Ấn tượng thu hút đầu tư
9 tháng đầu năm 2023, Nghệ An đứng thứ 6 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đạt mốc 1,3 tỷ USD. Đây được xem là kỳ tích của Nghệ An trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và trong nước, là sự ghi nhận kết quả cải cách hành chính, nâng cao uy tín địa phương trên cả nước.
Những năm trước, để tạo tiền đề, Nghệ An đã quyết tâm thu hút các nhà đầu tư hạ tầng lớn vào “lót ổ”. Đó là các Tập đoàn VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt. Chính các nhà đầu tư hạ tầng này hơn ai hết là những doanh nghiệp dày dạn kinh nghiệm, biết “đón” ai, “đợi” ai, biết “chọn mặt gửi vàng” trên khu đất của mình.
Ví như Khu Công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An, hiện nay đã có 37 nhà đầu tư thuê đất, với tổng diện tích 227,4 ha. Đã có 32 dự án được cấp phép đầu tư (23 dự án đã đi vào hoạt động; 4 dự án đang xây dựng, các dự án còn lại đang làm thủ tục), tổng vốn đầu tư đăng ký 17.118 tỷ đồng (tương đương 743,6 triệu USD), có 18 nhà đầu tư nước ngoài (FDI), tổng vốn đăng ký 681,06 triệu USD.
Các khu công nghiệp khác cũng thu hút được những kết quả ấn tượng, có dự án lên đến 400 triệu USD, như Dự án sản xuất thanh silic đơn tinh thể và đĩa bán dẫn của Công ty TNHH Công nghệ Runergy PV Technology (Thái Lan) tại Khu Công nghiệp Hoàng Mai I, thị xã Hoàng Mai.
Để “Trên thoáng dưới nhanh”
Hơn bao giờ hết, chỉ số lực cạnh tranh cấp huyện, sở, ngành được quan tâm chấn chỉnh và đề cao như hiện nay. Việc công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, sở, ngành… tạo sự chuyển biến cao trong cải cách hành chính, thể hiện khả năng điều hành và lãnh đạo trong bối cảnh mới; là động lực cho những đơn vị đã làm tốt, đồng thời, cũng là chỉ tiêu để cố gắng cho những đơn vị chưa có “cảm nhận” tốt của người dân, doanh nghiệp.
Những năm vừa qua, khi chưa có báo cáo công bố năng lực cạnh tranh DDCI, thì nhiều địa phương cũng đã thể hiện sự vượt trội khi thu hút đầu tư đạt cao như TX. Thái Hòa, TX. Hoàng Mai, huyện Nghi Lộc và gần đây là huyện Đô Lương. Con số công trình dự án, hạ tầng, nhà máy thấy rõ, trong đó, nhiều dự án cấp huyện chủ động thu hút cho thấy tính tiên phong của lãnh đạo địa phương.
Sau khi công bố DDCI địa phương năm 2022, kết quả cho thấy: Với thang điểm tối đa là 100, điểm tổng hợp Chỉ số năng lực cạnh tranh địa phương Nghệ An năm 2022 được phân theo nhóm.
Theo đó: Nhóm tốt là những địa phương có điểm số từ 80 điểm trở lên, bao gồm: Nghi Lộc, thị xã Hoàng Mai, Tương Dương, Quế Phong và Kỳ Sơn. Nhóm khá là những địa phương có điểm số 70 đến dưới 80 điểm, gồm: Con Cuông, Tân Kỳ, Đô Lương, thị xã Cửa Lò, thị xã Thái Hòa, Thanh Chương, thành phố Vinh, Nam Đàn, Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn, Anh Sơn, Diễn Châu, Yên Thành và Quỳ Hợp. Nhóm trung bình khá là Quỳ Châu 68,68 điểm và Hưng Nguyên 67,64 điểm.
Điểm trung bình chung của DDCI Nghệ An năm 2022 khối địa phương là 76,63 (mức điểm khá).
Dưới góc nhìn của DDCI địa phương, Nghi Lộc, TX. Cửa Lò và TX. Hoàng Mai là 3 địa phương có điểm số chi phí thời gian thực hiện thủ tục hành chính cao hơn so với các địa phương còn lại. Các huyện chưa giải quyết tốt vấn đề về thời gian thực hiện thủ tục hành chính thì kết quả DDCI cũng kém. Điều này cho thấy tầm quan trọng về thời gian giải quyết thủ tục hành chính hiện nay.
Về chi phí không chính thức, Tương Dương, TX. Hoàng Mai, Quế Phong, Đô Lương được đánh giá điểm cao tốp đầu. Ở các ngành, theo nhóm: Sở Nông nghiệp, Sở Thông tin và truyền thông đứng đầu bảng.
Thu ngân sách trên địa bàn huyện Đô Lương 9 tháng đầu năm đạt 718,6 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đầu tư công 9 tháng đầu năm đạt 71,8%. Trao đổi về các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh ở huyện Đô Lương, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Văn Hiệp cho biết: Nếu như kết quả thực hiện số hóa hồ sơ, giấy tờ quý I/2023 Đô Lương mới đạt 31,8%, thì kết thúc tháng 8/2023 đã đạt 51,5% (đứng thứ 3 toàn tỉnh sau TP. Vinh 60,9% và huyện Thanh Chương 57,1%). Để đạt kết quả đó, UBND huyện Đô Lương đã ban hành Kế hoạch số 198/KH-UBND ngày 23/11/2022 của UBND huyện Đô Lương về việc chuyển đổi số huyện Đô Lương đến năm 2025 và tiếp tục triển khai lộ trình của kế hoạch; thành lập và duy trì hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng hỗ trợ công tác chuyển đổi số. Huyện phối hợp với các đơn vị viễn thông (VNPT, Viettel…) thực hiện rà soát, xây dựng các trạm BTS để phủ sóng 100% các hộ dân trên địa bàn, phục vụ đảm bảo thông tin liên lạc cho người dân và thực hiện công tác chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị (máy tính tốc độ cao, máy scan, đường truyền mạng Internet tốc độ cao,…) cho cán bộ, công chức và người lao động tại UBND huyện, các đơn vị thuộc, trực thuộc và UBND các xã, thị trấn để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, đặc biệt là tại Bộ phận Một cửa của huyện và các xã, thị trấn.
