Công trình khoa học này xuất phát từ thực tế chất lượng nước sạch đầu ra của các nhà máy vẫn còn tồn tại, bất cập. Đó là các chỉ tiêu chất lượng nước sạch đầu ra mặc dù đều đạt chất lượng theo quy chuẩn của Bộ Y tế nhưng các chỉ tiêu chất hữu cơ hòa tan tiệm cận ở mức gần vượt tiêu chuẩn hiện hành, luôn đối mặt với nguy cơ không đảm bảo về chất lượng.
Với sản lượng nước tiêu thụ năm 2022 của TP Vinh và vùng phụ cận khoảng 24,15 triệu m3, định kỳ hàng tháng phải tiến hành súc làm sạch mạng đường ống cấp nước bằng nước bơm từ nhà máy.
Lượng nước súc xả để làm sạch mạng lưới trước khi áp dụng cải tiến thiết bị công nghệ để loại bỏ các chất hữu cơ hòa tan góp phần nâng cao chất lượng nước sạch chiếm khoảng 1% sản lượng nước tiêu thụ, tương đương khoảng 241,5 ngàn m3/năm. Với giá nước sạch bình quân là 10.200 đồng/m3, chi phí để thực hiện việc súc xả là rất lớn, bình quân mỗi năm lên tới 2,464 tỷ đồng.
Chính vì thế, Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần cấp nước Nghệ An đã chỉ đạo bộ phận kỹ thuật nghiên cứu các giải pháp phân tách, loại bỏ các chất hữu cơ hòa tan để nâng chất lượng nước. Khi chất lượng nước sạch được nâng lên thì việc súc xả định kỳ hệ thống mạng đường ống sẽ được rút ngắn lại. Từ đó tiết kiệm được chi phí nước sạch từ việc súc xả, tiết kiệm chi phí hàng năm.
Sau khi cải tiến thiết bị công nghệ, lượng nước súc rửa chỉ còn chiếm tỷ lệ 0,5% sản lượng nước tiêu thụ, tương đương với 120,78 ngàn m3. Quan trọng hơn, sau cải tiến, không chỉ chất lượng nước sạch đầu ra tại các nhà máy được nâng lên mà chi phí nước để thực hiện việc súc xả cũng giảm xuống chỉ còn 1,232 tỷ đồng/năm.
Như vậy, chỉ riêng với 1 sáng kiến trong hoạt động khoa học công nghệ này, Công ty CP cấp nước Nghệ An đã tiết kiệm và làm lợi cho Công ty hơn 1,2 tỷ đồng mỗi năm; đồng thời góp phần nâng cao chất lượng nước sạch do công ty sản xuất, cung ứng.