Chiều 2/4, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai các giải pháp thúc đẩy thực hiện các mô hình điểm về triển khai Đề án 06 của Chính phủ trên địa bàn. Đồng chí Lê Hồng Vinh – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có các thành viên Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị.
HOÀN THÀNH 6/38 MÔ HÌNH ĐIỂM THỰC HIỆN ĐỀ ÁN 06
Thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, Tổ Công tác của tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai, thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn trong năm 2024 với 10 nhóm và 51 nhiệm vụ. Bên cạnh đó, Nghệ An triển khai 38 mô hình điểm thực hiện Đề án 06 của Chính phủ.
Theo lộ trình kế hoạch, trong quý I/2024 triển khai thực hiện xong 10 nhiệm vụ nhưng đến nay chưa hoàn thành theo mục tiêu, tiến độ đề ra. Mặt khác, mới chỉ có 6 mô hình đã hoàn thành, 20 mô hình đang thực hiện, 12 mô hình chưa thực hiện.
Theo đánh giá của Tổ công tác, đến hết tháng 3/2024, kết quả thực hiện các nhiệm vụ của các sở, ban, ngành, địa phương còn hạn chế, chậm chuyển biến, không đạt tiến độ đề ra. Kết quả này gây khó khăn, cản trở người dân, doanh nghiệp thụ hưởng những tiện ích Đề án 06, ảnh hưởng đến công tác chuyển đổi số.
Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh đến nay đã mang lại những tiện ích bước đầu trong việc hỗ trợ ra quyết định cho lãnh đạo. Mặt khác, hiện đã triển khai và hoàn thiện được một số hệ thống xây dựng Chính quyền số theo kế hoạch thí điểm, từng bước đặt nền móng cho xây dựng đô thị thông minh.
Tuy nhiên, việc hoạt động của Trung tâm IOC đang vướng về mặt pháp lý và được xác định là “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án 06. Vì vậy, Công an tỉnh đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện các hành lang pháp lý, hạ tầng, kỹ thuật nhằm sớm đưa trung tâm vào vận hành chính thức.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành 12 mô hình, gồm: Triển khai 53 dịch vụ công thiết yếu; Xây dựng tối thiểu 20 dịch vụ công không sử dụng hồ sơ giấy; Khám chữa bệnh sử dụng sinh trắc học, KIOSK (hệ thống máy bán hàng tự động) tự phục vụ; Triển khai tại các điểm công chứng, chứng thực; Triển khai nền tảng quản lý lưu trú tại nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn, nhà công vụ;
Triển khai nền tảng quản lý lưu trú tại cơ sở khám chữa bệnh; Triển khai thiết bị giám sát thi cử, sát hạch lái xe; Triển khai cho vay tín chấp công dân: hộ nghèo, người có công; Đảm bảo điều kiện công dân số; Chuẩn hóa xác thực tập trung; Truyền thông chính sách qua hệ thống LED, pano, áp phích… nền tảng số; Triển khai nền tảng đào tạo, giáo dục trực tuyến đại chúng mở trên toàn quốc…
Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành đã báo cáo tiến độ triển khai các mô hình, những vướng mắc, khó khăn đang gặp phải và đề xuất, thảo luận các giải pháp tháo gỡ, vướng mắc.
TẬP TRUNG LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN CÁC MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ ĐÚNG LỘ TRÌNH
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh nhấn mạnh, Đề án 06 của Chính phủ là đề án đặc biệt quan trọng, song có rất nhiều nội dung, nhiệm vụ với khối lượng công việc khó, mới.
Với tinh thần: “Rõ người, rõ việc, rõ thời gian, có sản phẩm định lượng cụ thể”, đến nay đã có 6 mô hình hoàn thành và 20 mô hình đang triển khai thực hiện.
“Tôi ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà các sở, ngành, địa phương, đặc biệt là Công an tỉnh – cơ quan thường trực đã đạt được trong thời gian vừa qua”, đồng chí Lê Hồng Vinh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng chỉ rõ: Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu một số sở, ngành, địa phương trong chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc còn hạn chế, chưa thường xuyên, chưa quyết liệt. Việc quán triệt, thực hiện các nội dung Đề án 06 trong cơ quan, đơn vị còn hạn chế, do đó chưa làm chuyển biến về nhận thức và hành động của nhiều cán bộ, công chức, viên chức.
Một số đơn vị, người đứng đầu phó mặc cho cấp phó hoặc cán bộ, chuyên viên thực hiện. Cách thức triển khai thực hiện Đề án 06 và các mô hình điểm tại một số đơn vị còn cầm chừng, thiếu quyết liệt; việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo chưa kịp thời.
Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh cho rằng, việc thực hiện các nội dung, nhiệm vụ trong Đề án 06 là yêu cầu bắt buộc. Vì vậy, các sở, ngành, đơn vị, địa phương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án 06 theo đúng lộ trình, đặc biệt là hoàn thành những chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2024 và 38 mô hình điểm đã đăng ký.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Công an tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, VNPT hoàn thành các thủ tục pháp lý nhằm sớm đưa Trung tâm điều hành thông minh tỉnh sớm vận hành chính thức.
Bên cạnh đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, không được phó mặc, giao khoán cho cấp dưới, phân công phân nhiệm “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm”. Các đơn vị báo cáo cụ thể, sát hơn về các thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai để đề ra các giải pháp tháo gỡ hiệu quả.
Tập trung triển khai các giải pháp nâng cao tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến; tăng cường công tác tuyên truyền tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp, người dân tiếp cận thông tin và hưởng ứng tham gia tích cực để cải thiện tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh tiếp tục phát huy vai trò cơ quan thường trực Đề án 06 tỉnh; phối hợp Văn phòng UBND tỉnh theo dõi, nắm sát tình hình, kết quả, định kỳ báo cáo tiến độ thực hiện cho Chủ tịch UBND tỉnh để kịp thời chỉ đạo, đôn đốc.
Bên cạnh đó, Công an tỉnh phối hợp với Sở Nội vụ tăng cường công tác kiểm tra tiến độ thực hiện và kỷ cương hành chính; Chỉ rõ nơi yếu, điểm nghẽn để đánh giá sát, đúng vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, lấy đó làm căn cứ để bổ nhiệm, điều động, bình xét thi đua cuối năm cho tập thể và cá nhân.