Toàn cảnh thảo luận tại Tổ 2. |
Tham gia thảo luận tại tổ 2 có đại biểu HĐND tỉnh ở đơn vị bầu cử các huyện, thị: Nam Đàn, Hoàng Mai, Hưng Nguyên, Diễn Châu, Quỳnh Lưu. Ông Hồ Sỹ Nguyệt – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu chủ trì buổi thảo luận tại tổ.
Cùng dự có đồng chí Lê Đức Cường – Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Chu Thế Huyền – Chánh Thanh tra tỉnh; Lãnh đạo các Sở, ban ngành; Bí thư Huyện uỷ, Thị uỷ, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã: Nam Đàn, Hoàng Mai, Hưng Nguyên, Diễn Châu, Quỳnh Lưu.
Đại biểu Hồ Sỹ Nguyệt – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu điều hành phiên thảo luận Tổ 2. |
Tại phiên thảo luận, cơ bản các đại biểu đồng tình với báo cáo, đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu KT-XH trong 6 tháng đầu năm; phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của UBND tỉnh. Trong đó có một số điểm sáng như lượng khách và doanh thu du lịch tăng cao, hơn 41% so với cùng kỳ; thu ngân sách đạt gần 75% kế hoạch năm.
Các đại biểu dự phiên thảo luận. |
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Quỳnh Hoa (Quỳnh Lưu), lĩnh vực dịch vụ đang chững lại, sức mua của người dân giảm sút. Theo đại biểu: “Quan sát trên địa bàn TP Vinh thấy rất rõ điều này. Các cửa hàng kinh doanh trên nhiều tuyến phố lớn trả mặt bằng, cho thuê lại ki-ôt rất nhiều. UBND tỉnh và các ngành cần có giải pháp để phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh”.
ĐB Nguyễn Thị Quỳnh Hoa (Quỳnh Lưu) phát biểu thảo luận. |
Liên quan đến công tác giải ngân các chương trình MTQG, đại biểu Nguyễn Thị Quỳnh Hoa cho rằng đạt thấp, cơ bản đang thực hiện nguồn vốn năn 2022, 2023 chuyển sang năm 2024. Nguồn vốn năm 2024 gần như chưa được triển khai thực hiện. Nguyên nhân chính theo đại biểu là do vướng thủ tục thay đổi so với các năm trước. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh quan tâm đôn đốc, chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện.
Các đại biểu dự phiên thảo luận. |
Một trong các vấn đề được đại biểu Hà Xuân Quang (Diễn Châu) quan tâm, đó là thu hút lao động có tay nghề vào các khu công nghiệp. Trong xu thế Nghệ An đẩy nhanh việc thu hút đầu tư FDI, việc tuyển dụng lao động tại địa phương đã bộc lộ những khó khăn cả về trước mắt lẫn lâu dài.
ĐB Hà Xuân Quang (Diễn Châu) phát biểu thảo luận. |
“Vấn đề đặt ra ở đây là chúng ta cần có giải pháp gì để nâng cao chất lượng đào tạo tay nghề, chuyên môn cho người lao động. Bởi hiện nay, các doanh nghiệp thu hút lao động đòi hỏi tay nghề rất cao”, đại biểu Hà Xuân Quang nêu ý kiến.
Lãnh đạo các Sở, huyện, thị xã dự phiên thảo luận. |
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nhất là đối với các địa bàn vùng nông thôn cũng đã được đại biểu HĐND tỉnh được bầu tại các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Hưng Nguyên phản ánh, đề cập.
ĐB Nguyễn Thị Hương (Hưng Nguyên) phát biểu thảo luận. |
Theo đại biểu Nguyễn Thị Hương (Hưng Nguyên): Việc triển khai xây dựng các nhà máy nước có nhiều khó khăn, vướng mắc. Hiện nay, ở huyện Hưng Nguyên có các xã vùng trong chưa có nguồn nước sạch như Châu Nhân, Hưng Nghĩa cử tri có nhiều ý kiến.
Một vấn đề khác được lãnh đạo nhiều địa phương quan tâm, nêu ý kiến là tình trạng thiếu cán bộ. Theo các đại biểu, năm 2023, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết phân bổ cán bộ công chức cấp xã. Tuy nhiên hiện nay chưa có văn bản hương dẫn thực hiện nên gây khó khăn tại các địa phương.
Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai Nguyễn Hữu An phát biểu tại phiên thảo luận tổ. |
Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai Nguyễn Hữu An cho biết: Thực tế tại địa bàn TX Hoàng Mai hiện đang thiếu 34 cán bộ cấp xã nhưng chưa thể bổ sung. Đồng chí đề nghị UBND tỉnh, các ban ngành liên quan cần có văn bản hướng dẫn, hoặc luân chuyển, bố trí cán bố tại các địa bàn dôi dư để tạo điều kiện cho địa phương đủ nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ.
Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu Hoàng Văn Bộ phát biểu thảo luận. |
Về lĩnh vực văn hoá – xã hội, nhiều đại biểu có ý kiến về chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thông trên địa bản tỉnh. Ngày 12/7/2019, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐND về một số chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị quyết số 06: “Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các làng nghề: Hỗ trợ 2 tỷ đồng/làng nghề vùng đồng bằng và 3 tỷ đồng/làng nghề vùng miền núi để đầu tư, cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng làng nghề: Đường giao thông, điện, nước sạch; hệ thống tiêu thoát nước; xây dựng trung tâm, điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm làng nghề”. Tuy nhiên, huyện Quỳnh Lưu, Nam Đàn đã lập hồ sơ 12 làng nghề (Quỳnh Lưu: 9 làng nghề; Nam Đàn: 3 làng nghề) đề xuất hỗ trợ nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hỗ trợ theo quy định của khoản 3 Điều 2 Nghị quyết số 06 của HĐND tỉnh. Đại biểu đề nghị UBND tỉnh quan tâm xem xét hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng cho các làng nghề này. Nếu nguồn ngân sách tỉnh khó khăn, đại biểu đề nghị HĐND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh rà soát, đánh giá tính khả thi của Nghị quyết để điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Xuân Học giải trình làm rõ ý kiến của đại biểu. |
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đậu Đình Dương giải trình làm rõ ý kiến của đại biểu. |
Phó Giám đốc Sở Tài chính Đậu Thị Minh Loan phát biểu giải trình tại phiên thảo luận. |
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Vi Ngọc Quỳnh phát biểu giải trình tại phiên thảo luận. |
Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hồ Việt Dũng phát biểu giải trình tại phiên thảo luận. |
Tại buổi thảo luận, lãnh đạo các sở, ngành liên quan đã trao đổi, trả lời, làm rõ những vấn đề mà các đại biểu HĐND tỉnh, lãnh đạo các địa phương quan tâm.
Nguồn: https://www.truyenhinhnghean.vn/thoi-su-chinh-tri/202407/thao-luan-tai-to-3-dai-bieu-thang-than-trao-doi-nhieu-van-de-cu-tri-quan-tam-428229f/