Người dân chưa quen lấy hoá đơn khi mua xăng
Quy định về xuất hóa đơn điện tử cho từng lần bán xăng, dầu bắt đầu thực hiện từ ngày 1/7/2022. Tại Nghị định 80 về kinh doanh xăng, dầu vừa được ban hành, có hiệu lực từ ngày 18/11/2023 cũng nêu rõ các cửa hàng bán lẻ của thương nhân kinh doanh xăng, dầu: “Thực hiện quy định về hóa đơn điện tử và cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định của Luật Quản lý thuế, các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và cơ quan Thuế”.
Mặc dù vậy, theo ghi nhận của phóng viên, tại các cây xăng trên địa bàn tỉnh Nghệ An, dù lượng người vào để đổ xăng rất nhiều vào những giờ tan tầm, tuy nhiên số người chờ đợi để lấy hoá đơn sau mỗi lần đổ chủ yếu là những doanh nghiệp, đơn vị, điều khiển xe công. Đối với khách hàng riêng lẻ thì sau mỗi lần đổ xăng, người dân đều đi luôn, không yêu cầu hoá đơn này.
Đơn cử như tại cây xăng Petrolimex tại vòng xuyến đường Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hồng Bàng trên địa bàn TP. Vinh – một trong những cây xăng lớn trên địa bàn TP.Vinh, việc xuất hoá đơn sau mỗi lần bán xăng đều chủ yếu dành cho khách hàng là doanh nghiệp, các đơn vị. Số người dân đến đổ xăng để chờ đợi lấy hoá đơn rất ít.
Anh Đinh Trí Dũng, đại diện cây xăng này cho biết: Cửa hàng nắm rõ quy định, nghiêm túc thực hiện áp dụng xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng như chỉ đạo của ngành chức năng, tuy nhiên thực tế, vào những giờ cao điểm, số lượng người đổ xăng lớn, thì số người thực sự yêu cầu lấy hoá đơn rất ít. Chủ yếu là những khách hàng là doanh nghiệp, các đơn vị lấy hóa đơn để về thanh toán, còn nếu khách hàng là cá nhân thì hầu như không lấy dù đơn vị sẵn sàng cung cấp. Do đó, việc thực hiện đồng bộ rất khó.
Theo chia sẻ của các chủ cửa hàng xăng dầu, việc áp dụng quy định xuất hoá đơn sau mỗi lần bán là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ thì vẫn cần có thời gian, cần tạo thói quen cho người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, lâu nay, đa số khách hàng đổ xăng, dầu đều không có nhu cầu lấy hóa đơn, chỉ trừ một số ít công ty, doanh nghiệp cần lấy hóa đơn để thanh, quyết toán. Thời gian qua, kinh doanh xăng, dầu kém hiệu quả, chiết khấu không ổn định, trong khi phải bỏ thêm một khoản tiền lớn để đầu tư hạ tầng thiết bị, phục vụ cho áp dụng xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán.
Chỉ đạo của Tổng cục Thuế
Theo Nghị định 123/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ có hiệu lực từ ngày 1/7/2022, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu phải xuất hoá đơn điện tử theo từng lần bán. Người bán phải đảm bảo lưu trữ đầy đủ hóa đơn điện tử khi bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân, đảm bảo có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu. Quy định là vậy, nhưng thực tế, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đến thời điểm này cũng chưa trang bị máy móc, thiết bị phục vụ cho việc xuất hóa đơn điện tử.
Hiện Công ty Xăng dầu Nghệ An đang tuyên truyền, vận động để các cửa hàng nắm rõ quy định, nghiêm túc thực hiện áp dụng xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng như chỉ đạo của ngành chức năng. Để triển khai bắt buộc xuất hóa đơn điện tử từng lần với hoạt động bán lẻ xăng, dầu, các doanh nghiệp sẽ phải đầu tư hệ thống phần cứng lẫn phần mềm, với chi phí khá lớn. Địa bàn Nghệ An có nhiều cửa hàng kinh doanh xăng, dầu lo lắng, khó có thể đáp ứng quy định trong thời gian ngắn.
Ngày 01/12/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 1284/CĐ-TTg về tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.
Để triển khai hiệu quả chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ tại Công điện nêu trên, Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-BTC ngày 24/11/2023 yêu cầu Thủ trưởng cơ quan Thuế các cấp tăng cường quản lý, sử dụng HĐĐT góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số quốc gia; Đồng thời, Tổng cục Thuế có Công văn số 5080/TCT-DNL ngày 13/11/2023 chỉ đạo các Cục Thuế địa phương khẩn trương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, thúc đẩy việc triển khai phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với hoạt động bán lẻ xăng dầu.
Ngày 05/12/2023, Tổng cục Thuế tiếp tục ban hành Công văn số 5468/TCT-DNL về việc thực hiện quy định hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu, theo đó:
Ngành Thuế các địa phương tổ chức quán triệt đầy đủ, kịp thời tới từng lãnh đạo, công chức trong đơn vị về quan điểm, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính tại các văn bản nêu trên để nâng cao hơn nữa nhận thức về trách nhiệm tổ chức, cá nhân của cán bộ, công chức tại đơn vị trong việc tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về hóa đơn, chứng từ tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/Quốc hội 14, đặc biệt đối với quy định về lập hoá đơn điện tử sau từng lần bán hàng tại các cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP là một trong các nhiệm vụ bắt buộc, quan trọng phải thực hiện.
Ngành Thuế sẽ chấn chỉnh công tác quản lý thuế đối với các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên địa bàn và triển khai các giải pháp quản lý hiệu quả để tăng cường quản lý đảm bảo thu đúng, thu đủ; Đẩy mạnh các giải pháp chống gian lận, thất thu thuế theo quy định của pháp luật; Triển khai các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, quyết liệt yêu cầu các đơn vị kinh doanh bán lẻ xăng dầu lập hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng tại các cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu theo quy định của pháp luật, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính.