Ngô Thì Nhậm sinh năm 1746 trong một gia đình đại thế tộc đời đời đỗ đại khoa (họ Ngô một bồ tiến sĩ), và nhận tước lộc cao nhất của triều đình. Trong Kí tự mục đình, ông đã viết một cách đầy tự hào: “Đỗ đạt liên tiếp, công hầu nối nhau, văn phong lừng lẫy tới Trung Hoa, thanh danh vang dội khắp bốn cõi”. (1)
Ngô Thì Nhậm có một sự nghiệp đã được nhiều người khâm phục, được Phan Huy Ích đánh giá là “văn ông có ý tứ diễm lệ, vừa hàm súc, vừa phóng khoáng, càng ra nhiều lại càng hay, bao quát được bách gia, khu khiển được cửu lưu, tài uyên bác thông đạt trở thành ngọn cờ chót vót giữa rừng Nho chúng ta.”(3)
Xem thơ Ngô Thì Nhậm quả ta thấy có sự uyên bác về mặt kiến văn, có sự nhuần nhuyễn về mặt bút pháp tuy có thể không thấy được những nét độc sáng của tài hoa kiểu Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Phạm Thái, Cao Bá Quát… Ngay từ thời niên thiếu, thơ Ngô Thì Nhậm đã có nhiều bài chứa đựng ý chí lớn lao, thể hiện khát vọng kinh bang tế thế. Thời kì bỏ Lê – Trịnh để lánh đời, trong sáng tác của ông xuất hiện nhiều bài phú thể hiện những suy nghiệm sâu sắc về vũ trụ và nhân sinh, và ở đấy toát lên tinh thần của một người anh hùng đang bạc đầu mà chờ thời thế. Những vần thơ ông viết dưới thời Lê – Trịnh thường không giấu nổi những tâm sự khắc khoải trước hiện thực đổ nát, tao loạn.
Sự xuất hiện của người anh hùng ấp Tây Sơn đã đáp ứng được những khát khao, chờ đợi của Ngô Thì Nhậm. Có thể nói, Quang Trung đã mở ra những cơ hội để tài năng của Ngô Thì Nhậm được thi thố, và Ngô Thì Nhậm đã biết dựa vào thời cuộc để khẳng định năng lực của mình. Dưới thời Quang Trung, Ngô Thì Nhậm dường như đã thỏa mãn được khát vọng giải phóng năng lực, một lần nữa lại rất được hanh thông trên con đường thăng tiến. Và trong sáng tác của ông thời kì này, ta thấy toát lên niềm vui của một người khéo léo tìm được sự hòa hợp của số phận cá nhân với vận mệnh dân tộc. Thơ văn ông giai đoạn này là tiếng nói hào sảng, cái tôi của ông luôn xuất hiện trong không gian tươi sáng, kì vĩ.
Trước hết đó là tâm trạng, thái độ và hành động dấn thân trong không khí đơm hoa của thời cuộc: “Quan cái bất phương tăng hiểu lộ/ Mai hoa tảo dĩ khoát xuân hoàn” (Mũ, xe lên đường không nề dấn bước buổi sương sớm/ Mấy đóa hoa mai sớm đã gọi xuân về – Quá Hoành sơn). Sở dĩ có được niềm hăm hở ấy, bởi Ngô Thì Nhậm đã thực sự tìm được người tri kỉ. Các bài thơ vịnh sử viết về việc kết nghĩa vườn đào, ba lần đến lều cỏ chính là cách Ngô Thì Nhậm bộc lộ niềm tin yêu sâu sắc của mình đối với Quang Trung, với vận hội mới. Ca ngợi tình nghĩa vườn đào, ca ngợi cả Lưu Bị và Gia Cát Lượng, nhưng đấy cũng là sự sẻ chia thống thiết của ông đối với Quang Trung và đối với chính mình, bởi Ngô Thì Nhậm đã nhìn thấy ở ông với vua Quang Trung và với thời cuộc một sự thống nhất tối thượng. Ngô Thì Nhậm đã viết về quá trình tham chính của mình một cách đầy tự hào với những vần thơ đẹp:
Nùng anh bội lỗi, ngọc trì viên
Trường đắc vu chu thị ngự tiền
…Bất thị tứ thời khoa quý hiển
Đan tâm chiếu hướng nhật trung thiên.
