đấu thầu
Sáng 21/4, khép lại phiên giao dịch tuần qua, giá vàng tiếp tục tăng nhẹ. Cụ thể, vàng miếng được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC mua vào 82 triệu đồng/lượng và bán ra 84 triệu đồng/lượng. So với cuối tuần trước, mỗi lượng vàng miếng SJC tăng 1,4 triệu đồng ở chiều mua vào và tăng 900.000 đồng ở chiều bán ra. Mức tăng không đều nói trên khiến chênh lệch giữa giá mua và bán vàng miếng SJC giảm còn 2 triệu đồng/lượng thay vì 2,5 triệu đồng như tuần trước.
Tương tự, vàng nhẫn 9999 được SJC mua vào 74,6 triệu đồng và bán ra 76,7 triệu đồng, tăng 300.000 đồng ở chiều mua vào và tăng 500.000 đồng ở chiều bán ra. Điều này đẩy chênh lệch giá mua và bán vàng nhẫn SJC tăng vọt lên 2,1 triệu đồng/lượng thay vì chỉ ở mức 1,9 triệu đồng/lượng như cuối tuần trước.
Ở Nghệ An, liên tục trong 3 ngày qua, rất nhiều tiệm vàng không niêm yết giá vàng trên bảng điện tử mà chỉ khi có khách hỏi giao dịch mới thông báo giá. Ở một số doanh nghiệp vàng bạc có uy tín, mức giá niêm yết vào sáng 21/4 cụ thể như sau: Vàng miếng SJC mua vào 81,7 triệu đồng/lượng và bán ra với giá 84,3 triệu đồng/lượng; vàng nhẫn trơn là 73,5 triệu đồng/lượng mua vào và 78 triệu đồng/lượng bán ra.
Theo ghi nhận, trong những ngày qua, giao dịch vàng tại Nghệ An khá trầm lắng ở cả chiều mua lẫn chiều bán, nhất là sau khi có thông tin Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức đấu thầu vàng miếng vào ngày mai (22/4). Việc Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng được cho là nhằm 2 mục đích, bổ sung nguồn cung cho thị trường, ổn định thị trường và hạ nhiệt giá vàng.
Đồng thời, rút ngắn khoảng cách giá vàng trong nước với giá vàng thế giới. Nhiều người phán đoán giá vàng miếng sẽ giảm khi Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu song thực tế thì chốt phiên giao dịch tuần này, giá vàng miếng vẫn tăng mạnh.
Anh Trần Tử Hải, một người đầu tư vàng lâu năm ở thành phố Vinh cho biết: “Thời điểm này, tôi không bán cũng như mua đầu tư vàng, tôi đang chờ xem những diễn biến sau phiên đấu thầu vào ngày mai. Song, theo tôi nghĩ, giá vàng miếng khó giảm sâu khi Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu giá. Do đó, những người đang đầu tư vàng miếng hay tích trữ vàng miếng không nên lo lắng giá vàng biến động nhiều”.
Tại các tiệm vàng trong những ngày qua, người dân chủ yếu đến tham khảo giá vàng hoặc mua lẻ một vài chỉ khi có việc cần, lượng người mua vàng đầu tư, tích trữ thời điểm này hầu như không có.
Bà Trịnh Ngọc Ánh, nhân viên một doanh nghiệp vàng bạc ở đường Cao Thắng (thành phố Vinh) cho biết: “Tính đến nay, vàng đã có tuần thứ 5 liên tiếp tăng giá. Mặc dù, có thời điểm, giá vàng lao dốc không phanh nhưng sau đó nhanh chóng lấy lại mốc cao. Ngay cả với giá vàng miếng SJC, bất chấp thông tin Ngân hàng Nhà nước sắp đấu thầu 16.800 lượng vàng để tăng cung cho thị trường vào đầu tuần tới, giá vàng vẫn tăng mạnh.
Giá vàng trong nước tăng do ảnh hưởng từ giá vàng thế giới. Trong tuần, có thời điểm giá vàng vượt lên vùng 2.400 USD/ounce. Và mốc giá vàng ở hiện tại cũng đang ở vùng cao nhất trong lịch sử. Đây là thời điểm nhạy cảm của thị trường vàng nên cả người dân và doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đều “nín thở” theo dõi diễn biến vàng, mọi giao dịch dường như ngưng trệ”.
Ngày 22/4, Ngân hàng Nhà nước sẽ đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC với giá cọc 81,8 triệu đồng/lượng. Nhiều ý kiến dự đoán, các doanh nghiệp sẽ bỏ thầu và trúng với giá 82 triệu đồng/lượng. Việc này chưa làm hạ nhiệt thị trường ngay vì số lượng vàng đấu chưa nhiều, chưa kể giá đấu thầu sát với giá thị trường. Muốn giá vàng giảm thêm, Ngân hàng Nhà nước phải tổ chức khoảng 10 phiên đấu thầu với số lượng vàng tương tự. Theo đó, giá vàng SJC trong nước sẽ lùi dần về mốc 76-77 triệu đồng/lượng. Khi mức chênh lệch với giá thế giới còn khoảng 4-5 triệu đồng/lượng, Ngân hàng Nhà nước sẽ không cần can thiệp.