh tế cần đẩy mạnh “3 phát huy”: Phát huy thế và lực của đất nước trong việc đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài; Phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hoá, gắn với du lịch và giao lưu nhân dân; Phát huy tính năng động, sáng tạo, linh hoạt, thông minh của người Việt Nam để đa dạng hoá thị trường, kết nối chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và phát huy tối đa yếu tố khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, lập nghiệp trong giai đoạn hiện nay.
Bên cạnh đó là tinh thần “3 cùng”: Cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển.
Chỉ rõ những tồn tại, hạn chế của đất nước, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, phải giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, kiên trì, không quá say sưa với thắng lợi và khi thuận lợi, không hoang mang, dao động khi gặp khó khăn, thách thức, linh hoạt trong xử lý phù hợp tình hình.
Trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, công tác ngoại giao kinh tế cần tập trung vào 4 trọng tâm lớn: Chương trình đối ngoại các cấp cần có nội dung, kế hoạch cụ thể, tích cực triển khai thoả thuận; củng cố động lực tăng trưởng truyền thống: Xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư và bổ sung, đẩy mạnh các động lực mới: Kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức; khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước; huy động nguồn lực của 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài.
Tích cực chủ động truyền tải thông điệp tới các đối tác quốc tế với tinh thần lắng nghe, cầu thị; đôn đốc triển khai các thoả thuận đã cam kết, ký kết; giải quyết các vấn đề vướng mắc; củng cố quan hệ thương mại đầu tư với các đối tác, thị trường lớn, đa dạng hoá thị trường, chú trọng hơn các thị trường tiềm năng; tạo đột phá trong thu hút đầu tư các lĩnh vực mới; tăng cường dự báo, nắm bắt xu thế, phản ứng chính sách kịp thời.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, công tác ngoại giao kinh tế năm 2024 phải có đột phá, với tinh thần: Đổi mới trong tư duy, sáng tạo trong sách lược, thống nhất trong nhận thức và hành động. Mặt khác, cơ hội phải nắm bắt, vướng mắc phải tháo gỡ, giải pháp phải đột phá, triển khai phải quyết liệt, hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm và bền vững.