Voi rừng tiếp tục chết
Ngày 13/3/2024, sau khi nhận được tin người dân thông báo phát hiện xác voi chết, các lực lượng chức năng ở huyện Con Cuông đã lập đoàn công tác để đến hiện trường, xử lý xác voi đã chết khá lâu ngày, bắt đầu phân huỷ.
Ông Lưu Trung Kiên – Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát cho biết, cá thể voi được phát hiện đã chết vào ngày 13/3/2024 tại vùng rừng xã biên giới Châu Khê là cá thể sống đơn độc ở vùng Môn Sơn, Lục Dạ thuộc vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát. Cá thể voi này đã từng vào nhà dân vào ngày 21/8/2022 ở khu vực khe Kèm, xã Lục Dạ. Đó cũng là lần ghi nhận cuối cùng con voi này có “tương tác” với người dân trong khu vực nó sinh sống, cho đến khi người dân phát hiện voi chết. Theo kết quả kiểm tra hiện trường không có dấu hiệu voi bị tấn công, nghi voi chết do già yếu.
Nói thêm về cá thể voi vừa chết ở xã Châu Khê, ông Võ Công Anh Tuấn – Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế Vườn Quốc gia Pù Mát cho biết, trên địa bàn Nghệ An hiện có khoảng 13 – 15 cá thể voi rừng tự nhiên sinh sống phân bố ở các địa phận thuộc Vườn Quốc gia Pù Mát và Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt (Quỳ Châu, Quỳ Hợp). Tuy nhiên, các cá thể này phân bố không đồng đều, nhiều khu vực chỉ có duy nhất 1 cá thể voi sinh sống đơn độc như voi ở khu vực Môn Sơn, Lục Dạ (đã bị chết ngày 13/3/2024).
Vì thế, hiện nay, trong khu vực Vườn Quốc gia Pù Mát chỉ còn khoảng 12 – 13 cá thể voi rừng sinh sống, phân bố rải rác ở các huyện khác nhau. Cụ thể, có 8 – 9 con ở vùng rừng Phúc Sơn (Anh Sơn); vùng rừng ở xã Tam Quang (Tương Dương) có 4 con. Những cá thể voi này hầu hết đều đã trưởng thành, nhiều con ghi nhận có số tuổi đã cao và khó có khả năng sinh sản. Nếu không được bảo vệ, hỗ trợ phát triển sinh sôi thì tương lai không xa đàn voi rừng tự nhiên ở Nghệ An sẽ giảm dần số lượng và biến mất.
Trước đó, tháng 2/2023, người dân cũng phát hiện xác voi chết đã phân huỷ ở khu vực xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu. Đây là 1 trong 2 cá thể voi sống ở khu vực vùng rừng Châu Phong. Theo những bậc cao niên ở đây, con voi này đã sinh sống ở đây hơn 60 năm, đã sinh sản 1 con voi con song cũng đã khoảng 30 năm. 2 cá thể voi này sống ở vùng biệt lập, không có voi đực nên không có khả năng sinh sản thêm. Hiện ở vùng rừng Châu Phong chỉ còn lại con voi con khoảng 30 năm tuổi, song từ khi voi mẹ chết, người dân nơi đây không ghi nhận dấu hiệu xuất hiện của con voi này.
Sớm bố trí kinh phí cho Dự án khẩn cấp bảo tồn voi
Để bảo vệ đàn voi rừng cũng như giảm thiểu các tác hại khi voi rừng xâm lấn khu vực sinh sống của con người, lực lượng chức năng bố trí các Tổ phản ứng nhanh hỗ trợ người dân phòng, chống xung đột giữa voi và người, thường gọi là Tổ bảo tồn voi. Cụ thể, Nghệ An hiện có 4 tổ bảo tồn voi với 28 tổ viên, gồm: 1 tổ ở xã Phúc Sơn (Anh Sơn) có 12 người; còn lại bố trí 1 tổ ở huyện Quỳ Hợp 6 người, 2 tổ ở xã Châu Phong (Quỳ Châu) 10 người. Ngoài các thành viên Tổ bảo tồn voi được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng, tại bản Vều, xã Phúc Sơn, Vườn Quốc gia Pù Mát còn phối hợp với Tổ chức bảo vệ động vật quốc tế FFI bổ sung thêm 2 người tham gia tuần tra, bảo vệ rừng 5 ngày/tháng, kinh phí hỗ trợ 350.000 đồng/người/ngày do tổ chức FFI tài trợ.
