Chiếm 83% diện tích toàn tỉnh, với nhiều địa bàn xa cách, điều kiện sống khó khăn cùng với nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, nhiều tập tục lạc hậu còn tồn tại… khiến cho tỷ lệ hộ nghèo của vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Nghệ An còn cao. Những vấn đề xã hội nổi cộm này, không phải một sớm một chiều là có thể tháo gỡ mà cần ộ trình với những giải pháp phù hợp với thực tế địa bàn, đặc thù thành phần DTTS để từng bước giải quyết
Theo đó, việc nâng cao trình độ, nhận thức, hiểu biết… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm; xem đó là một trong những phương thức hữu hiệu nhất, là cơ sở quan trọng cho công cuộc xóa đói giảm nghèo ở miền Tây xứ Nghệ.
Ông Vi Hòe, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn từng nói với chúng tôi: Muốn thoát nghèo hiệu quả, thì trước hết phải nâng cao nhận thức, ý thức cho người dân. Còn hành động, phương thức chỉ là cái thứ 2 sau khi bản thân đồng bào đã có ý chí thoát nghèo, có trình độ, hiểu biết để áp dụng kiến thức vào phát triển sản xuất.
Thực hiện Chương trình MTQG 1719, Nghệ An đã triển khai nhiều cuộc tập huấn, trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng chuyên môn… cho người dân.
Theo đó, tại Dự án 5: Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tỉnh đã mở được 1 lớp xóa mù chữ cho 20 người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi; bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho 4.113 người, tổ chức 175 lớp hỗ trợ đào tạo nghề cho 5.572 người, hỗ trợ 12 người lao động thuộc vùng đồng bào DTTS học nghề, học ngoại ngữ để đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Triển khai 53 lớp đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình MTQG 1719 ở các cấp với 4.685 người tham gia. Tổ chức 3 đoàn với 131 người đi học tập kinh nghiệm thực hiện Chương trình MTQG 1719 ở các tỉnh.
Triển khai Dự án 8:Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, các địa phương đã tổ chức 46 hoạt động tuyên truyền, vận động tới 2.635 người về thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”; xây dựng và nhân rộng 3 mô hình, với 165 người tham gia thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”; tổ chức 5 lớp trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới với 325 người tham gia.
Những kiến thức pháp luật về hôn nhân và gia đình cũng đã được tuyên truyền, vận động, triển khai thực hiện rộng rãi trên địa bàn toàn tỉnh, thu hút hàng ngàn người dân tham gia. Đó là một trong những giải pháp để tỉnh kéo giảm tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết đang có chiều hướng gia tăng trở lại.
Đáng chú ý, trong thực hiện Dự án 9: Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn, địa phương cũng đã thực hiện nội dung của 2 tiểu dự án, trong đó đã có 96 lớp tập huấn được mở, thu hút 12.487 người tham gia nhằm hỗ trợ bảo vệ và phát triển các DTTS có khó khăn đặc thù.
Việc thực hiện Dự án 10: Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo đó, đến nay, toàn tỉnh cũng đã tổ chức được 20 hội nghị với 1.700 lượt người tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật; triển khai 38 cuộc kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình MTQG 1719 tại các cơ quan, đơn vị.
Đáng quan tâm, thực hiện tuyên truyền phổ biến pháp luật theo Quyết định số 1163/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2019-2023, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã phối hợp tổ chức được 143 hội nghị tuyên truyền, tập huấn cho 14.047 đại biểu là Người có uy tín trong đồng bào DTTS, trưởng thôn, bản, các đoàn thể, học sinh THPT và Nhân dân vùng DTTS và miền núi.
Nội dung tuyên truyền tập trung vào các chuyên đề về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới, phổ biến một số Luật như: Luật đất đai, Luật an ninh mạng, Luật biên giới và phòng chống di dịch cư tự do, truyền đạo trái pháp luật.
Bằng những nỗ lực của các cấp, các ngành, công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao năng lực, nhận thức cho người dân vùng DTTS và miền núi đã được đẩy mạnh, là cơ sở quan trọng để góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo.
Hiện nay, cơ cấu kinh tế vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An tiếp tục chuyển dịch đúng hướng và đạt được nhiều kết quả tích cực, GRDP bình quân đầu người tăng từ 44,01 triệu đồng năm 2020 lên 48,6 triệu đồng năm 2023, trong đó vùng DTTS và miền núi ước đạt 34 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo vùng miền núi giảm dần qua các năm, giai đoạn 2021-2023 giảm bình quân mỗi năm 4,76% (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2022-2025).
Điểm sáng đáng quan tâm, là hàng chục ngàn hộ dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An đã mạnh dạn vay vốn, phát triển kinh tế để nâng cao đời sống. Dư nợ các chính sách đặc thù cho đối tượng vùng DTTS và miền núi là trên 1.238 tỷ đồng cho 26.408 hộ DTTS vay vốn phát triển kinh tế.
Tại địa bàn 11 huyện, thị xã miền núi Nghệ An có 236 sản phẩm OCOP, trong đó 226 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao và 10 sản phẩm đạt hạng 4 sao. Vùng DTTS và miền núi Nghệ An cũng có 298 HTX (chiếm 42,1% và tăng 61 HTX so với năm 2019). Bước đầu đã xuất hiện một số mô hình HTX với những cách làm mới, hiệu quả từ khâu đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị hiện đại đến xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với sơ chế, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm.
Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm