Ngày 9/5, thừa ủy quyền, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định số 389/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn năm 2050.
Trong kỳ quy hoạch, nước ta sẽ có 27 khu bảo tồn biển được thành lập và hoạt động hiệu quả với tổng diện tích vùng biển được khoanh vùng bảo tồn khoảng 463.587ha, chiếm khoảng 0,463% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia (các vùng biển thuộc tài phán quốc gia).
Cụ thể, quy hoạch xác định chuyển tiếp 6 khu bảo tồn biển đã được thành lập, bao gồm 2 khu bảo tồn biển được phân hạng khu dự trữ thiên nhiên là Khu bảo tồn biển Bạch Long Vĩ rộng 27.000ha thuộc TP. Hải Phòng và Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm rộng 23.488 ha thuộc tỉnh Quảng Nam.
Đồng thời, 4 khu bảo tồn biển phân hạng khu bảo tồn loài – sinh cảnh hiện hữu là Khu bảo tồn biển Cồn Cỏ rộng 4.302ha thuộc tỉnh Quảng Trị; Khu bảo tồn biển Lý Sơn rộng 8.100 ha thuộc tỉnh Quảng Ngãi; Khu bảo tồn biển Hòn Cau rộng 12.500ha, thuộc tỉnh Bình Thuận và Khu bảo tồn biển Phú Quốc rộng hơn 40.909ha, thuộc tỉnh Kiên Giang.
Trong Quy hoạch định hướng thành lập mới 21 khu bảo tồn biển; trong đó có 11 khu bảo tồn biển cấp quốc gia và 16 khu bảo tồn biển cấp tỉnh. Tại vùng biển tỉnh Nghệ An sẽ thành lập Khu bảo tồn biển Hòn Ngư – Đảo Mắt. Đây là khu bảo tồn biển cấp tỉnh, được phân hạng là khu bảo tồn loài – sinh cảnh.
Hòn Ngư và Đảo Mắt đều nằm ngoài khơi thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An. Trong đó, đảo Hòn Ngư cách bờ hơn 4 km. Đảo gồm hai hòn lớn nhỏ. Hòn lớn cao 133 m, hòn nhỏ cao 88 m so với mặt nước biển với tổng diện tích 2,5 km².
Đảo Mắt hay còn gọi là Hòn Mắt có diện tích 80 ha với đường bờ biển xung quanh đảo dài 5 km. Vị trí đảo cách bờ ở điểm đất liền gần nhất là cửa sông Lam khoảng 19 km về phía Tây chệch hướng Tây Nam. Có một số đảo đá nhỏ nằm về phía Đông cách khoảng 2,3 km. Đảo có độ dốc lớn, điểm cao nhất là 218 m so với mực nước biển.
Vùng biển ngoài khơi Cửa Lò, giữa hai hòn đảo này có nhiều tiềm năng về hải sản, phát triển du lịch. Các hệ sinh thái biển, ven biển bao gồm hệ thống khu bảo tồn biển được thành lập đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học, cung cấp nguồn lợi hải sản, điều hòa thời tiết khí hậu và là cơ sở hạ tầng tự nhiên chống đỡ thiên tai và biến đổi khí hậu.
Việc mở rộng diện tích các khu bảo tồn biển là nội dung quan trọng của kinh tế biển xanh, được xem là một trong những phương thức hữu hiệu, ít tốn kém để duy trì, quản lý nguồn lợi thủy sản, bảo vệ đa dạng sinh học biển.
Để thành lập, quản lý và tổ chức hiệu quả hoạt động các khu bảo tồn biển, Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn năm 2050 đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện.
Trong đó, nhấn mạnh nghiên cứu xây dựng chính sách về đầu tư hạng mục hạ tầng thiết yếu cho khu bảo tồn biển; tăng cường xã hội hóa, thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách vào việc thành lập và quản lý khu bảo tồn biển; gắn với tăng ngân sách đầu tư của Nhà nước cho quản lý, xây dựng và phát triển các khu bảo tồn biển.