Theo đó, Quốc hội đồng ý bổ sung 1.275 tỷ đồng chi đầu tư cho tỉnh Nghệ An từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 để giải quyết đền bù giải phóng mặt bằng (bao gồm cả phần chậm trả) của các dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Nghệ An thuộc nhiệm vụ ngân sách Trung ương phát sinh sau khi các dự án này quyết toán.
Quốc hội giao: Chính phủ chịu trách nhiệm về nội dung đề xuất, tính chính xác của thông tin, số liệu, căn cứ pháp lý khi triển khai thực hiện, chỉ thanh toán những nghĩa vụ thuộc trách nhiệm của Nhà nước, bảo đảm không phát sinh khiếu kiện.
Trước đó, ngày 21/11/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Thông báo kết luận về Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ và một số vấn đề liên quan.
Trong thông báo này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cần thanh toán cho các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản của Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Nghệ An và Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh qua huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai.
Đối với chính sách bố trí nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 để thanh toán chi phí giải phóng mặt bằng của Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Nghệ An, đề nghị đưa vào Nghị quyết chung Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội. Đối với việc thanh toán chi phí giải phóng mặt bằng cho Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh qua huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, đề nghị Chính phủ xem xét bố trí nguồn vốn để sớm giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc cho người dân, tránh khiếu kiện kéo dài.
Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn tỉnh Nghệ An có tổng chiều dài 73,8km, đi qua địa bàn thị xã Hoàng Mai, các huyện: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc và thành phố Vinh, được đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và hình thức BOT.
Từ khi triển khai thực hiện dự án, được sự quan tâm của các Bộ, ngành Trung ương, tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, vận động, đối thoại để giải quyết quyền lợi của công dân, xử lý các khó khăn, vướng mắc và được đa số nhân dân đồng tình ủng hộ.
Dự án đã hoàn thành đúng tiến độ theo yêu cầu đề ra và đưa vào sử dụng cuối năm 2014, mang lại hiệu quả phát triển kinh tế – xã hội, giảm tình trạng ùn tắc giao thông, đảm bảo thông suốt cho huyết mạch giao thông Bắc – Nam. Năm 2016, Bộ Giao thông vận tải đã quyết toán hoàn thành các dự án thành phần đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ; năm 2019, quyết toán hoàn thành dự án thành phần đầu tư theo hình thức BOT, bao gồm công tác quyết toán các tiểu dự án giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, do quá trình triển khai có một số nội dung liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết triệt để, nên sau khi dự án hoàn thành, nhiều công dân đã có đơn khiếu kiện gửi đến các cấp chính quyền và Tòa án Nhân dân các cấp yêu cầu bồi thường đối với phần diện tích đất của các hộ gia đình nằm trong hành lang giao thông đã bị giải tỏa khi thực hiện Dự án PMU1 thời điểm năm 1994 – 1998, nhưng trước đây mới được bồi thường tài sản trên đất, chưa được bồi thường về đất.
Trên cơ sở đề xuất của UBND tỉnh Nghệ An, năm 2020, Dự án đã được cấp bổ sung số tiền 222,388 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để ưu tiên cho các trường hợp sử dụng đất trước năm 1982, đủ điều kiện bồi thường theo quy định của pháp luật (được kết luận qua giải quyết đơn thư, khiếu nại).
Mặc dù vậy, đối với các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án nhưng chưa được nhận kinh phí bồi thường vẫn tiếp tục khiếu nại. Để có nguồn kinh phí tiếp tục chi trả, đảm bảo quyền lợi chính đáng của công dân và giải quyết dứt điểm tình trạng đơn thư khiếu nại kéo dài đối với công tác giải phóng mặt bằng dự án, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải về việc rà soát, báo cáo chi tiết các trường hợp bị ảnh hưởng, đủ điều kiện được bồi thường, hỗ trợ. Trên cơ sở đó, đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, trình Chính phủ cấp bổ sung kinh phí để chi trả cho các hộ dân.
Qua hoạt động tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội tại đơn vị bầu cử số 3 (huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai), Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã chuyển ý kiến cử tri đến Bộ Giao thông vận tải trước Kỳ họp thứ 2 và sau Kỳ họp thứ 3 kiến nghị Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, sớm cấp bổ sung kinh phí theo đề nghị của UBND tỉnh Nghệ An làm cơ sở để chi trả cho người dân bị thu hồi đất.
Căn cứ hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường về xác định diện tích đất được bồi thường, UBND tỉnh đã tích cực phối hợp với Bộ Giao thông vận tải hoàn thành công tác kiểm tra, rà soát số liệu đề xuất bổ sung để chi trả cho các hộ dân tính đến ngày 31/12/2022 là 1.282,52 tỷ đồng. Trên cơ sở ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ liên quan và đề xuất của UBND tỉnh Nghệ An, Bộ Giao thông vận tải đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung kinh phí giải phóng mặt bằng tăng thêm 1.282,52 của dự án từ nguồn vượt thu năm 2022 để bố trí cho tỉnh Nghệ An chi trả cho người dân và được Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, xử lý theo quy định, báo cáo các nội dung vượt thẩm quyền.
Sau Kỳ họp thứ 5, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp tục chuyển kiến nghị cử tri đến Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc bố trí kinh phí giải phóng mặt bằng Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A, đoạn qua Nghệ An và đã được hai Bộ quan tâm, giải quyết sớm.
Tại tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã nêu rõ sự cần thiết của việc bố trí nguồn vốn từ nguồn vượt thu ngân sách trung ương năm 2022 giao trực tiếp cho địa phương để chi trả cho người dân, với tổng số tiền 1.275 tỷ đồng (phần chênh lệch gần 8 tỷ so với đề xuất ban đầu là chi phí hoạt động của tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng do tỉnh tự bố trí).
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An tiếp tục nêu ý kiến về vấn đề này tại các phiên thảo luận.
Trên cơ sở đó, Quốc hội đã quyết định đưa nội dung này vào Nghị quyết Kỳ họp thứ 6 thay vì Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Sáng 29/11, sau khi nghe Tổng Thư ký Quốc hội – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết này.
Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 477 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 96,56 %). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.