Dự án phát huy tiềm năng vùng miền Tây
Người dân bản Thái Sơn 1, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông có truyền thống nấu rượu từ men của 36 loại thảo dược lấy từ rừng. Bà Hà Thị Tình ở bản Thái Sơn 1 cho biết, để có được số dược liệu ủ men lá, bà phải đi vào rừng sâu mới có thể hái đủ số lượng và chủng loại. Trong đó, có nhiều loài cây dược liệu ngày càng khan hiếm như sa nhân, cam thảo, gừng gió, riềng rừng, sâm cau…
“Nhiều năm nay, nguồn cây dược liệu lấy từ rừng đã giúp gia đình có việc làm, có nguồn thu nhập từ việc ủ men lá. Mong địa phương, các cấp, ngành giúp người dân bảo tồn, trồng các loại cây quý để tạo kế sinh nhai lâu dài, bền vững cho bà con… Nếu không, nguồn dược liệu tự nhiên theo thời gian khai thác nhiều cũng sẽ cạn kiệt” – bà Tình bộc bạch.
Thực tế cho thấy, nếu địa phương và người dân bảo tồn, nhân giống được các cây dược liệu quý sẽ tạo được thu nhập, việc làm bền vững, “sống được” với rừng. Ví như xã Yên Hoà, huyện Tương Dương, từ năm 2021 đến nay xây dựng mô hình trồng cây khôi nhung tía dưới tán rừng. Đến nay đã có 15 người dân thành thạo kỹ thuật trồng, chăm sóc cây khôi nhung tía, cho năng suất đạt 8,5 tấn lá tươi/ha. Lá cây khôi nhung tía được thu mua với giá từ 20.000 – 30.000 đồng/kg lá tươi, 180.000 – 250.000đồng/kg lá khô, mỗi ha sẽ cho thu lợi nhuận trên 40 triệu đồng/vụ thu hoạch. Mỗi năm có thể thu hoạch 2 – 3 lần.
Toàn huyện Tương Dương có khoảng hơn 222.000 ha rừng, với sự đa dạng của nguồn cây dược liệu, việc phát triển cây dược liệu dưới tán rừng là một trong những định hướng của địa phương. Tương tự, ở các địa phương miền Tây khác, tiềm năng về cây dược liệu là rất lớn, nhất là Kỳ Sơn với nhiều loài đặc hữu như sâm puxailaileng, sâm bảy lá một hoa, hà thủ ô đỏ, hoàng tinh cách, hoàng tinh hoa đỏ, sì to… Tại huyện này, chỉ tính riêng cây bo bo có hơn 1.000ha, đang là cây dược liệu nằm trong danh mục lâm sản phụ không được phép khai thác, dù loại cây này hàng năm đem lại cho các hộ dân thu nhập hàng chục triệu đồng. Nếu được quy hoạch cây bo bo vào vùng trồng, chế biến dược liệu thì sẽ là một trong nhiều loài cây xoá nghèo cho người dân bản địa.
Những băn khoăn về phát triển kinh tế từ cây dược liệu ở miền Tây đã bắt đầu được gợi mở khi Trung ương triển khai giải ngân vốn đầu tư công 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) về xây dựng Nông thôn mới; Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và Phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 từ năm 2022.
Ở Nghệ An có Dự án “Hạng mục đầu tư vùng trồng dược liệu quý” giai đoạn 2021 – 2025, thuộc Tiểu dự án 2, dự án 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Dự án này được triển khai sẽ giúp phát huy tiềm năng to lớn về khai thác nguồn dược liệu cho sự phát triển kinh tế, cũng như bảo tồn đa dạng sinh học của vùng miền Tây. Tổng kinh phí của dự án cho cả giai đoạn là 229 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước 68 tỷ đồng, vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội 96 tỷ đồng, vốn huy động khác là 65 tỷ đồng.
Đến nay, Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được HĐND tỉnh ban hành nghị quyết phân bổ 28,733 tỷ đồng vốn đầu tư tại Nghị quyết số 45/NQ-HĐND ngày 22/10/2022 cho giai đoạn 2021-2025.
Có thể thấy, đây là sự chuyển động tích cực, mang lại niềm hy vọng lớn cho người dân các huyện miền Tây trong sự phát triển kinh tế gắn với trồng, chế biến, bảo tồn cây dược liệu vốn sẵn có ở địa phương.
Song, đến 31/7/2023, dự án này vẫn chỉ mới dừng lại ở phân bổ vốn, tiến độ giải ngân đạt 0% do vướng mắc về tiêu chí quy mô diện tích và kinh phí cho từng địa phương.
Năm 2018, nhằm phát huy thế mạnh về dược liệu và xây dựng tỉnh Nghệ An thành vùng trồng và chế biến dược liệu với quy mô công nghiệp, công nghệ cao, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt quy hoạch phát triển tổng thể dược liệu tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 1187/QĐ-UBND ngày 03/4/2018).
