Tại Tọa đàm “Bảo tồn thiên nhiên và phát triển vùng đệm các khu rừng đặc dụng Việt Nam” được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại huyện Con Cuông cuối tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở nhiều giải pháp khi tiếp cận hệ sinh thái rừng, thay đổi tư duy về thu nhập và sinh kế từ rừng.
Báo Nghệ An trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Lê Minh Hoan – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
“Rừng dạy chúng ta điều gì?” – tôi xin gợi lên câu hỏi này, để mỗi người chúng ta có dịp nghĩ suy, chiêm nghiệm.
Chắc mỗi người chúng ta đều có câu trả lời cho riêng mình.
– Xin chia sẻ với quý đại biểu tham dự Tọa đàm về một bài báo: “Về rừng: Để thấy mình nhỏ bé”. Tôi xin dẫn lại nguyên văn phần mở đầu bài viết: “100 năm trước, ta dùng chiếc máy tính to bằng cả căn phòng, vậy mà bây giờ, một chiếc máy nhỏ gọn có thể được dùng để xem phim, chỉnh sửa ảnh, chủ trì cuộc họp với những con người cách xa nửa vòng trái đất… Con người luôn nghĩ mình lớn lên theo khoa học. Nhưng đôi khi, vì đề cao thành tựu vật chất mà ta quên đi điều gì mới thực sự lớn lao, quên đi rằng, ta nhỏ bé thế nào trước sự “cho đi” của tự nhiên và của mọi người”.
Rừng dạy cho chúng ta về tấm lòng bao dung. Dẫu bao tổn thương, dưới những tàn phá, rừng vẫn cho con người không khí sạch, cho sản vật, cho bóng mát, cho hoa trái ngọt lành…
Rừng dạy cho chúng ta về sự hy sinh thầm lặng. Các đồng chí kiểm lâm, các chuyên gia, nhà khoa học… đang tham gia tọa đàm hôm nay, cùng lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng, các tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế trên khắp đất nước Việt Nam – những “người yêu rừng” ngày ngày vẫn lặng thầm, cần mẫn, đóng góp cho bảo vệ, phát triển rừng. Rừng dạy cho chúng ta về sự học hỏi, kết nối để trưởng thành. Ý thức được mình nhỏ bé có nghĩa là ta đã sẵn sàng học hỏi, dấn thân để trưởng thành hơn. Muốn trở nên lớn lao, ta phải học hỏi từ những điều lớn lao. Muốn học hỏi từ những điều lớn lao, ta phải học cách đối thoại để nối kết nhiều hơn với mọi người, mọi vật.
Rừng dạy cho chúng ta về sự quý giá, độc đáo của muôn loài, muôn thú, muôn hoa, muôn cây. Hoạt động tái thả động vật hoang dã về với tự nhiên, giúp chúng ta hiểu thêm về giá trị của việc cứu hộ, chăm sóc và che chở cho từng cá thể.
Rừng dạy cho chúng ta về giá trị đa dụng dưới tán rừng, nếu biết cách hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.
Rừng dạy cho chúng ta về bao điều chúng ta cần tiếp tục dấn thân, trải nghiệm, để học hỏi, để trưởng thành.
Rừng dạy cho chúng ta sự chở che, đùm bọc, sống hài hòa với nhau dù thân phận mỗi người khác nhau, không phân biệt lớn nhỏ, cao thấp, chính phụ như sự đa tầng, đa tầng của hệ thực vật.
Rừng dạy chúng ta biết san sẻ, biết yêu thương, dù trong bất kỳ nghịch cảnh nào. Cũng với bao nhiêu ánh nắng, ngọn gió, không khí, nguồn nước đó nhưng mỗi sinh vật trong rừng vẫn tồn tại mà không tranh chấp giành về phần mình.
Rừng dạy chúng ta bài học về tinh thần lạc quan, lúc nào cũng cất lên tiếng hát của chim muông, những khúc hát của cây.
Đoàn Khảo sát của chúng ta ấn tượng với ảnh chân dung của trẻ em, của bà con đồng bào dân tộc thiểu số miền núi khi tham quan Bảo tàng Thiên nhiên – Văn hóa mở, tại Vườn Quốc gia Pù Mát. Con người luôn là trung tâm, là chủ thể của các hoạt động gắn kết bảo tồn thiên nhiên, phát triển sinh kế.
Thành phần tham dự chuỗi hoạt động khảo sát thực tế và tọa đàm hôm nay rất đa dạng, từ nguyên lãnh đạo nhiều năm am hiểu, gắn bó với rừng, các đơn vị quản lý ngành Nông nghiệp, lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng chuyên ngành, đại diện lãnh đạo địa phương, đến các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế về thiên nhiên, về bảo tồn, đến bà con nhân dân trong vùng, có sinh kế gắn bó mật thiết với các vườn quốc gia, các khu bảo tồn và cả các bạn nhà báo, phóng viên của các đơn vị báo chí, truyền thông.
Để thấy rằng, câu chuyện bảo tồn và phát triển sinh kế bền vững là hành trình miệt mài, cần mẫn, với sự tham gia tích cực, chung sức, và kiên trì của tất cả chúng ta.
Cần phân biệt “sinh kế” và “thu nhập”
Nếu như thu nhập chỉ bó hẹp ở tiền lương, ở chế độ, ở đãi ngộ, ở lợi ích thiên về vật chất, thì sinh kế bao hàm chất lượng sống, cả về giá trị vật chất, lẫn giá trị tinh thần.
Sinh kế không chỉ là công việc, trách nhiệm, nhiệm vụ, mà là niềm vui khi được thực hiện công việc, trách nhiệm, nhiệm vụ đó.