Huyện Đô Lương cũng thực hiện số hóa hồ sơ tiếp nhận, kết quả giải quyết thủ tục hành chính và triển khai ứng dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, hệ thống một cửa điện tử. Đến nay, 100% các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan hành chính Nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử.
Ở huyện Quế Phong, một huyện miền núi mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng hiện nay đã có kết quả tốp đầu trong chỉ số DDCI năm 2022.
Tìm hiểu được biết, huyện chú trọng công tác quy hoạch, công khai quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị, hệ thống quy hoạch nông thôn; trong đó, xã quy hoạch Cụm công nghiệp Tiền Phong, quy hoạch mục đích sử dụng đất đối với các khu vực có tiềm năng, lợi thế kinh doanh để tạo quỹ đất kêu gọi, thu hút đầu tư. Huyện cũng đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách hành chính trên nhiều lĩnh vực, với quyết tâm chính trị cao nhất; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện tốt nhất hỗ trợ cho các doanh nghiệp khi thực hiện dự án đầu tư tại huyện; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, kinh tế trang trại và kinh tế hộ gia đình phát triển.
Ông Dương Hoàng Vũ – Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: Đảng bộ huyện Quế Phong đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững, gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.
Trong phương hướng phát triển, tổng thể các giải pháp phải tận dụng, phát huy hiệu quả mối quan hệ tương hỗ giữa đầu tư phát triển hạ tầng và thu hút đầu tư; huyện xác định trong các đột phá chiến lược giai đoạn 2021-2030, đó là tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, trong đó, ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, khu du lịch, hạ tầng thương mại biên giới và hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng, bình đẳng trong tiếp cận các cơ hội phát triển.
Còn những hạn chế
Báo cáo DDCI năm 2022 chỉ rõ, việc phụ thuộc vào cán bộ, công chức để tiếp cận thông tin và dịch vụ trong nhiều năm qua có thể dẫn đến việc cơ sở sản xuất, kinh doanh thiếu thói quen chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin. Điều này gây quá tải công việc cho đội ngũ cán bộ, công chức, tạo cơ hội cho sự phiền hà, sách nhiễu, chi phí lót tay. Trong khi đó, việc công bố, công khai thông tin trên cổng thông tin điện tử các địa phương còn hạn chế. Một số trang web của địa phương, ngành thông tin còn đơn giản, để trống nhiều mục, thiếu cập nhật thường xuyên.
Nhìn chung các địa phương cơ bản hoàn thành nhiệm vụ cung cấp thông tin, song chưa có địa phương nào thực sự nổi bật, có các giải pháp chiến lược trong việc đẩy mạnh minh bạch thông tin.
Cơ quan tư vấn khuyến cáo, để nâng cao chỉ số minh bạch thông tin, các địa phương cần đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp 3, cấp 4, trên môi trường điện tử, niêm yết công khai, dễ đọc, cập nhật các thủ tục hành chính.
Một hạn chế nữa trong khảo sát, đó là vẫn còn hiện tượng trì hoãn, chậm trễ khi thực hiện các quyết định, chủ trương của UBND tỉnh và cấp Trung ương (27,49% ý kiến). Đáng chú ý các hiện tượng này còn tập trung ở một số sở, ngành như: Sở Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Thuế…
Một số ý kiến cho rằng, thể chế, quy định pháp luật còn nhiều vướng mắc. Việc hỗ trợ sản xuất, kinh doanh ở Nghệ An cũng còn thiếu bền vững, chính vì thế, các sở, ban, ngành cần có giải pháp chung tay giải quyết hữu hiệu để cùng UBND tỉnh đưa chỉ số này ngày một tốt hơn.
Đánh giá về tình hình triển vọng kinh doanh từ DDCI Nghệ An, đơn vị tư vấn cho biết, quá trình khảo sát DDCI địa phương quan tâm nhiều đến các hộ kinh doanh, bởi lẽ đây là thành phần kinh tế góp phần mang lại giá trị gia tăng, sản xuất, kinh doanh tại các huyện, thành, thị xã. Đây cũng là những người đã và đang trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính và sử dụng dịch vụ công. Vì vậy, kết quả đánh giá được xem là khách quan, tin cậy.
Đây là lần đầu tiên Nghệ An công bố DDCI địa phương và các sở, ngành. Tuy còn những hạn chế nhưng điểm số khá cao so với một số tỉnh, bên cạnh đó, cho thấy người dân, doanh nghiệp, HTX đã quan tâm và tìm hiểu, đóng góp ý kiến vào các giải pháp quản lý Nhà nước. Các chỉ số của năm 2022 sẽ tạo động lực cho các đơn vị thực hiện tốt hơn, nâng cao uy tín địa phương, thúc đẩy chuyển sổ trong thời gian tới.
Kết quả điểm số DDCI khối sở, ngành Nghệ An năm 2022 trung bình chung là 78,34/thang điểm là 100, thuộc mức điểm khá. Điểm trung bình chung của DDCI Nghệ An khối huyện, thành thị năm 2022 là 76,63 (mức điểm khá).
DCCI là một kênh đánh giá của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh về môi trường kinh doanh về năng lực quản lý của các địa phương, các ngành.