Tăng trưởng tín dụng âm
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An: bước vào năm 2024, kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Sự phục hồi của nền kinh tế trong các tháng đầu năm còn chậm. Bên cạnh đó, 2 tháng đầu năm trúng vào mùa nghỉ Tết Nguyên đán, tâm lý khách hàng và các hoạt động kinh tế chưa sôi động… dẫn đến mức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu, tín dụng cả nước tăng trưởng âm trong tháng 1/2024.
Tính tại thời điểm 31/01/2024, tín dụng nền kinh tế cả nước giảm 0,6% so với năm 2023, tín dụng toàn địa bàn Nghệ An đạt 296.505 tỷ đồng, tăng 0,2% so với đầu năm, mức cùng kỳ các năm 2021, 2022, 2023 lần lượt là – 0,7%; 2,1%; – 0,4%.
Tại báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dẫn báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, 2 tháng đầu năm 2024, tín dụng của toàn nền kinh tế tăng trưởng âm. Cụ thể, tính đến cuối tháng 1 là -0,6% và tính đến ngày 16/2 là -1,0%. Một số ngân hàng lớn nhưng tăng trưởng tín dụng giảm mạnh hơn như Vietcombank -2,3% so với cuối năm 2023, BIDV -1,3% hay Ngân hàng TMCP Quân đội MB – 0,7%.
Sở dĩ thị trường tiền tệ có tình trạng trên là do năng lực hấp thu nguồn vốn của nền kinh tế, trong đó, nhu cầu vay của doanh nghiệp và người dân những tháng đầu năm rất hạn chế. Đến thời điểm này, mặc dù lãi suất vay đã giảm mạnh ở mức thấp nhất là từ 5,0 -5,3%/năm nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa thiết tha vay vốn để triển khai các dự án sản xuất, kinh doanh.
Ông Trần Anh Sơn – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tiêu biểu tỉnh Nghệ An chia sẻ: Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, các đơn hàng xuất khẩu bị cắt giảm. Từ dệt may cho đến xi măng, đá ốp lát, gỗ mỹ nghệ… do các doanh nghiệp trên địa bàn sản xuất đều không tiêu thụ được. Vài năm lại đây, có cảm giác là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nào cũng đều gặp khó đã làm nhụt chí doanh nhân. Vì thế hiện nay, dù lãi suất cho vay đã giảm mạnh nhưng nhiều doanh nghiệp không muốn vay vốn vì chưa làm được gì. Ông Sơn còn cho rằng, với bối cảnh hiện tại thì dù lãi suất có giảm nữa thì cũng không có nhiều doanh nghiệp vay vốn.
Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, đại diện lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng lớn trên địa bàn cũng cho biết: Khác với trước đây, công suất nhà máy nhỏ, dù có thời điểm hàng bán chậm vẫn duy trì sản xuất được vì còn kho bãi để chứa. Nay công suất lớn nên chỉ sản xuất được một thời gian là kho bãi chật cứng. Trong các giải pháp, công ty buộc phải dừng sản xuất, cho công nhân nghỉ không lương vì càng sản xuất sẽ càng lỗ. Rơi vào tình huống khó trên, các ngân hàng sẵn sàng cho vay nhưng công ty cũng không dám vay…
Về phía các ngân hàng, mặc dù lãi suất huy động và lãi suất cho vay đã giảm nhưng do nhu cầu vay vốn còn ít nên lượng tiền đọng trong các ngân hàng khá nhiều và để tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng mong muốn có khách hàng vay.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An cũng khẳng định: Thời điểm cách đây gần 1 năm, vay vốn ngân hàng khó nhưng nay khả năng thanh khoản của các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã được cải thiện đáng kể song khách hàng vay vẫn hạn chế. Trên thực tế, để tăng trưởng và đáp ứng khả năng thanh toán, tại một số thời điểm, các ngân hàng đã điều chỉnh mức vay lãi suất liên ngân hàng; đồng thời, điều chỉnh tăng lãi suất một số thời hạn vay. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp để bù đắp thiếu hụt thanh khoản cục bộ tại một số ngân hàng trước và sau dịp Tết, còn lại khả năng thanh toán chung khá đảm bảo.