Hệ sinh thái rừng không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn mang lại giá trị xã hội rất lớn. Khi đánh đổi một diện tích đất rừng, không chỉ là đánh đổi một số ít cây rừng mà đánh đổi cả sinh kế của những người tham gia vào phát triển rừng.
Để mưu cầu cuộc sống tốt hơn, con người đã lấy quá nhiều từ thiên nhiên, mà không tính đến thời gian để thiên nhiên tự phục hồi như đã diễn ra ngàn năm trước, trăm năm trước. Để nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn, con người vô tình làm mất đi sự cân bằng tự nhiên. Để vượt lên phía trước con người đã tác động vào hệ sinh thái bằng mọi giá. Có ai tính được bao nhiêu “điểm cộng” cho tăng trưởng phải đánh đổi bằng bao nhiêu “điểm trừ” do suy thoái môi trường, do biến dạng hệ sinh thái, do giảm tính đa dạng sinh học.
Màu xanh tự nhiên đã dần biến thành màu nâu, màu xám, giờ là lúc phải chuyển từ màu nâu, màu xám trở lại màu xanh. Mỗi sự thay đổi đâu dễ đạt được sự đồng thuận ngay lập tức của xã hội. Tất cả là do xung đột lợi ích giữa cá nhân và cộng động, giữa trước mắt và lâu dài, giữa ngắn hạn và dài hạn. Tất cả là do “điểm cộng” thì dễ thấy rõ, còn “điểm trừ” thì khó nhận ra ngay.
Có một liên tưởng vui thế này, “nếu bạn còn cân phân giữa bài toán kinh tế và môi trường, hãy thử đếm tiền và nín thở”!
Chúng ta cùng nhau trả lời những câu hỏi sau:
Chúng ta đã thực sự hiểu thấu đáo về “phát triển bền vững” chưa, với các lĩnh vực kinh tế – môi trường – xã hội?
Chúng ta có nghĩ rằng, không gian rừng không có giới hạn nhưng con người tự đặt ra những giới hạn về tư duy mở, rừng và thiên nhiên luôn là không gian mở, nhưng con người tự đóng không gian tư duy, tự chia cắt do rào cản quản lý đơn ngành?
Chúng ta hay nói đến “hệ sinh thái rừng” như một khái niệm khoa học, kỹ thuật, nhưng chúng ta nhận thức như thế nào về “hệ sinh thái con người” hay tư duy về “giá trị cộng đồng” như một khái niệm “khoa học xã hội nhân văn”?
Chúng ta luôn tìm kiếm nguồn lực từ bên trên, bên ngoài mà có quên phát huy nguồn lực từ bên trong, hoặc không kết hợp được nguồn lực từ bên trong và bên ngoài không?
Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng
Cục Lâm nghiệp phối hợp các địa phương và các đơn vị liên quan triển khai “Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng”. Đây không chỉ là một bản đề án mang tính kỹ thuật thuần túy, mà là một cách tiếp cận mới hơn, một tầm nhìn rộng mở, xa hơn về các giá trị của tài nguyên rừng. Tư duy về giá trị rừng đa dụng giúp hài hòa mối quan hệ giữa tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên con người, giữa tài nguyên hữu hình và tài nguyên vô hình, hướng đến sự phát triển bền vững.
Thu hút sự tham gia của đa dạng các chủ thể, như chính đội ngũ phóng viên, báo chí cũng góp phần tích cực, quan trọng: “truyền thông tạo ra giá trị tăng thêm trong nền kinh tế kết nối”.
Sự đa dạng hóa, tính tích hợp tạo ra giá trị kinh tế mới. Bên cạnh giá trị đến từ gỗ, còn có những loài sâm và thảo dược quý hiếm, những loài nấm có giá trị dinh dưỡng cao, còn có thể phát triển chăn nuôi thủy sản dưới tán rừng.
Tính đa dạng không tạo ra sự xung đột, mà ngược lại tạo thêm sự cộng hưởng, phong phú cho rừng. Ngày nay, thế giới đã tìm đến các loại thực phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, từ những khu rừng được quản lý bền vững.
Giá trị kinh tế mới của rừng còn đến từ dịch vụ cho thuê môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái, nguồn thu từ tín chỉ các-bon rừng.
Cách tiếp cận hài hòa, gắn kết giữa khoa học công nghệ và khoa học xã hội.
Việc bảo tồn đa dạng sinh học với những “nguồn gen” động, thực vật quý hiếm, và tri thức và văn hóa cộng đồng cũng cần được lưu giữ và phát triển trong “một bảo tàng sống” là không gian rừng.
Không gian rừng là không gian tinh thần, tín ngưỡng và tâm linh của đời sống con người.
Không gian rừng luôn rộng mở để các nhà khoa học, từ khoa học, kỹ thuật đến khoa học xã hội nhân văn, các chuyên gia về dân tộc học, đến tìm hiểu, trải nghiệm.
Không gian rừng là “địa chỉ” khơi nguồn cho các ý tưởng sáng tạo, đổi mới để các viện, trường, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tìm đến nghiên cứu, đào tạo, huấn luyện, chuyển giao, lan tỏa tri thức đến các cộng đồng.
Không gian rừng còn là sự tổng hòa các giá trị kết tinh giữa tri thức bản địa, truyền thống văn hóa ngàn đời với tri thức hiện đại, tạo ra các giá trị mới.
Cuối cùng, tôi mong muốn mỗi người chúng ta hãy có một passport để khám phá rừng và khám phá chính giá trị sống của chính chúng ta?