Quy hoạch các vùng rừng có cây dược liệu mọc tự nhiên tại 3 vùng sinh thái là vùng núi cao, vùng núi trung bình, vùng thấp và đồng bằng để khai thác bền vững 17 loài, hoặc nhóm loài có tiềm năng tạo nguồn dược liệu làm thuốc. Phấn đấu đến năm 2025, diện tích trồng cây dược liệu tập trung của Nghệ An là 885 ha, 60% diện tích và sản lượng đảm bảo tiêu chuẩn GACP-WHO. Đến năm 2030, tăng diện tích trồng lên 950 ha, 100% diện tích và sản lượng đạt GACP-WHO, đáp ứng 100% nhu cầu sử dụng dược liệu trong tỉnh.
Nhìn nhận bất cập, sớm giải ngân triển khai dự án
Theo Nghị quyết số 45/NQ-HĐND ngày 12/10/2022, huyện Kỳ Sơn được phân bổ 6,643 tỷ đồng, Tương Dương 6,642 tỷ đồng, Con Cuông 4,403 tỷ đồng, Quế Phong 6,642 tỷ đồng, Quỳ Châu 4,403 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo phản ánh của các địa phương, ngoài huyện Kỳ Sơn, các huyện còn lại không đủ điều kiện về diện tích để triển khai dự án, nên hiện chưa giải ngân được đồng nào. Cụ thể, dự án quy định địa phương phải có đủ diện tích phân bổ trồng dược liệu từ 210 ha trở lên, không yêu cầu liền vùng.
Cho biết về điều kiện ở địa phương mình, như ở huyện Con Cuông, ông Lương Viết Tùng – Trưởng Phòng Dân tộc UBND huyện cho biết, Con Cuông được phân bổ hơn 4 tỷ đồng vốn đầu tư dự án trồng dược liệu, song Con Cuông không có đủ trên 210ha để triển khai. Và nếu có đủ diện tích 210 ha thì với số vốn được phân bổ hơn 4 tỷ đồng cho giai đoạn 2021 – 2025 cũng không thể thực hiện. Cho nên, huyện đang nghiên cứu đề xuất trả lại vốn phân bổ.
Trong khi đó, “đối với huyện Kỳ Sơn, là địa phương đủ điều kiện thực hiện, thì việc bố trí nguồn vốn hơn 6 tỷ đồng là rất hạn hẹp khó có thể thực hiện. Theo đó, để có cơ sở thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3 Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025, ngày 24/4/2023, huyện Kỳ Sơn đã có Văn bản số 498 đề xuất điều chỉnh kế hoạch vốn triển khai dự án đầu tư vùng trồng dược liệu quý gửi UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan. Kỳ Sơn đề nghị tập trung đầu tư vùng trồng dược liệu tại Kỳ Sơn, không dàn trải ở các địa phương khác” – ông Nguyễn Hữu Minh – Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết.
Sau khi có đề xuất của UBND huyện Kỳ Sơn, UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản gửi Ủy ban Dân tộc Chính phủ đề xuất lựa chọn riêng đơn vị huyện Kỳ Sơn để thực hiện dự án.
Trước đó, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền và UBND huyện Kỳ Sơn cũng đã có cuộc khảo sát, đánh giá và đến ngày 20/12/2022, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền đã đề nghị Sở Y tế Nghệ An tham mưu cho UBND tỉnh đầu tư, hỗ trợ tập trung cho vùng dự án dược liệu quý tại một huyện là Kỳ Sơn để tránh đầu tư nhỏ lẻ và manh mún.
Ông Phạm Văn Hoà – Phó phòng Dân tộc UBND huyện Kỳ Sơn bày tỏ, huyện Kỳ Sơn mong UBND tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo Sở Y tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng Ban Dân tộc tỉnh rà soát, sớm tháo gỡ khó khăn cho huyện thông qua việc tham mưu điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư hỗ trợ địa phương xây dựng vùng trồng dược liệu quý, để dự án sẽ sớm được giải ngân vốn đầu tư công, không để chậm tiến độ, phát huy tiềm năng kinh tế, thế mạnh địa phương.
Ngày 31/7/2023, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh ra Nghị quyết số 418/NQ-BCSĐ về đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia và Chương trình phục hồi phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 – 2025. Nghị quyết nêu rõ mục tiêu là thực hiện thành công kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Trong đó, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công hằng năm đạt 95- 100% kế hoạch được giao; giải ngân 100% nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong năm 2023. Đồng thời, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã nêu, nhấn mạnh việc các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các Nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, tỉnh về đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia và Chương trình phục hồi phát triển kinh tế – xã hội.