Những ngày nghỉ lễ, tại trung tâm thương mại chợ Sen (Nam Đàn), rất đông người dân đến mua sắm. Các tiểu thương chủ động nguồn hàng để phục vụ người dân. Chị Nguyễn Thị Hương, kinh doanh mặt hàng thời trang trẻ em ở đây cho biết: “Kỳ nghỉ lễ kéo dài, cộng với sắp sửa bước vào năm học mới nên nhu cầu mua sắm áo, quần cho con trẻ tăng cao. Do đó, từ trước, chúng tôi đã nhập về lượng lớn các mặt hàng thời trang đa dạng chủng loại, ưu tiên trang phục Thu – Đông, đồ mặc đi học. Giá cả áo, quần, giày, dép, mũ… ổn định, không tăng so với các năm trước”.
Để thu hút người dân đến mua sắm, chị Hương triển khai thêm chương trình tặng quà cho các cháu khi mua trang phục tại shop; giảm giá 10% cho những cháu đạt thành tích cao trong năm học vừa qua… Nhờ đó, chỉ tính riêng trong 4 ngày nghỉ lễ, doanh thu của shop tăng gấp 3 so với những ngày trước đó.
Tại chợ Sa Nam (thị trấn Nam Đàn) trong những ngày nghỉ lễ, không khí mua sắm cũng nhộn nhịp không kém, lượng khách đến chợ khá đông.
“Bình thường, người đến chợ thưa thớt, khi các trung tâm thương mại, các siêu thị trên địa bàn đã phổ biến. Thế nhưng, trong những ngày nghỉ lễ, khách đến chợ rất đông. Ngoài người địa phương thì con em làm ăn xa, du khách đến chợ khá nhiều. Chủ yếu đến mua thực phẩm, thưởng thức các món ăn tại chợ như: thịt bê Nam Nghĩa, hến sông Lam, các loại bánh… Về mặt giá cả bình ổn, khách mua về làm quà khá nhiều.” – bà Trần Thị Thu, một tiểu thương kinh doanh tại chợ Sa Nam chia sẻ.
Ở các chợ dân sinh vùng nông thôn, trong kỳ nghỉ lễ cũng thu hút rất đông khách hàng đến mua sắm. Các mặt hàng bán “chạy” nhất là nông sản địa phương, khi lượng người về quê nghỉ lễ khá nhiều, nhu cầu mua thực phẩm tổ chức ăn uống, liên hoan, họp mặt trong những ngày nghỉ cao.
“Các thôn, xóm tổ chức liên hoan giải bóng đá, hội trại, duyệt nghi thức Đội chào mừng Quốc khánh, các gia đình tổ chức ăn tết Độc lập nên nhu cầu thực phẩm tăng cao. Thịt trâu, cá, tôm sông rất đắt hàng trong 4 ngày nghỉ lễ. Có những ngày, riêng cơ sở của tôi mổ thịt 2-3 con trâu vẫn hết hàng”, anh Thái Bá Dũng, một tiểu thương kinh doanh thịt trâu, bò tại chợ Mới , xã Thuận Sơn (Đô Lương) cho biết.
Dịp này, các cơ sở sản xuất đặc sản truyền thống như: bánh đa, kẹo lạc, bánh gai, nhút, trám muối… cũng khá đắt hàng khi con em làm ăn xa về quê nghỉ lễ đặt hàng mang đi làm quà. “Mỗi năm chỉ về quê được vài lần nên mua nhút, trám, bánh đa mang đi để dùng dần và làm quà biếu. Lần này về quê trúng mùa trám nên tôi mua 2 thùng trám muối, 2 thùng nhút và 300 bánh đa đem vào Sài Gòn, vừa để gia đình ăn, vừa biếu cho bạn bè, đồng nghiệp”, chị Quỳnh Hoa ở xã Thanh Đồng (Thanh Chương) hiện sống ở Sài Gòn cho biết.
Ở thành phố Vinh, các siêu thị, trung tâm thương mại, lượng người đến tham quan, mua sắm tăng đột biến. Một phần là nhiều người dân tranh thủ kỳ nghỉ lễ, nhân dịp trước thềm năm học mới đưa con đi chơi, mua sắm; phần nữa, chính chương trình kích cầu tiêu dùng, giảm giá, khuyến mãi đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng.
Ông Trần An Khang, đại diện một siêu thị trên địa bàn thành phố Vinh cho biết: “Siêu thị đã chuẩn bị lượng hàng hóa tổng trị giá hàng chục tỷ đồng để phục vụ người tiêu dùng. Dịp lễ này, siêu thị triển khai nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn, giảm giá đến 50% tất cả sản phẩm, đặc biệt là mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt, cá, rau, củ, quả, đồ dùng gia đình, bánh kẹo… Mỗi ngày có hàng ngàn lượt khách đến tham quan và mua sắm tại siêu thị trong dịp lễ, tăng 50% so với ngày thường”.
Theo ghi nhận chung, thị trường kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh năm nay, sức mua tăng, giá cả các mặt hàng ổn định, lượng hàng hóa dồi dào. Để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, ngành chức năng đã tổ chức nhiều đoàn đi kiểm tra, kiểm soát các ngành hàng đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.