Chủ trì hội nghị từ điểm cầu Hà Nội có đồng chí Trần Lưu Quang – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; cùng dự có đại diện các bộ ngành là thành viên Ban chỉ đạo IUU quốc gia và 28 tỉnh, thành ven biển.
Từ điểm cầu Nghệ An, đồng chí Nguyễn Văn Đệ – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham gia hội nghị còn có đại diện các sở ngành, địa phương liên quan và các Trạm kiểm soát biên phòng ven biển.
Tình trạng đánh bắt hải sản vi phạm IUU còn phức tạp
Mở đầu hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trong phần khai mạc đã gợi mở, lưu ý các bộ ngành và địa phương: từ nay đến thời điểm đoàn kiểm tra thứ 4 của UB châu Âu EC đến Việt Nam chỉ còn hơn 1 tháng và tình hình khai thác thủy sản theo IUU tại các địa phương vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, các tàu cá đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn; Nghị viện châu Âu sắp bước vào nhiệm kỳ mới với nhiều thay đổi về nhân sự. Vì vậy, đây là khoảng thời gian quý và cơ hội duy nhất Việt Nam để gỡ thẻ vàng EC trong năm nay.
Cụ thể, theo báo cáo của Ban chỉ đạo IUU quốc gia, từ năm 2017 đến nay, EC đã tổ chức 3 đợt kiểm tra thực tế tại Việt Nam vào tháng 5/2018, tháng 11/2019 và tháng 10/2022. Trên cơ sở các khuyến cáo của EC, các địa phương đã triển khai giải pháp siết chặt quản lý, cấp phép đánh bắt và đã tạo được chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên theo EC, đến thời điểm kiểm tra, nếu còn 1 tàu cá Việt Nam đánh bắt trái phép trên vùng biển nước ngoài là không gỡ thẻ vàng. Hiện tình trạng mất tín hiệu kết nối hành trình VMS trên tàu cá khi đánh bắt vẫn còn nhiều. Hai năm lại đây, mặc dù các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt và số tàu bị xử phạt, khởi tố nhiều hơn nhưng 8 tháng đầu năm, cả nước vẫn còn 39 vụ với 252 ngư dân đánh bắt sang vùng biển nước ngoài bị nước ngoài bắt giữ; việc quản lý đội tàu còn lỏng lẻo, chấp hành quy định về cảng chỉ định và truy xuất nguồn gốc hải sản đánh bắt còn nhiều hạn chế.
Tại hội nghị, đại diện các bộ ngành là thành viên Ban chỉ đạo IUU quốc gia và một số địa phương ven biển báo cáo tình hình triển khai các biện pháp chống đánh bắt trái phép IUU, kết quả các biện pháp tuyên truyền, đấu tranh… Nguyên nhân là đội tàu đánh bắt của Việt Nam còn lớn, cường lực đánh bắt mạnh nên nguồn lợi thủy sản bị suy giảm khiến ngư dân vì mưu sinh nên có xu hướng phải ra vùng biển nước ngoài đánh bắt…
Tăng cường vận động, giám sát IUU trên bờ và ngoài biển
Từ thực tế triển khai chấp pháp tại các địa phương, đại diện Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang, Khánh Hòa là các địa phương gần đây có tàu cá bị nước ngoài bắt giữ đã nêu quan điểm các giải pháp trên bờ gần như các địa phương đã triển khai; còn lại chỉ là các biện pháp quản lý, xử lý trên biển, phải làm sao để nhận thức bà con ngư dân thay đổi để chấp hành tốt mỗi khi ra biển đánh bắt…
Tại hội nghị, đại diện Hiệp hội Chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP) báo cáo đưa ra những khuyến cáo, tác động của việc gỡ thẻ vàng của EC đối với Việt Nam hoặc ngược lại kịch bản, tình huống EC không gỡ thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam, thậm chí bị phạt thẻ đỏ.
Theo đó, xuất khẩu thủy sản mang lại cho Việt Nam năm 2022 là 11 tỷ USD nên việc gỡ được thẻ vàng hay không đều có những tác động, ảnh hưởng lớn đối với xuất, nhập khẩu thủy sản nước ta trong thời gian tới.
Ở Nghệ An, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh còn 11.702 lượt tàu cá mất kết nối trên biển, trong đó tàu mất kết nối quá 10 ngày là 370 lượt; còn 108 lượt tàu cá vượt đường ranh giới cho phép trên biển. Thông qua tuần tra, kiểm soát, từ đầu năm 2023 đến nay, Biên phòng tỉnh đã xử phạt 9 chủ tàu cá với số tiền 215 triệu đồng; các lực lượng khác, xử phạt 95 phương tiện với số tiền 501,7 triệu đồng.
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chia sẻ nỗ lực và khó khăn của các địa phương, bộ ngành đã vào cuộc tích cực, quyết liệt nhằm gỡ thẻ vàng EC thời gian qua. Trên cơ sở nêu lại những tác động, ảnh hưởng của bị phạt thẻ vàng EC đối với vị thế quốc gia, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành và địa phương tiếp tục quyết liệt vào cuộc tuyên truyền vận động, cùng cả hệ thống chính trị để gỡ thẻ vàng EC trong năm nay.
Thời gian tới, các bộ ngành và địa phương cần xây dựng 1 kế hoạch ngắn gọn, nếu cần thì thành lập Tổ công tác đặc biệt do Bộ Nông nghiệp & PTNT chủ trì để triển khai các giải pháp đồng bộ, xử lý kịp thời và minh bạch các vấn đề phát sinh; yêu cầu các địa phương chủ trì phối hợp giữa các địa phương và lực lượng chức năng trong kiểm tra, giám sát số lượng tàu; quản lý, kiểm tra từ trên bờ ra ngoài khơi./.