Ông Võ Công Anh Tuấn cho biết, đàn voi ở xã Phúc Sơn từ năm 2016 đến nay chưa ghi nhận có sinh sản thêm. Hiện đơn vị đang lập kế hoạch, hồ sơ xin hỗ trợ kinh phí để đầu tư trang thiết bị hiện đại giúp giám sát đàn voi hiệu quả hơn, ví như lắp đặt các máy tự động chụp ảnh, ghi hình, cảnh báo khi có hoạt động, xuất hiện của voi.
Các hoạt động hỗ trợ bảo tồn đàn voi đều cần có kinh phí lớn, duy trì hoạt động lâu dài. Ngoài chi trả cho các tổ bảo tồn voi, còn cần xây dựng các công trình, mua sắm thiết bị máy móc hỗ trợ… Về kinh phí thực hiện Dự án khẩn cấp bảo tồn voi rừng ở Nghệ An, ông Lưu Trung Kiên cho biết, trước đây công tác bảo tồn voi ở Nghệ An nằm trong đề án tổng thể của quốc gia. Cụ thể, ngày 21/5/2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổng thể bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2013 – 2020” với mục đích bảo tồn, phát triển bền vững những quần thể voi hoang dã và voi nhà hiện có ở Việt Nam. Trong đó, Đề án thực hiện các dự án bảo tồn quần thể voi hoang dã tại 3 tỉnh: Nghệ An, Đắk Lắk và Đồng Nai. Đề án thực hiện từ năm 2013 đến năm 2020. Đến năm 2022, dự án được phê duyệt điều chỉnh Đề án “Tổng thể bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2013 – 2020”. Theo điều chỉnh, đề án trên được thực hiện đến hết năm 2025. Tại Nghệ An, trên cơ sở phê duyệt của Trung ương, tỉnh đã xây dựng Dự án khẩn cấp bảo tồn voi với kinh phí dự trù hơn 18 tỷ đồng.
Quyết định số 413/QĐ-TTg ghi rõ: “UBND các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Đồng Nai, Quảng Nam tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 413/QĐ-TTg và Quyết định số 763/QĐ-TTg, chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về kết quả thực hiện đề án tại địa phương; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, theo dõi việc thực hiện đề án tại địa phương; quản lý, sử dụng các nguồn vốn đúng mục đích và hiệu quả, đúng quy định của pháp luật về đầu tư công, ngân sách Nhà nước và quy định của pháp luật có liên quan”.
Dựa trên phê duyệt của Chính phủ, Vườn Quốc gia Pù Mát đã có đề nghị đến các sở, ngành, UBND tỉnh về các nội dung triển khai Dự án khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Nghệ An, trong đó có việc bố trí kinh phí thực hiện. Tại cuộc làm việc giữa đoàn công tác UBND tỉnh do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ chủ trì ngày 19/1/2024, nội dung này đã được thảo luận và đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã có các chỉ đạo cụ thể.
Thông báo số 161/TN-UBND ngày 6/3/2024 về kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ sau khi làm việc với Vườn Quốc gia Pù Mát về kết quả công tác và phương hướng, giải pháp thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới đã ghi rõ: Đối với kiến nghị của Vườn Quốc gia Pù Mát về đề xuất cấp kinh phí thực hiện Dự án khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Nghệ An kéo dài đến năm 2025 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2827/QĐ-UBND ngày 11/9/2023 từ nguồn vốn tại Quyết định số 809/QĐ-TT ngày 12/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 đã bố trí cho Nghệ An, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính căn cứ vào các quy định xem xét, tham mưu bố trí nguồn vốn để thực hiện dự án.