Giải pháp khi địa phương chưa có cán bộ thú y
Xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu là địa phương mặc dù có đàn vật nuôi không nhiều, nhưng khi triển khai tiêm phòng vắc -xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi thì xã không khỏi băn khoăn, lo lắng, vì cả xã chỉ có 1 cán bộ thú y kiêm nhiệm, nên khó hoàn thành kế hoạch tiêm phòng vắc-xin đúng lịch thời vụ.
Bà Đinh Thanh Nga – cán bộ thú y xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu cho biết: Do lịch tiêm phòng chỉ trong 1 tháng nên 1 cán bộ thú y không thể tiêm hết số lượng vật nuôi đúng tiến độ, buộc phải thuê thêm người. Tuy nhiên, việc tìm người rất khó, vì vừa phải có chuyên môn, nghiệp vụ vừa phải có kinh phí để trả tiền công hàng ngày, trong khi ngân sách của địa phương còn hạn chế.
Bên cạnh đó, trong quá trình đi tiêm phòng gặp nhiều bất cập như mặc dù xã và xóm đã thông báo trên hệ thống loa truyền thanh để người dân nhốt vật nuôi vào ngày tiêm cụ thể, nhưng một số hộ dân chưa thực hiện điều này. Dẫn đến khi đoàn tiêm phòng đến nhà thì mới bắt đầu đuổi bắt vật nuôi rất mất thời gian. Thậm chí một số hộ lúc đến tiêm thì không có mặt ở nhà, buộc phải lập danh sách để tiêm bù lần sau. Khó khăn này khiến cho việc tiêm vừa chậm tiến độ, vừa tiềm ẩn nguy hiểm nếu vật nuôi đó có mầm bệnh trong cơ thể.
Theo ông Chu Văn Đạt – Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Trường, giải pháp để địa phương tổ chức tiêm phòng đúng kế hoạch là xã thuê 1 thú y ở xã Diễn Hùng để hỗ trợ trong quá trình tiêm phòng vắc-xin vụ Xuân. Theo đó, tiền công trả cho thú y là 300.000 đồng/ngày, số tiền đó được trích từ nguồn thu của các chủ hộ sau khi tiêm vắc-xin cho vật nuôi, nếu không đủ, xã sẽ trích ngân sách để chi trả.
“Diễn Trường hiện có 288 con trâu, bò và 610 con chó. Kế hoạch của xã phấn đấu tiêm vắc-xin đạt 80% tổng đàn chó và 20% tổng đàn trâu, bò. Nguyên nhân tỷ lệ trâu, bò tiêm vắc-xin thấp là do người dân ở đây thường mua trâu, bò về chăm sóc ít ngày là xuất bán nên họ không tiêm”, ông Chu Văn Đạt cho hay.
Xã Diễn Kỷ là địa phương duy nhất của huyện Diễn Châu chưa có chức danh cán bộ thú y xã. Ông Đậu Xuân Trường – Chủ tịch UBND xã cho biết, mặc dù địa phương chưa có chức danh cán bộ thú y, nhưng hàng năm xã vẫn chủ động thuê lực lượng thú y từ địa phương khác về tiêm phòng cho đàn vật nuôi theo kế hoạch. Do toàn xã hiện chỉ có 200 con chó, 20 con trâu, bò và 10 con lợn, nên chỉ thuê thú y tiêm trong vòng 4 – 5 ngày là xong vụ Xuân này.
“Tuy nhiên, khi xã không có chức danh cán bộ thú y nên hàng năm công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi gặp nhiều khó khăn. Bởi khi người dân báo có vật nuôi bị bệnh, xã phải liên hệ với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện về kiểm tra, xác định bệnh dịch, dẫn đến chậm trễ trong công tác phòng, chống dịch”, ông Đậu Xuân Trường chia sẻ.
Các địa phương cần sớm bổ sung chức danh cán bộ thú y
Theo ông Lê Thế Hiếu – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Diễn Châu, ngày 13/3, huyện đã triển khai kế hoạch tiêm phòng vật nuôi đến các địa phương và từ ngày 15/3, tất cả các xã trên địa bàn huyện tổ chức tiêm phòng. Huyện Diễn Châu phấn đấu vụ Xuân này tiêm vắc-xin phòng bệnh dại 100% tổng đàn chó với gần 22.000 con và tiêm vắc-xin phòng bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng cho 70 – 80% tổng đàn trâu, bò, lợn.
Đối với các huyện miền núi, công tác tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi gặp nhiều khó khăn hơn, mặc dù các xã đã có chức danh cán bộ thú y. Ông Phạm Hoàng Mai – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quế Phong cho rằng, khó khăn nhất khi triển khai tiêm phòng vắc-xin là dân cư thưa thớt, bản này cách bản khác quá xa, bà con lại còn chăn thả rông trâu, bò. Hơn thế, việc cấp vắc-xin cũng thường chậm trễ.
Yên Thành là huyện đứng đầu tỉnh về số xã chưa có chức danh cán bộ thú y. Ông Nguyễn Trọng Hương – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho rằng, hiện nay, huyện đang chỉ đạo quyết liệt công tác tiêm phòng vắc-xin vụ Xuân cho đàn vật nuôi, vì vậy, các xã chưa có chức danh cán bộ thú y bắt buộc phải thuê những người có chuyên môn thú y trên địa bàn để tổ chức tiêm phòng. Cùng đó, thực hiện sự chỉ đạo của huyện, hiện nay, các địa phương đang tuyển chức danh cán bộ thú y theo Nghị định 33/2023 của Chính phủ.
Ông Đặng Văn Minh – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Tình trạng xã chưa có chức danh cán bộ thú y vẫn còn tại một số địa phương, khi triển khai tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi gặp những khó khăn, không chủ động được nhân lực.
Theo ông Minh, những xã chưa có chức danh cán bộ thú y, theo Nghị định số 33/2023/NĐ-CP các huyện cần sớm áp dụng để bổ sung. Nghị định mới này không quy định chức danh cán bộ thú y cấp xã không quá 40 tuổi như trước nên các địa phương thuận lợi hơn trong việc nhận hồ sơ tuyển chọn.
Khoản 1, Điều 36 của Nghị định 33/2023/NĐ-CP của Chính phủ về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, tổ dân phố thì tiêu chuẩn là công dân Việt Nam, đủ 18 tuổi trở lên; có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và có đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ được giao.
Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có năng lực tổ chức thực hiện và vận động Nhân dân ở địa phương thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành án phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế, đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục.
Trình độ giáo dục phổ thông: Tốt nghiệp Trung học phổ thông.
Trình độ chuyên môn: Tốt nghiệp Trung cấp trở lên.