(Những bông hoa xinh tươi đang ngậm cánh bên thềm ngọc/ Luôn được phất phơ màu đỏ, đứng hầu nơi ngự tiền/ Không phải có ý khoe khoang vẻ quý trong bốn mùa/ Chỉ muốn đem tấm lòng son hướng cả lên mặt trời giữa trời – Cung cận hoa).
Trong con mắt Ngô Thì Nhậm, thời đại Quang Trung là một thời đại hết sức tươi sáng bởi có một bậc minh quân, bậc minh quân ấy tuân mệnh trời, thuận lòng người mà sai khiến và chăm lo cho thiên hạ. Sẽ không có một lực cản nào trên con đường tiến lên của vua, của nước. Trong bài Thị ngự chu quá Hà – Trung hồi cung kí, ông viết:
Ba đào vạn khoảnh dược ngư long
Tây bắc minh mê thủy sở tòng
… Thừa thuận cẩm phàm đa đắc ý
Thi thuyền phá lãng tác tiên phong
(Muôn khoảnh sóng cồn, cá rồng bơi nhảy/ Làn biển tây bắc thăm thẳm, nước tuôn về đó/… Buồm gấm thuận chiều gió, nhiều sự đắc ý/ Một con thuyền thơ đi tiên phong, quyết tung sóng tiến lên).
Thời đại không chỉ để Ngô Thì Nhậm thi thố tài năng, mà còn là môi trường và lí do cho mạch thơ ông tuôn chảy. Trên viễn trình làm sứ thần giao thiệp với Thanh triều, Ngô Thì Nhậm cũng không quên ghi lại những cảm xúc nơi non nước ông qua. Có điều, ở đây không còn cảm xúc về tấm thân lênh đênh lưu lạc như thời tao loạn. Dù lênh đênh xứ người, nhưng mang trong mình niềm kiêu hãnh phấn chấn của người chiến thắng, đại diện của một dân tộc anh hùng, cảnh vật vào thơ ông luôn luôn tươi sáng, khôi vĩ, và tâm thế của người đi là tâm thế của người làm chủ tình thế:
Sứ tinh thiều đệ trú Thanh san
Tảo khởi thôi đồng sức mã an
…Hà xứ hồng luân thôi nhất khởi
Bát khai yên vụ kiến sơn nhan
(Thanh sơn hiểu vọng)
(Ngọn cờ sứ rong ruổi đường xa, tạm dừng trên núi Thanh sơn/ Sớm dậy, giục bọn tùy tùng đóng yên ngựa/ … Bỗng một vừng đỏ từ đâu đẩy lên/ Mở toang làn mù khói, lộ rõ bộ mặt núi).
Những tác phẩm Ngô Thì Nhậm viết dưới thời Tây Sơn, quả không còn những chùa miếu hoang tàn, những bến chài leo lét…, ở đây, người ta chỉ thấy thứ ánh sáng đẹp đẽ, diệu kì, những hình ảnh tươi sáng, kì vĩ phơi phới. Ở đấy là thế giới lấp lánh sắc hoa, tinh kì, của những ngọn sóng cả hùng tráng nâng đỡ con thuyền rồng, những vầng mặt trời đỏ chói và cánh mai nở trắng sương sớm… Không còn những buổi chiều, những màn đêm, mọi khởi đầu đều từ ánh bình minh. Bài Đại phong có lẽ là bài thơ phản ánh đầy đủ nhất tinh thần lạc quan và hạnh phúc này:
Vạn đội du long ủng Ngọc hoàng
Uy gia tứ hải cộng phi dương
Tảo không tích vụ khai thu sắc
Y cựu trung thiên kiến thái dương
Xuy khứ dĩ vô trần cấu tại
Quy lai trùng đổ thất gia xương
Phi khâm độc tự ngâm du tử
Tây thượng tường vân thị cố hương
(Muôn đội con rồng đang lượn lờ ôm quanh Ngọc hoàng/ Gặp khi uy thế tràn khắp bốn biển/, bỗng cùng tung bay/ Quét sạch mù khói dày đặc, làm tươi sáng màu thu/ Giữa trời lại rạng tỏ vầng thái dương như trước/ Bao bụi bặm trong thiên hạ đã thổi đi hết/ Trở về lại thấy cửa nhà thịnh vượng/ Một mình ngồi phanh áo hóng mát mà ngâm câu du tử/ áng mây lành phía trời tây kia là nơi cố hương).