Ông Trịnh Dương Chinh- Giám đốc Ngân hàng Nam Á Bank chi nhánh Nghệ An cho biết thêm: Hằng năm, từng hệ thống đều giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (gồm cả cho vay và huy động) cho các chi nhánh nhưng 2 tháng đầu năm, toàn ngành tăng trưởng âm khiến các ngân hàng thương mại đứng trước nhiều áp lực. Kinh doanh không hiệu quả thì sẽ ảnh hưởng đến chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống và nền kinh tế.
Tìm hiểu tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn, từ Vietinbank, Vietcombank đến Sacombank, Vietbank, Bản Việt Bank… đều xác nhận số khách hàng và hợp đồng vay vốn cũng như huy động đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Các khách hàng trước đây phải tiếp cận các ngân hàng để xin vay vốn, giải ngân thì năm nay, ngân hàng phải đi cơ sở rà soát tìm kiếm khách hàng, tư vấn cho vay vốn.
Tăng trưởng tín dụng không đi kèm gia tăng rủi ro
Đại diện một ngân hàng thương mại cổ phần tại TP.Vinh cũng lý giải: Việc tỷ lệ huy động cũng như cho vay tăng trưởng thấp và thậm chí âm đặt ngân hàng vào thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu điều kiện cho vay quá chặt chẽ thì khách hàng không vay và không đạt chỉ tiêu tăng trưởng còn nới lỏng cho vay, cho vay dễ dãi thì có nguy cơ nợ xấu gia tăng. Vị này phân tích, bằng cách này hay cách khác, dư nợ trong lĩnh vực đất đai, xây dựng bất động sản thường chiếm tới 60% tổng dư nợ tại các ngân hàng thương mại. Thế nên, hiện nay cho vay bất động sản bị thắt chặt cũng giúp đảm bảo an toàn hệ thống nhưng hệ lụy là thị trường bất động sản đóng băng, kém sôi động hẳn.
Bên cạnh đó, một trong những lý do lãi suất giảm, nhưng người dân vẫn chọn kênh gửi tiết kiệm là do kênh đầu tư vào chứng khoán, trái phiếu vận hành chưa thực sự minh bạch, tạo niềm tin cho nhà đầu tư và thị trường sau những đổ vỡ, gian lận vừa qua. Trong bối cảnh trên, theo ông Trần Anh Sơn – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tiêu biểu tỉnh thì giải pháp an toàn là các doanh nghiệp phải rơi vào thế phòng thủ, co cụm để “bảo toàn lực lượng” qua suy thoái, khi nào kinh tế khởi sắc thì mới mạnh dạn vay vốn đầu tư làm ăn.
Về phía các ngân hàng, theo chúng tôi được biết, trước tình hình trên khó khăn, các “ông lớn” như Agribank, Vietcombank, Vietinbank hay BIDV đều cam kết bằng các biện pháp cụ thể để tiết giảm chi phí, nâng cao chất lượng tín dụng, giảm lãi suất vay, đơn giản hóa thủ tục vay, giải ngân… nhằm chia sẻ, đồng hành với các doanh nghiệp và hỗ trợ nền kinh tế…
Về phía các doanh nghiệp, một số chủ đầu tư dự án thay vì chờ đợi đã tiến hành tái cơ cấu các phương án đầu tư, kêu gọi đối tác liên doanh để triển khai vừa chia sẻ cơ hội đầu tư và giảm rủi ro… Các doanh nghiệp như Công ty CP Xi măng Sông Lam, Công ty CP Xi măng Hoàng Mai, Công ty CP Trung Đô và các doanh nghiệp sản xuất, chế biến đá ốp lát, chế biến dăm gỗ tại các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn khi gặp khó trong xuất khẩu thì tìm bán, tiêu thụ tại thị trường trong nước… Một số doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp mạnh dạn kết nối, mở rộng quan hệ với các đối tác, nhà môi giới xúc tiến thương mại để tìm thị trường mới.
Để đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, cùng với thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn tín dụng, quản lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước giao các ngân hàng thương mại hoàn thành các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được giao cho từng ngân hàng từ đầu năm; đồng thời, khuyến khích các ngân hàng thương mại tìm kiếm, cung ứng đủ vốn vốn gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội địa phương; kịp thời đề xuất các giải pháp để Ngân hàng Nhà nước xem xét tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với dự án, gói ưu tiên, hỗ trợ lãi suất; phấn đấu tăng trưởng huy động trên 13% và dư nợ cho vay trên 8,8% – mốc năm 2023 đã đạt.