Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 3. |
Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu đều đánh giá cao sự lãnh đạo sâu sát của Tỉnh ủy, sự vào cuộc tích cực của UBND tỉnh với nhiều giải pháp quyết liệt, linh hoạt trong công tác chỉ đạo, điều hành và thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trên tất cả các lĩnh vực; Đồng tình cao với các báo cáo và dự thảo Nghị quyết trình tại Kỳ họp.
Đại biểu Lô Thị Kim Ngân (Thanh Chương) nêu ý kiến thảo luận. |
Thảo luận tại tổ, đại biểu Lô Thị Kim Ngân (Thanh Chương) cho rằng, việc bố trí kinh phí đầu tư các thiết chế văn hóa của các thôn, xóm, bản sau sáp nhập còn chậm; có những nội dung hỗ trợ từ năm 2023 nhưng đến năm 2024 được bố trí nguồn vốn để thực hiện, một số nội dung của năm 2024 đến nay đang phê duyệt dự án và lựa chọn nhà thầu. Thực tế cho thấy cơ quan chủ trì tham mưu xây dựng cơ chế chưa dự tính được những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn dẫn đến việc Nghị quyết vừa ban hành đã phải đề nghị tham mưu sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp. Đại biểu đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chủ trì tham mưu các nghị quyết có biện pháp khắc phục tình trạng trên; đồng thời nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu của các ngành, địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chính sách sau ban hành.
Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghĩa Đàn) cho biết qua tiếp xúc cử tri, cử tri cho rằng chế độ phụ cấp của cán bộ khối, xóm, thôn bản còn bất cập trong bối cảnh sáp nhập yêu cầu công việc nhiều hơn, lương cơ bản tăng; cử tri đề nghị trong thời gian tới tỉnh tiếp tục sắp xếp, cân đối để tăng thêm chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ xóm, khối, tạo động lực cho đội ngũ cán bộ công hiến.
Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghĩa Đàn) nêu ý kiến thảo luận. |
Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị các cơ chế, chính sách cần thực hiện nhanh, quyết liệt hơn; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; các giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP.
Hiện nay thị xã Cửa Lò đã sáp nhập vào thành phố Vinh, vì vậy các cơ chế chính sách tỉnh ban hành cho 2 địa phương trên thực hiện như thế nào? Đại biểu cũng đề nghị rà soát để xây dựng lộ trình chuyển đổi số phù hợp với tình hình thực tế; Việc phân bổ vốn các chương trình mục tiêu quốc gia chậm…
Đại biểu cũng cho rằng, hiện nay thị trường bất động sản “nóng lên hàng ngày”, điều này ảnh hưởng đến việc người lao động khó có điều kiện để mua đất, mua chung cư; vì vậy cần quan tâm bố trí các quỹ đất xã hội, nhà ở xã hội để tạo điều kiện cho lao động trẻ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ phát biểu làm rõ ý kiến của đại biểu. |
Giải trình các ý kiến của đại biểu liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ cho biết, hiện nay Nghệ An có rất nhiều sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, chủ yếu là sản phẩm OCOP 3 sao, là các sản phẩm chủ lực của địa phương. Trong thời gian qua tỉnh đã chỉ đạo các các Sở, ngành quảng bá các sản phẩm OCOP và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP.
Đối với việc cấp xi măng cho các địa phương xây dựng nông thôn mới, tỉnh luôn tạo điều kiện cho các địa phương đăng ký về đích nông thôn mới.
Về công tác giải phóng mặt bằng tại một số dự án chậm, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ có nhiều nguyên nhân như việc xác định nguồn gốc đất; công tác quản lý đất đai…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An phát biểu làm rõ ý kiến của đại biểu. |
Làm rõ thêm ý kiến của đại biểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An cho biết, đối với các chính sách ban hành riêng cho thị xã Cửa Lò, thành phố Vinh vẫn tiếp tục thực hiện trong thời gian tới; Căn cứ vào phương hướng, nhiệm vụ và các đột phá của nhiệm kỳ tới, rà soát lại các cơ chế chính sách để các cơ chế, chính sách phát huy được hiệu quả, tránh dàn trải. Hiện nay vẫn nhiều cơ chế chính sách phân bổ kinh phí chậm, có nhiều nguyên nhân của tình trạng trên. UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương tiến hành phân bổ ngân sách ngay từ đầu năm…
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình phát biểu làm rõ ý kiến của đại biểu. |
Thông tin về công tác chuẩn bị kỳ họp thứ 25, HĐND tỉnh khóa XVIII, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình cho biết, hiện nay nhiều số liệu trong các báo cáo đang được cập nhật đến thời điểm hiện tại theo số liệu của cơ quan chức năng. Cơ bản các chính sách Trung ương ban hành thì Nghệ An cũng đã ban hành các chính sách đó. Tuy nhiên khả năng cân đối ngân sách của tỉnh thực hiện còn nhiều bất cập; một số chính sách được ban hành không còn phù hợp với tình hình thực tế…
Thời gian tới, HĐND tỉnh sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên rà soát những chính sách không hiệu quả, bất cập để xây dựng các chính sách mới phù hợp với tình hình thực tế. Đối với việc tổ chức hoạt động của HĐND các đơn vị sau sáp nhập, HĐND tỉnh sẽ có hướng dẫn cụ thể.
Nguồn: https://www.truyenhinhnghean.vn/thoi-su-chinh-tri/202412/thao-luan-to-3-can-thuc-hien-cac-co-che-chinh-sach-nhanh-quyet-liet-hon-13e384d/