Về cơ bản, có thể chia sáng tác của Ngô Thì Nhậm ra làm hai giai đoạn: giai đoạn dưới thời vua Lê – chúa Trịnh và giai đoạn ông làm việc cho Tây Sơn. Mỗi giai đoạn, văn thơ ông chất chứa một tâm sự khác nhau như trên đã phân tích. Ngoài ra, ông còn để lại một số tác phẩm chính luận, đó là hệ thống chiếu, biểu, thư từ viết trên cương vị của mình hay thay mặt vua Quang Trung soạn thảo.
Tuy vậy, nhìn vào tổng thể sự nghiệp trước tác của ông, ta có thể thấy trên nhiều mặt: động cơ, mục đích, cảm hứng sáng tác… đều thống nhất xuất phát điểm là hoài bão giải phóng năng lực, tấm lòng yêu dân yêu nước. Ngô Thì Nhậm, một con người biết chọn lựa cách sống, đã trải nhiều trạng thái của thực tiễn, nếm đủ cay đắng, ngọt bùi và sống một đời sống, một đời hoạt động hết sức phong phú mà trong lịch sử dường như ít gặp.
Cái chết thê thảm sau trận đòn thù của Đặng Trần Thường – người bạn cũ – trước cửa Văn Miếu đã đưa ông vào hàng ngũ những người có số phận bi kịch và kì lạ trong lịch sử nhân vật, lịch sử văn học Việt Nam, và vì thế, đó là một số phận khó bình luận. Dẫu sao, Ngô Thì Nhậm đã sống một cuộc sống và chết một cái chết mà bản thân ông có thể đã rất tự hào, cũng như người đời sau có thể tự hào vì dân tộc đã có một người trước tác như ông.
Chú thích:
(1). Dẫn theo: Vũ Khiêu, “Lời giới thiệu”, Thơ Ngô Thì Nhậm tuyển dịch, Nxb. Văn học, H. 1986, tr.10
(2). Chính cha ông là Ngô Thì Sĩ cũng rất thừa nhận tài năng của ông, trong bức thư gửi con trai mình, Ngô Thì Sĩ viết: “Con ta lấy tài năng gặp được tao ngộ dị thường, lấy tâm cơ đáp ứng với ủy nhiệm khó khăn, lấy trung thành làm liều thuốc tiên để gạt bỏ gian hiểm và tiêu tan khí lam chướng. Tướng sĩ trong một đạo đều tuân theo hiệu lệnh. Kẻ địch ngoài bờ cõi không lường biết được mưu cơ. Muôn khe, nghìn dặm không đâu cho là xa. Quân muôn bếp thống nhất như một người. Bậc đại trượng phu văn võ cùng đi đôi, bằng phẳng và hiểm trở coi là một, thực là rất xứng đáng vậy.”(Vũ Khiêu, Sđd, tr.11)
(3). Dẫn theo Vũ Khiêu, sđd, tr.8.
(4). Ngô Thì Sĩ rất chú trọng vấn đề hòa hợp tư tưởng Nho, Phật Lão. Trong thời gian trị nhậm ở Lạng Sơn, ông đã cho xây dựng chùa Tam giáo có lẽ nhằm mục đích này. Chùa nay vẫn còn bên cạnh động Nhị Thanh (cũng do Ngô Thì Sĩ phát hiện, khai thác), ở về phía nam Thành phố Lạng Sơn.
(5). Trong một kiến nghị gửi cho chúa Trịnh trước đó, Ngô Thì Nhậm đã tỏ ra cô đơn khi đối lập mình với đa số nhà nho – quan lại đương thời, khi viết: “Vì họ (các nhà nho quan lại – chú thích của người viết) không được dạy dỗ về đức hạnh cho nên có những người ngạo với bề trên cho là giỏi, nhờn với người lớn cho là hay; không thích sửa mình mà thích bàn việc nước… Họ đem cái miệng lưỡi sắc bén mà tô điểm cho lòng dạ bí hiểm. Họ đem cái đầu óc ngang tàng mà che đậy cho ruột gan quỷ quyệt.” (Dẫn theo Vũ Khiêu, sđd, tr.14).