Giảm giá mạnh cát, gạch… vẫn ế ẩm
Ghi nhận tại xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ, ven dòng sông Con hiện có khá nhiều bến bãi tràn ngập cát nhưng cũng không có người vào mua.
Một chủ bến cát tại xã Nghĩa Đồng chia sẻ: “Cát, sỏi Tân Kỳ được khách hàng ưa chuộng bởi hạt đều, đẹp và độ sạch cao. Vào mùa xây dựng, cát ở đây thường cháy hàng vậy mà cả mấy tháng nay xe ô tô vào mua nhỏ giọt, bến cát chúng tôi đang tồn đọng trên 8.000 m3. Cát không bán được gây nên hệ lụy là cả dây chuyền phải nghỉ, công nhân không có việc làm”.
Một số bến cát địa bàn Tân Kỳ mặc dù giá cát giảm giá từ 180.000 đồng/m3 xuống còn 100.000 đồng/m3 nhưng cũng không có ai đến mua. Tại địa bàn các huyện Đô Lương, Thanh Chương, Anh Sơn thị trường cát xây cũng giảm từ 85.000 đồng/m3 xuống 70.000 đồng/m3 nhưng cũng vắng khách, khai thác ra để tồn đọng, một số mỏ phải tạm dừng hoặc hoạt động cầm chừng.
Tương tự cát, sản phẩm gạch xây dựng cũng tồn đọng. Địa bàn Tân Kỳ có 4 nhà máy sản xuất gạch hiện đang tồn rất nhiều. Có những đơn vị sản xuất gạch phải dừng hoạt động từ mấy tháng qua do không còn kho bãi để chứa sản phẩm.
Đại diện Nhà máy Gạch ngói Tuynel Tân Kỳ cho biết, đơn vị có 2 nhà máy gạch ở xã Kỳ Sơn và xã Tân Long, do 4 tháng qua không tiêu thụ được hàng nên đang tồn đọng trên 20 triệu viên gạch. Hiện nhà máy gạch ở xã Kỳ Sơn đã tạm dừng hoạt động cách đây 2 tháng; Nhà máy gạch xã Tân Long đến 30/1/2024 sẽ tiếp tục cho dừng hoạt động. Trên 400 lao động của 2 nhà máy buộc phải nghỉ việc luân phiên, hoạt động cầm chừng.
Địa bàn huyện Tân Kỳ hiện sản phẩm gạch còn tồn đọng khá nhiều. Có những đơn vị sản xuất gạch phải tạm dừng hoạt động từ nhiều tháng nay do không còn bãi để chứa sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Quyền, chủ cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng ở xã Diễn Thái (Diễn Châu) cho hay: So với cùng kỳ năm trước, sức mua hầu hết các mặt hàng vật liệu xây dựng của đại lý chúng tôi như xi măng, sắt, thép… đều giảm mạnh, chỉ bằng một nửa so cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, những mặt hàng vật liệu xây dựng hoàn thiện như sơn, gạch ốp lát, thiết bị vệ sinh địa bàn Nghệ An cũng chung tình trạng khó tiêu thụ. Chị Nguyễn Thị Hiền, chủ một cửa hàng bán vật liệu nội thất trên đường Lê Hồng Phong – Thành phố Vinh cho biết: “Dịp cuối năm lượng tiêu thụ sơn, gạch ốp tường rất chậm. Cửa hàng chỉ bán lẻ tẻ một số sản phẩm sơn, gạch ốp lát cho những gia đình sửa nhà. Hầu như không bán được cho những công trình lớn”.
Các nhà máy xi măng hoạt động cầm chừng
Đối với các doanh nghiệp sản xuất xi măng thời điểm này cũng đang phải đối mặt với tình trạng tiêu thụ nội khó khăn, kinh doanh thua lỗ. Như Nhà máy Xi măng Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu có công suất hoạt động 2 triệu tấn sản phẩm/năm, hoạt động từ đầu năm 2020. Do khó khăn khâu tiêu thụ, nên từ đầu năm 2023 đến nay nhà máy đã phải dừng lò sản xuất clinker và chịu thua lỗ khá nhiều.
Đại diện Nhà máy Xi măng Tân Thắng chia sẻ: Từ đầu tháng 1/2024, nhà máy đã tìm kiếm được đơn hàng nhỏ lẻ tại thị trường Mỹ và đã hoạt động trở lại, tuy nhiên sản xuất chỉ đạt 50-60% công suất.
Tương tự, Nhà máy Xi măng Hoàng Mai cũng hoạt động cầm chừng do đầu ra khó khăn, giá xi măng từ 50 USD/tấn giảm xuống còn 47 USD/tấn. Từ đầu năm 2023 đến nay, nhà máy sản xuất chỉ đạt 1,4/1,7 triệu tấn/năm. Trong năm 2023 nhà máy thua lỗ trên 30 tỷ đồng.
Để dần khắc phục những khó khăn, các nhà máy xi măng trên địa bàn tỉnh đang tập trung các giải pháp, tìm kiếm một số thị trường nội địa và xuất khẩu; Tiếp cận các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh để cung cấp xi măng. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, áp dụng công nghệ để hạ giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh.
Theo các nhà chuyên môn, thời gian qua, các công trình xây dựng đầu tư công và dân dụng sụt giảm, chưa khởi công hoặc mới ở giai đoạn đầu nên nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng như cát, gạch, xi măng thấp. Trong khi đó, các dự án như đường cao tốc Bắc – Nam, đường ven biển, đường N5 đoạn Tân Kỳ… đã sắp hoàn thành nên nhu cầu vật liệu xây dựng giảm./.