Sau khi xuất bán lứa lợn 10 con vào dịp Tết Nguyên đán và sẽ bán nốt 10 con vào dịp Rằm tháng Giêng, chị Nguyễn Thị Cúc ở xóm Liên Chung, xã Phong Thịnh (Thanh Chương) sẽ trống chuồng. Chị Cúc cho biết, sau khi bán hết lứa lợn này sẽ xử lý chuồng trại và tái đàn chứ không để trống chuồng quá lâu.
Chị Cúc cho biết: “Chăn nuôi là thu nhập chính của gia đình. Do đó, bán lứa này thì sẽ nuôi lứa kế tiếp. Mỗi năm 3 lứa cứ thế quay vòng. Lứa lợn bán Tết và Rằm vừa rồi giá khá tốt nên rất phấn khởi. Lứa tiếp theo sẽ nuôi 20 con lợn siêu 3 máu và 10 con lai rừng F1”.
Chăn nuôi quy mô trang trại, mỗi lứa dao động từ 150 con lợn thịt. Do đó, sau khi xuất bán vào lứa lợn Tết, hiện nay, anh Trần Ngọc Long ở xã Nghĩa Khánh (Nghĩa Đàn) đang vệ sinh chuồng trại, phun khử trùng và liên hệ trại giống uy tín để chọn giống lợn nuôi.
“Sau Rằm sẽ nhập về 200 con giống của một công ty ở Hà Tĩnh để tái đàn. Hoàn toàn là giống siêu 3 máu. Thị trường lợn thịt có lúc lên, lúc xuống, song trang trại của tôi đã liên kết với một số thương lái, đầu mối tiêu thụ nên dù biến động thế nào cũng phải đảm bảo nguồn cung thường xuyên, không được đứt đoạn”, anh Long cho biết.
Nhằm đáp ứng nhu cầu tái đàn sau Tết của người dân, chị Lê Na ở xóm 8, xã Tường Sơn (Anh Sơn) – một lái buôn chuyên cung cấp lợn giống cho người dân dọc Quốc lộ 7 đã bắt đầu “mở hàng” từ ngày mồng 6 Tết. “Trong vòng chưa đầy 10 ngày, tôi đã xuất bán cho người dân các huyện như Con Cuông, Anh Sơn, Đô Lương, Thanh Chương hơn 800 con lợn giống. Chủ yếu là lợn cỏ cho các hộ nuôi nhỏ lẻ và lợn siêu cho các trang trại, gia trại”, chị Na cho biết.
Chuyên nuôi lợn nái để bán con giống, hiện trong chuồng của gia đình chị Hoàng Thị Thủy ở xã Phong Thịnh (Thanh Chương) còn 5 nái với tổng đàn lợn giống 70 con, toàn bộ đều đã được người dân trong vùng “đặt hàng” trước. “Đợt tháng 7/2023, tôi có một lứa lợn con bán cho dân nuôi ăn dịp Tết, giá chỉ 500.000 – 650.000 đồng/con lợn giống, thì nay, 70 con lợn giống đợt này đều đã “nhận cọc” với giá 800.000 đồng/con”.
Theo khảo sát, hiện giá lợn giống trên thị trường đang tăng nhẹ. Theo đó, giống lợn cỏ trong dân (của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ) dao động từ 600.000 – 1,2 triệu đồng/con (tùy giống, tùy biểu cân); còn lợn siêu nạc 3 máu của các công ty, trại giống uy tín dao động từ 1,4 – 1,7 triệu đồng/con (biểu cân từ 7-9 kg). Mức giá này, so với thời điểm trước Tết tăng nhẹ.
Theo các thương lái, sở dĩ giá lợn giống thời điểm này tăng là do theo chu kỳ chăn nuôi, người dân đã xuất chuồng hết vào dịp Tết nên sau Tết nhu cầu tái đàn lên cao. Thêm vào đó, giá lợn hơi tăng nên giá lợn giống cũng “nhích” theo. Một lý do nữa là do trong năm, khi dịch tả châu Phi trên lợn tái phát khiến lượng lợn bị tiêu hủy khá nhiều, lợn nái, lợn giống cũng bị hao hụt nên con giống vì thế ít hơn các năm trước.
“Sau một thời gian bị tác động bởi giá cả thức ăn tăng cao, ảnh hưởng của dịch bệnh và giá lợn hơi xuống đáy, thì nay, khi giá thức ăn giảm, dịch bệnh được kiểm soát và giá lợn hơi đang trên đà tăng nên nhu cầu tái đàn của người dân tăng mạnh, tăng gấp đôi, gấp 3 so với trước. Vì thế, giá lợn giống theo quy luật cung – cầu cũng sẽ tăng”, chị Lê Na – một thương lái chuyên kinh doanh lợn giống cho biết.
Năm nay, sau Tết, thời tiết nắng ấm nên rất thuận lợi cho việc vào đàn các loại gia cầm. Vì thế, người dân cũng tập trung tái đàn khiến thị trường gà giống khá sôi động. Ngoài các giống gà bản địa (gà ác, gà cỏ) người dân tự nhân đàn bằng ấp truyền thống hoặc lò ấp thì các giống gà mía, gà vàng, gà ri được nhập về từ các công ty uy tín, được tiêm phòng vắc-xin đầy đủ.